Chiều 13/5, Sở GTVT TP.HCM phát thông báo khẩn về việc điều chỉnh tổ chức giao thông, cấm tất cả các loại ôtô di chuyển qua cầu thép An Phú Đông, nối quận 12 với quận Gò Vấp, riêng xe máy vẫn được phép lưu thông.
Động thái này nhằm đảm bảo an toàn giao thông sau sự cố tai nạn sà lan va chạm trụ cầu An Phú Đông gây uy hiếp đến kết cấu an toàn của công trình.
Cầu An Phú Đông tiếp tục bị sà lan tông làm trụ cầu bị cong. Ảnh chụp hiện trường sự cố tháng 10/2020. |
Theo báo của của BQL dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông), sự việc sà lan va chạm trụ cầu T6 của cầu An Phú Đông vào khoảng 7h sáng ngày 13/5.
Tàu kéo mang biển kiểm soát LA-03774 kéo sà lan biển kiểm soát SG-2612 lưu thông từ hướng sông Sài Gòn về hướng cầu An Lộc đã va vào trụ T6 của cầu An Phú Đông. Cú va chạm mạnh đã khiến cọc số 6, cọc số 7 của trụ cầu T6 bị cong vênh; đỉnh trụ T6 cũng bị chuyển vị trí.
Ngay sau nhận thông tin, Sở GTVT, Ban giao thông cùng các cơ quan chức năng đã kiểm tra, khảo sát hiện trường để đánh giá hiện trạng và xác định biện pháp sửa chữa, khắc phục.
Để đảm bảo an toàn giao thông, Ban giao thông đã kiến nghị Sở GTVT tiến hành hạn chế tải trọng, cấm ôtô lưu thông qua cầu (xe 2 bánh vẫn lưu thông bình thường) để Ban giao thông cùng các đơn vị liên quan kiểm định và sửa chữa cầu.
Công trình cầu thép An Phú Đông được đưa vào khai thác cuối năm 2020 với tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng. Cầu có kết cấu bằng thép, dài 238 m, rộng 12,5 m cho hai làn ôtô và hai lề cho người đi bộ.
Đáng chú ý, tháng 10/2020 đã có sự cố sà lan đâm vào trụ cầu gây hư hỏng nặng. Sự cố đã phần nào làm dự án bị chậm tiến độ đưa vào khai thác so với kế hoạch gần 3 tháng.
Lộ trình thay thế:
Hướng từ đường Vườn Lài đến đường Nguyễn Thái Sơn: đường Vườn Lài → Quốc lộ 1 → đường Hà Huy Giáp → đường Nguyễn Oanh → đường Phan Văn Trị → đường Nguyễn Thái Sơn.
Hướng từ đường Nguyễn Thái Sơn đến đường Vườn Lài: đường Nguyễn Thái Sơn → đường Phan Văn Trị → đường Nguyễn Oanh → đường Hà Huy Giáp → Quốc lộ 1 → đường Vườn Lài.
Những cuốn sách hay về miền Nam
Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.