Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Rừng tại xã biên giới của Gia Lai đối mặt nguy cơ bị xóa sổ

Không chỉ dân địa phương phá rừng mở rộng đất canh tác, còn có sự xuất hiện của các nhóm “lâm tặc” chuyên nghiệp có tổ chức, sử dụng phương tiện cơ giới để khai thác gỗ.

Pha rung Gia Lai anh 1

Lực lượng chức năng kiểm đếm khối lượng gỗ vận chuyển trái phép tại xã biên giới Ia Mơ, Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN.

Tình trạng phá rừng trên địa bàn xã biên giới Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đang nóng lên từng ngày, khi hàng loạt các vụ phá rừng liên tiếp được phát hiện trong thời gian ngắn.

Đáng chú ý, không chỉ có người dân địa phương phá rừng mở rộng đất canh tác, mà còn có sự xuất hiện của các nhóm “lâm tặc” chuyên nghiệp có tổ chức, sử dụng phương tiện cơ giới để khai thác và vận chuyển gỗ trái phép.

Cụ thể, vào ngày 6/10/2024, lực lượng chức năng của huyện Chư Prông đã chặn bắt xe tải chở gỗ 77H-03444 do tài xế Nguyễn Thành Quân (sinh năm 1991, cư trú tại phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) điều khiển; trên xe chở 404 lóng gỗ tươi, chủ yếu là gỗ Dầu, khối lượng gần 9m3 đang trên đường vận chuyển ngang qua làng Xom Pốt, xã Ia Pia, huyện Chư Prông.

Qua kiểm tra, tài xế Quân không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số gỗ này.

Theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông, toàn bộ số gỗ trên đều có dấu hiệu mới cắt. Tài xế Quân tỏ ra bất hợp tác trong suốt quá trình điều tra, gây khó khăn cho việc xác minh nguồn gốc lâm sản.

Ông Trần Anh Tài, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông cho biết, đơn vị đã xác lập hồ sơ ban đầu; phối hợp với các lực lượng chức năng để điều tra, xác minh chủ sở hữu và tiến hành truy xuất nguồn gốc của lâm sản.

Ngay sau vụ việc này, lực lượng kiểm lâm tổ chức triển khai tuần tra tại nhiều địa điểm khác và phát hiện thêm khoảng 2,9m3 gỗ Long tròn bị bỏ lại tại một điểm tập kết khác.

Tiếp đó, ngày 10/10/2024, lực lượng chức năng còn phát hiện thêm tại lô 29 khoảnh 2 và lô 46 khoảnh 1, Tiểu khu 1001 thuộc lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur quản lý có hàng chục cây gỗ Dầu mới bị cưa hạ, còn đang rỉ mủ.

Những cây gỗ bị cưa hạ có đường kính từ 13-40 cm chỉ còn lại gốc, cành và ngọn. Qua kiểm đếm sơ bộ, có 49 gốc cây đã bị đốn hạ tại khu vực này.

Trao đổi về sự việc trên, ông Trần Anh Tài cho biết, qua kiểm tra, số cây rừng bị khai thác có đường kính gốc và chủng loại so với số gỗ trên xe có nhiều yếu tố tương đồng.

Pha rung Gia Lai anh 2

Lực lượng chức năng kiểm đếm khối lượng gỗ vận chuyển trái phép tại xã biên giới Ia Mơ, Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN.

Tuy nhiên, để xác định cụ thể, Hạt Kiểm lâm sẽ tiếp tục làm việc, đấu tranh, xác minh lời khai của đối tượng vi phạm nhằm truy xuất nguồn gốc lâm sản.

Trước mắt, Hạt Kiểm lâm sẽ tiếp tục chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn xã Ia Mơ phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur và các đơn vị liên quan bảo vệ hiện trường, mở rộng điều tra, làm rõ tính chất, mức độ vi phạm, xác lập hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, lực lượng chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm của công chức liên quan, nếu có dấu hiệu thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra vụ việc hoặc bao che, tiếp tay cho đối tượng thực hiện hành vi phá rừng sẽ xử lý nghiêm hoặc báo cáo Chi cục Kiểm lâm xử lý theo quy định.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, cho biết Ủy ban Nhân dân huyện và Hạt Kiểm lâm đã chỉ đạo chính quyền địa phương, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur cùng các đồn biên phòng kiểm tra tất cả khu vực, đối chiếu hình ảnh để xử lý vụ việc một cách cụ thể và chính xác, nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng tái diễn.

Trong khi các cơ quan chức năng đang xác minh mối liên hệ giữa diện tích rừng bị phá và số lâm sản đã bị tịch thu, một điểm khai thác mới cũng được phát hiện với hơn 30 gốc cây đã bị đốn hạ. Những khu vực rừng bị phá này đều nằm tương đối gần với các điểm chốt, trạm của lực lượng Biên phòng.

Tình trạng phá rừng tại xã Ia Mơ đang đặt ra yêu cầu cấp bách đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan chức năng. Nếu không có biện pháp căn cơ, hiệu quả thì những cánh rừng còn lại ở khu vực biên giới Ia Mơ sẽ đối mặt với số phận bị "xóa sổ" hoàn toàn.

Điều tra nhóm đối tượng phá rừng quy mô lớn vào đêm giao thừa

Lợi dụng vào đêm giao thừa, hàng chục đối tượng đã đưa xe công nông vào xã biên giới Ia Mơ (Chư Prông, Gia Lai) để khai thác gỗ trái phép quy mô lớn.

Tỉnh ủy Đắk Nông chỉ đạo xử lý nghiêm vụ phá hơn 6.000 m2 rừng

Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông đã chỉ đạo khẩn trương điều tra, xác minh, xử lý nghiêm vụ phá hơn 6.000m2 rừng trên địa bàn.

Giải cứu sơn dương quý hiếm dính bẫy trong rừng sâu ở Nghệ An

Trong lúc tuần tra bảo vệ rừng, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tương Dương (Nghệ An) đã giải cứu 1 con sơn dương dính bẫy và thả về với tự nhiên.

Sách hay về môi trường

How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến ​​thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.

We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.

https://www.vietnamplus.vn/gia-lai-rung-tai-xa-bien-gioi-ia-mo-doi-mat-voi-nguy-co-bi-xoa-so-post985924.vnp

Hoài Nam - Xuân Huy/Vietnam+

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm