Theo nghiên cứu, lượng phát thải này có thể lên đến hàng triệu tấn mỗi năm. Hầu hết khí nhà kính đến từ cháy rừng, cũng như việc đốt rừng để chăn nuôi bò và trồng đậu tương.
Tuy vậy, khi nhiệt độ nóng lên và hạn hán xảy ra, bản thân khu rừng cũng trở thành nguồn phát thải khí nhà kính, đặc biệt ở vùng đông nam Amazon.
Cháy rừng là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất tại rừng Amazon. Ảnh: Japan Times. |
Các nhà khoa học đã sử dụng máy bay cỡ nhỏ để đo hàm lượng CO2 trong không khí ở độ cao 4.500 m so với mặt đất trong 9 năm và chứng kiến sự thay đổi của rừng Amazon.
“Tin xấu đầu tiên là những đám cháy rừng sinh ra lượng CO2 cao gấp 3 lần so với khả năng hấp thụ của rừng”, tiến sĩ Luciana Gatti, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, nói. “Thứ hai, ở những nơi mà rừng bị chặt phá từ 30% trở lên, lượng phát thải khí nhà kính cao gấp 10 lần so với những nơi tỉ lệ chặt phá dưới 20%”.
Theo tiến sĩ Gatti, càng ít cây đồng nghĩa với càng ít mưa và nhiệt độ càng cao. Điều này khiến mùa khô trở nên tồi tệ hơn với phần còn lại của khu rừng. “Chúng ta sẽ bước vào vòng luẩn quẩn, khiến khu rừng dễ bị tổn thương hơn trước những đám cháy không kiểm soát”, bà nói.
Tiến sĩ Gatti nhận định lượng phát thải khí nhà kính sẽ giảm nếu chính phủ Brazil cấm đốt rừng Amazon. Tuy vậy, chính quyền của Tổng thống Jair Bolsonaro đã cổ vũ chặt phá rừng, khiến tỉ lệ phá rừng tại Brazil tiếp tục gia tăng.
“Mọi người nghĩ thêm đất cho nông nghiệp sẽ giúp sản lượng gia tăng. Tuy vậy, trên thực tế, sản lượng sụt giảm do tác động tiêu cực đến lượng mưa”, tiến sĩ Gatti nói.