Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sách điện tử phát triển mạnh trong 6 tháng đầu năm

Nửa đầu năm, có 1.142 xuất bản phẩm điện tử được thực hiện, tăng 104,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sách nói là làn gió mới, đáp ứng nhu cầu người nghe thời bận rộn.

Sách điện tử, sách nói đang có sự bứt phá ngoạn mục trong bức tranh xuất bản toàn cầu. Bắt kịp xu hướng, các đơn vị xuất bản, phát hành trong nước tập trung ứng dụng công nghệ, hợp tác phát triển sách nói.

Những chỉ số chung của ngành xuất bản và sự tăng trưởng của sách điện tử được thông tin tại Hội nghị giao ban công tác báo chí, xuất bản do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện. Hội nghị diễn ra chiều 8/8 tại Hà Nội.

Giao ban bao chi,  xuat ban anh 1

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hàm Đan.

Xuất bản phẩm điện tử tăng mạnh

Đánh giá việc triển khai nhiệm vụ công tác xuất bản, báo chí thời gian qua, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - cho rằng chuyển đổi số trong báo chí, xuất bản tiếp tục diễn ra mạnh mẽ và được quan tâm đầu tư nghiêm túc cả về nhân lực và tài lực.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao việc nhiều nhà xuất bản phát triển mảng sách điện tử, audio book, sách thực tế ảo; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong viết và chỉnh sửa bản thảo; tiếp thị và phân phối xuất bản phẩm.

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm, có 21.027 xuất bản phẩm được thực hiện với hơn 361 triệu bản (tăng 3,1% về xuất bản phẩm, tăng 5,5% về bản so với cùng kỳ năm 2021). Tỷ lệ sách bình quân đầu người đạt khoảng 1,9 bản sách/người (không tính sách giáo khoa).

Đặc biệt, sách điện tử có sự tăng trưởng mạnh. Cụ thể, trong 6 tháng, có 1.142 xuất bản phẩm điện tử được thực hiện (tăng 104,6%). Sách in đạt 19.250 cuốn với trên 355 triệu bản (tăng 0,1% về cuốn, tăng 6,3% về bản). Xuất bản phẩm khác (dạng đĩa CD, DVD, bản đồ, bưu ảnh, lịch) đạt 635 xuất bản phẩm với hơn 6 triệu bản (tăng 3% về xuất bản phẩm, giảm 25,9% về bản).

Ở định dạng sách nói, sách tóm tắt dù mới xuất hiện đã tạo được dấu ấn. Trong 6 tháng đầu năm, 3 nền tảng sách nói đã đưa ra trên 600 đầu sách tóm tắt, tạo sự thay đổi về phương thức tiếp cận. Sách tóm tắt được ví như làn gió mới cho văn hóa đọc trong thời đại bận rộn.

Các nhà xuất bản đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xuất bản để thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ trong thời kỳ mới.

Trong 6 tháng đầu năm, có thêm hai nhà xuất bản được xác nhận hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử (Nhà xuất bản Tri thức và Nhà xuất bản Kim Đồng). Đến nay, tổng số nhà xuất bản được hoạt động xuất bản, phát hành sách điện tử lên tới 13 đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả xuất bản, đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời hội nhập.

Tổng kết hoạt động nửa đầu năm của Cục Xuất bản, In và Phát hành cho thấy các đơn vị đã nỗ lực để khôi phục lại quy trình xuất bản bị gián đoạn trước đó do đại dịch Covid-19. Đồng thời, các nhà xuất bản làm ra nhiều xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại, các ngày kỷ niệm lớn. Nhiều xuất bản phẩm có nội dung tốt, mang tính thời sự cũng được các nhà xuất bản chú trọng thực hiện.

Bên cạnh công tác quản lý, triển khai chính sách phát triển, trong nửa đầu năm, các đơn vị xuất bản đã có nhiều hoạt động phát triển văn hóa đọc. Lần đầu tiên, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được thực hiện, cao điểm là các hoạt động vào tháng 4 tại Hà Nội và TP.HCM.

Hội sách trực tuyến quốc gia năm 2022 vừa là hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt nam, vừa là nơi để giới xuất bản đi sâu vào hoạt động phát hành trực tuyến. Hội sách có sự tham gia của 75 nhà xuất bản, đơn vị phát hành, giới thiệu 20.000 đầu sách với nhiều hoạt động giao lưu, tọa đàm với tác giả, nhà văn, nhà khoa học.

Giao ban bao chi,  xuat ban anh 2

Thiếu nhi trải nghiệm sách nói tại đường sách TP.HCM. Sách nói là lĩnh vực phát triển mạnh trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Quỳnh Huỳnh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động xuất bản

Để phát triển hơn nữa công tác xuất bản, một số giải pháp đã được nêu tại hội nghị. Ông Phạm Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - nêu ngành xuất bản cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; phát triển sách điện tử, sách tinh gọn; đồng thời tăng cường hoạt động phát triển văn hóa đọc.

Các giải pháp phát triển ngành xuất bản được nêu tại báo cáo của Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương. Theo đó, ngành xuất bản cần tập trung thực hiện các xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về các vấn đề trọng yếu; xuất bản phẩm kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; xuất bản phẩm phổ biến khoa học, công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ nhiệm vụ xây dựng Chính phủ số, kinh tế số...

Các nhà xuất bản cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng nội dung xuất bản phẩm, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, đổi mới phương thức xuất bản theo hướng hiện đại kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ để phù hợp với xu hướng phát triển hiện đại.

Đơn vị xuất bản cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số trong quản lý, quy trình thực hiện xuất bản phẩm; phát triển loại hình xuất bản điện tử; tăng cường truyền thông, quảng bá sách, nhất là trên các kênh điện tử.

Nhằm góp phần xây dựng nền xuất bản lành mạnh, phát triển văn hóa đọc cộng đồng, trong 6 tháng đầu năm, Hội Xuất bản Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động, trong đó có những chương trình gắn với xuất bản điện tử, phát hành trực tuyến.

Hội Xuất bản Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản các nhà xuất bản tại Hà Nội (12/1); Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành năm 2022; Hội sách trực tuyến quốc gia 2022 (17/4-10/6); Tổ chức lễ phát động phong trào đọc sách đến các chi hội, hội viên tại phố sách Hà Nội (ngày 21/4)... Chỉ tính riêng đường sách TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị này đã tổ chức hơn 60 chương trình phát triển văn hóa đọc.

Đại diện Hội Xuất bản Việt Nam cũng tham gia các sự kiện, hội thảo về xuất bản điện tử, đưa tiếng nói của người làm sách tới những diễn đàn như: Hội thảo “Đi tìm tầm nhìn mới cho ngành xuất bản”; hội thảo “Xuất bản sách tinh gọn - xu thế và triển vọng”...

Trong vai trò Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á, Hội Xuất bản Việt Nam đã mời các thành viên của Hiệp hội Xuất bản Châu Á - Thái Bình Dương và Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á tham dự Hội sách trực tuyến năm 2022 của Việt Nam; trao đổi thông tin của ngành xuất bản giữa các nước.

Sách tóm tắt bùng nổ trên thế giới

Sau làn sóng sách điện tử và sách nói, sách tóm tắt (hay còn gọi là sách tinh gọn) đang trở thành xu thế của ngành xuất bản.

Ứng dụng công nghệ xuất bản trực tuyến vào sách nói

Sáng 15/6, tọa đàm với chủ đề “Công nghệ xuất bản trực tuyến” được Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp một ứng dụng sách nói có bản quyền tổ chức.

Đỗ Thu

Bạn có thể quan tâm