Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận vừa tổ chức cuộc họp, quyết định xin ý kiến về phương án điều chỉnh quy hoạch, đầu tư, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tại dự án công viên Hùng Vương (TP Phan Thiết).
Khu vực quy hoạch trên còn được gọi là khu vực dự án 5 (dự án Công viên Hùng Vương), có diện tích hơn 32 ha, vốn được quy hoạch là khu công viên, cây xanh, thể thao.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch khu đất ngập nước (khoảng 32 ha) tại phường Phú Thủy, TP Phan Thiết, nhằm nâng cao mỹ quan thành phố, đáp ứng nhu cầu thiết yếu về không gian mở cho cư dân đô thị; đáp ứng nhu cầu đầu tư về không gian phức hợp hoàn thiện, phù hợp với không gian công viên trung tâm và khu vực xung quanh.
Việc này cũng nhằm khai thác hiệu quả vị thế khu đất, đẩy cao giá trị gia tăng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực.
Đa dạng sinh thái đặc trưng ở khu vực ngập mặn giữa lòng Phan Thiết. Ảnh: Duy Hiệu. |
Lo mất đi khu sinh thái ngập nước không thể tái tạo
Năm 2019, nơi này được điều chỉnh quy hoạch khoảng 12 ha để xây dựng khu dân cư, thương mại dịch vụ, giao thông. Phần công viên còn khoảng 20 ha. Việc tách 12 ha làm khu dân cư, thương mại dịch vụ để tỉnh Bình Thuận tổ chức đấu giá đất lấy tiền xây dựng phần công viên.
Hồi tháng 4/2021, trong chuyến thị sát thực tế khu vực này, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cho rằng cần giữ lại toàn bộ diện tích khu đất ngập nước có cây tái sinh làm công viên cây xanh, phát triển hệ sinh thái đặc biệt này, giữ lá phổi xanh cho TP Phan Thiết.
Nhiều nơi người ta bỏ tiền ra để trồng thêm rừng ngập mặn, trong khi ở đây có quần thể thực vật ngập nước tái sinh là điều hiếm hoi, cần phải giữ lại.
Bí thư Dương Văn An
Một tháng sau, tháng 5/2021, Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận chỉ đạo tạm dừng dự án. Theo đó, khu vực đất mặt tiền bao quanh “rừng ngập mặn” chuẩn bị bán đấu giá để xây dựng cao ốc, biệt thự bị hủy bỏ để dành toàn bộ diện tích xây dựng công viên sinh thái.
Chia sẻ với Zing, Bí thư Dương Văn An nói rằng quỹ đất để phát triển khu dân cư hay thương mại dịch vụ ở TP Phan Thiết còn nhiều, có thể tổ chức đấu giá đất ở những nơi khác.
"Nhiều nơi người ta bỏ tiền ra để trồng thêm rừng ngập mặn, trong khi ở đây có quần thể thực vật ngập nước tái sinh là điều hiếm hoi, cần phải giữ lại", ông An lo ngại nếu làm khu dân cư ở đây, Phan Thiết sẽ mất một phần khu sinh thái ngập nước không thể tái tạo được.
Bí thư Bình Thuận cho biết thêm Thường trực Tỉnh ủy đã có kết luận giao UBND tỉnh nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo vệ và phát triển hệ sinh thái ngập nước tại khu đất này. Đồng thời, báo cáo HĐND tỉnh điều chỉnh quy hoạch theo hướng giữ lại toàn bộ khu đất này để làm công viên sinh thái và một số công trình công cộng phù hợp.
Người dân mưu sinh ở rừng ngập mặn. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo người dân TP Phan Thiết, khi con đường Hùng Vương (tuyến đường nối trung tâm thành phố Phan Thiết với khu du lịch Mũi Né) mở rộng thì khu “rừng ngập mặn” mới lộ ra, được nhiều người biết đến.
Quần thể thực vật ngập nước này được con sông Cầu Ké bao quanh, nằm trên địa bàn 3 phường Phú Thủy, Phú Hài và Thanh Hải, tạo mảng xanh và hệ sinh thái độc đáo ngay trung tâm TP Phan Thiết.
Quy hoạch phải giữ lại hệ sinh thái ngập mặn
Về quy hoạch khu vực Công viên Hùng Vương, nhiều ý kiến thống nhất cao việc điều chỉnh quy hoạch theo phương án mới, trong đó biến khu vực “rừng ngập mặn” thành điểm nhấn, du lịch ấn tượng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, trở thành lá phổi xanh của Phan Thiết trong tương lai.
Sau khi nghe trình các phương án quy hoạch khu Công viên Hùng Vương, UBND tỉnh Bình Thuận hướng đến phương án hình thành một khu công viên văn hóa đa chức năng, lấy hệ sinh thái làm trung tâm cho định hướng phát triển không gian và thiết kế hoạt động của con người.
Phương án này sẽ giữ lại phần lớn hệ sinh thái cây xanh và hiện trạng vùng nước ngập mặn tại khu vực 32 ha. Đây là điểm mấu chốt mà theo UBND Bình Thuận, phù hợp với hiện trạng, bảo vệ gần như nguyên vẹn khu rừng ngập mặn độc đáo.
Một phương án khác được đưa ra tương tự hướng quy hoạch trên, nhưng sẽ dành một phần đất tiếp giáp bờ sông chuyển đổi thành đất thương mại để xây dựng các công trình phục vụ kinh doanh.
Tỉnh Bình Thuận đánh giá phương án này chỉ là ưu tiên thứ cấp, bởi phần đất công trình thương mại tiếp giáp bờ sông chưa thật sự cần thiết và cũng có thể để lại hệ lụy.
Khu rừng ngập mặn được giữ lại nguyên vẹn trong điều chỉnh quy hoạch mới. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trong cuộc họp về nội dung này Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh nhấn mạnh việc giữ gìn, phát huy giá trị khu đất ngập nước 32 ha là việc cần thiết.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận thống nhất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Công viên Hùng Vương theo hướng giữ lại tối đa hệ sinh thái đất ngập nước để thiết kế công viên phù hợp đảm bảo cảnh quan, môi trường, thẩm mỹ, phục vụ nhu cầu nhân dân địa phương và du khách, tạo điểm đến ấn tượng.
UBND tỉnh Bình Thuận được giao nghiên cứu, tính toán phần diện tích xây dựng công viên phù hợp, đồng thời bố trí, tính toán phần diện tích dự kiến xây dựng công trình văn hóa.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận giao cho UBND tỉnh cân nhắc, thảo luận kỹ các bên liên quan về ý kiến bố trí một phần diện tích làm khách sạn. Trong trường hợp đồng ý thì phải đảm bảo cảnh quan phù hợp hệ sinh thái đất ngập nước, còn không thì lên phương án nghiên cứu, bố trí vị trí nằm ngoài khu vực 32 ha.
Những cuốn sách hay về xã hội
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.