Vào năm 2019, Dự án sách độc của Đại học Delaware đã được khởi động nhằm xác định các chất độc hại còn tồn đọng trong những cuốn sách từ thời Victoria. Những chất đó bao gồm chì, crom, thủy ngân và đặc biệt là thạch tín - hoạt chất được sử dụng để tạo sắc tố màu xanh lá cây bắt mắt.
Những hoạt chất độc hại nhưng thu hút
Những cuốn sách này vẫn xuất hiện đâu đó ngoài cuộc sống và người dùng dường như chưa có nhiều nhận thức về sự độc hại của những kim loại nặng trên bìa sách. Cuốn The Lord of the Isles, tập thơ tự sự lấy bối cảnh Scotland vào thế kỷ 14, có bìa sách vải màu xanh lá cây rực rỡ với thiết kế hoa màu đỏ và xanh lam, đã xuất hiện tự nhiên tại một khu chợ trời và được độc giả Sarah Mentock hào hứng mua về để tìm hiểu và trưng bày trên giá sách.
Chỉ sau khi đọc được một bài báo vào năm 2022 về Dự án sách độc, Sarah bắt đầu thấy lo lắng và gửi cuốn The Lord of the Isles, được bọc trong ba lớp giấy bóng, đến Delaware. Không lâu sau, Sarah nhận được phản hồi. Màu đỏ chứa thủy ngân, màu xanh lam chứa chì và bìa ngoài màu xanh lá cây nhiễm đầy thạch tín.
Sắc tố xanh thu hút lại chứa chất thạch tín độc hại. Ảnh: The Washington Post. |
Nhà hóa học người Thụy Điển Carl Wilhelm Scheele đã phát triển sắc tố thạch tín màu xanh lá cây đầu tiên vào năm 1775. Độ trong và độ bền của sắc xanh Scheele khiến nó trở nên rất phổ biến trong đời sống.
Melissa Tedone, một trong những người sáng lập Dự án sách độc, chia sẻ: “Hãy tưởng tượng bạn đang ở London, trung tâm của cuộc cách mạng công nghiệp, vào thế kỷ 19. Mọi nơi tràn ngập bồ hóng, bẩn thỉu và bị bao trùm trong một thứ màu xám xịt. Lúc này, sắc xanh Scheele là hoạt chất đầu tiên giữ được màu xanh lá cây tươi sáng”.
Màu xanh này sau đó xuất hiện ở mọi nơi. “Phụ nữ mặc những chiếc váy dạ hội đầy sắc tố thạch tín và làm rơi bụi thạch tín khi họ xoay tròn trên sàn nhảy. Giờ đây mọi người biết thạch tín độc hại, mọi thứ còn rất hỗn độn ở thời điểm đó. Đến đầu thế kỷ 20, các nhà hóa học mới phát minh ra thuốc nhuộm xanh tổng hợp an toàn”.
Trong 5 năm qua, bà Tedone và đồng nghiệp Rosie Grayburn đã triển khai Dự án sách độc để tìm hiểu xem có bao nhiêu cuốn sách độc hại như vậy vẫn còn tồn tại. Họ đã khuyến khích đồng nghiệp tại các trường đại học và thư viện trên khắp thế giới tìm kiếm sách có nguy cơ độc hại trong kho lưu trữ, đồng thời đến thăm các tổ chức nhỏ hơn không có đủ thiết bị để tiến hành thử nghiệm.
Khoảng 50% số sách được họ phân tích cho đến nay có kết quả dương tính với chì. Crom xuất hiện trong màu vàng và thủy ngân được tìm thấy trong sắc tố màu đỏ đậm của các tác phẩm thời Victoria, Thạch tín, chất độc nhất trong số các hóa chất này, được tìm thấy trong 300 cuốn sách, bao gồm những cuốn có đầu đề vô hại như The Grammar School Boys hay Friendship’s Golden Altar.
Bà Tedone cho biết: “Thạch tín không chỉ độc hơn các sắc tố kim loại nặng khác mà chúng tôi còn phát hiện ra thạch tín lan trên tay bạn và nồng độ của chúng thậm chí cũng có thể đo được”.
Giới sưu tập bị thu hút
Những phát hiện này đã khiến các tổ chức lớn, bao gồm Thư viện quốc gia Pháp hay Đại học Nam Đan Mạch, dừng lưu hành những cuốn sách có chất độc và đưa chúng vào khu cách ly riêng.
Tuy nhiên, giới sưu tập lại có cảm xúc trái ngược. Todd Pattison, một nhà bảo tồn sách ở Boston, cho biết trong suốt 30 năm sưu tập, khi ông tình cờ bắt gặp một trong những cuốn sách khá hiếm có màu xanh lá cây đặc biệt, ông đã mua chúng ngay chỉ vì màu sắc khác thường này.
Nhờ Dự án sách độc, ông phát hiện ra những cuốn sách quý hiếm mà ông rất thích, có chứa thạch tín. Và dù nhìn nhận chúng theo một cách rất khác so với trước đây, ông Pattison vẫn sử dụng chúng để giảng dạy trong các lớp học về sách cổ của mình. “Chúng tôi nhìn nhận chúng theo cách khác và cẩn thận hơn, nhưng những tác phẩm này là lời nhắc nhở tuyệt vời rằng vẫn còn rất nhiều điều phải tìm hiểu về các hiện vật văn hóa như sách”.
Pattison thích thú với những cuốn sách độc tại Trường sách hiếm thuộc Đại học Virginia. Ảnh: The Washington Post. |
Một số người yêu sách cũng muốn được chiêm ngưỡng những tác phẩm như vậy. Khi hiệu sách Honey & Wax ở Brooklyn rao bán những cuốn sách nhiễm thạch tín tại Hội chợ sách cổ quốc tế New York vào tháng 4, “rất nhiều người muốn được chụp ảnh cùng những cuốn sách đó”, chủ hiệu sách Heather O’Donnell chia sẻ.
Và khi rao bán, các tác phẩm nhiễm độc này, có giá dao động từ 150 đến 450 USD, được bán hết trong vòng 48 giờ.
“Chúng tôi đã bán hầu hết chúng cho các nhà sưu tập tư nhân. Giới sưu tầm muốn sở hữu một minh chứng đẹp về thể loại sách độc do họ khá tò mò về chúng”, ông O’Donnell nói.
Bà Tedone cũng chia sẻ: “Đừng hoảng sợ khi nghĩ rằng có thể có một cuốn sách độc hại trên giá sách của mình. Chúng là một phần thực sự thú vị và quan trọng của văn hóa vật chất và lịch sử của con người. Vấn đề chỉ là biết cách xử lý chúng một cách an toàn”.
Theo Tedone, những cuốn sách có sắc tố kim loại nặng nên được cất trong túi nhựa để ngăn chúng có thể rơi ra. Và nếu vẫn muốn đọc sách, độc giả để chúng trên bề mặt cứng và đeo găng tay cao su chuyên dụng, loại được bán tại mọi cửa hàng kim khí. Và khi đọc xong, lại cất sách vào túi, rửa tay và lau sạch bề mặt vừa để sách.
Và với Mentock, sau khi hiểu đầy đủ thông tin, bà cũng không ngại ngần nếu có một cuốn sách như vậy trong bộ sưu tập của mình. Dù đã vui vẻ tặng cuốn sách cũ cho Dự án sách độc, Mentock vẫn đang săn lùng một tác phẩm khác.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.