Đây là kết luận được đưa ra trong dự thảo báo cáo bị rò rỉ về biến đổi khí hậu của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hợp Quốc. Báo cáo 4.000 trang này được coi là tài liệu toàn diện nhất về những tác động mà biến đổi khí hậu gây nên cho Trái Đất.
Theo báo cáo, chỉ trong chưa đầy 30 năm tới, Trái Đất sẽ phải đối mặt với hàng loạt thảm họa tự nhiên, từ động thực vật tuyệt chủng, dịch bệnh, nắng nóng quá mức chịu đựng của con người, ở mức độ nghiêm trọng hơn nhiều so với hiện tại.
“Điều tồi tệ nhất vẫn chưa tới. Nó sẽ tác động đến con cháu chúng ta nhiều hơn so với bản thân chúng ta”, báo cáo khẳng định.
Những thay đổi lớn về khí hậu trước đây đã thay đổi môi trường tự nhiên và xóa sổ hầu hết loài sinh vật. Điều này đặt ra câu hỏi: phải chăng con người đang đào hố chôn chính mình?
“Sự sống trên Trái Đất có thể vượt qua những biến đổi lớn về khí hậu bằng cách tạo ra những loài sinh vật và hệ sinh thái mới. Tuy vậy, con người không thể tồn tại theo cách này”, báo cáo viết.
Mối nguy mới
Báo cáo của IPCC dự báo khí hậu Trái Đất sẽ thay đổi ngay khi nhiệt độ trung bình vượt mốc 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trước đây, giới khoa học từng kết luận cuộc sống của con người vẫn an toàn nếu nhiệt độ Trái Đất không vượt quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đến năm 2015, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đặt mục tiêu không để nhiệt độ tăng quá 1,5 độ.
Biến đổi khí hậu gây ra hạn hán ở nhiều khu vực, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Ảnh: Reuters. |
Tuy vậy, báo cáo của IPCC cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng “kéo dài hàng trăm năm, thậm chí không thể đảo ngược” nếu mức tăng nhiệt độ vượt mốc 1,5 độ C trong khoảng thời gian dài.
“Ngay cả ở mức 1,5 độ C, điều kiện số sẽ thay đổi quá mức nhiều loài sinh vật có thể thích nghi. Các rặng san hô là ví dụ”, báo cáo viết.
Tháng 5 vừa qua, Tổ chức Khí tượng Thế giới dự đoán thế giới sẽ trải qua ít nhất một năm mà nhiệt độ vượt mốc 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp trước năm 2026.
Giáo sư Jennifer Francis, nhà khoa học môi trường tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell, Mỹ chỉ ra tác động của biến đổi khí hậu có thể nhận thấy trên cả cấp độ cá nhân lẫn toàn cầu.
“Cư dân ở những nơi nóng ẩm sẽ bị tác động nhiều nhất. Ở đây, con người không thể thoát khỏi nhiệt lượng mà chúng ta tự sinh ra trong quá trình hoạt động”, giáo sư Francis giải thích. “Nếu tình trạng này diễn ra quá mạnh, chúng ta sẽ không chịu đựng nổi”.
Theo giáo sư Francis, trong khi Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Đông đang hứng chịu những đợt nóng nguy hiểm, các khu vực sát vùng cực bắc cũng có thể bị ảnh hưởng. Mùa hè năm 2020, lần đầu tiên vùng Siberia của Nga ghi nhận nhiệt độ lên tới 38 độ C.
Tương lai đầy rủi ro
Báo cáo của IPCC kêu gọi thế giới đối mặt với thực tế và chuẩn bị cho những mối nguy trong tương lai.
“Mức độ thích nghi hiện nay là không đủ để đối phó với những rủi ro về khí hậu trong tương lai”, báo cáo cảnh báo.
Theo dự báo của các nhà khoa học, nếu mức tăng nhiệt độ là 2 độ C, tác động của biến đổi khí hậu vẫn rất lớn. Hàng chục triệu người có thể bị đói kinh niên, trong khi 130 triệu người khác rơi vào cảnh nghèo cùng cực, nếu tình trạng bất bình đẳng không được giải quyết.
Đến năm 2050, nhiều thành phố ven biển sẽ phải tiếp nhận hàng trăm triệu người tị nạn do bão lũ. Tình trạng này trở nên tồi tệ hơn khi nước biển dâng cao. Trong khi đó, khoảng 410 triệu người tại các vùng đô thị sẽ bị thiếu nước ngọt. Kể cả khi nhiệt độ chỉ tăng 1,5 độ C, con số này vẫn là 350 triệu người.
Người dân Mozambique phải đi sơ tán do tác động của lũ lụt. Ảnh: AP. |
Sự chênh lệch 0,5 độ C này dường như rất nhỏ. Tuy vậy, nếu mức tăng nhiệt độ của Trái Đất tăng từ 1,5 độ C lên 2 độ C, sẽ có thêm 420 triệu người phải chịu đựng những đợt nắng nóng khắc nghiệt.
Ngoài ra, báo cáo chỉ ra những hậu quả môi trường “không thể đảo ngược” nếu Trái Đất tiếp tục nóng lên.
Theo một nghiên cứu gần đây, nếu Trái Đất nóng lên 2 độ C, các thềm băng ở đảo Greenland và Tây Nam cực sẽ tan ra. Khi đó, mức nước biển có thể tăng tới 13 mét, vượt quá mức có thể phục hồi.
Tương tự, một khi rừng nhiệt đới Amazon biến thành đồng cỏ hay hàng tỷ tấn carbon thoát ra khỏi vùng bị đóng băng vĩnh cửu tại Siberia, hậu quả không thể khắc phục.
Ngay trong tương lai gần, một số khu vực như Đông Nam Á, Đông Brazil, miền trung Trung Quốc hay khu vực Địa Trung Hải sẽ phải chịu đựng nhiều loại thiên tai cùng lúc, từ hạn hán, nắng nóng, bão lũ đến cháy rừng.
Con người cần làm gì?
Bản báo cáo này có thể tác động mạnh mẽ đến quá trình hoạch định chính sách chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy vậy, tài liệu này đáng ra chỉ được công bố vào tháng 2/2022, sau khi hội nghị thượng đỉnh về khí hậu năm 2021 kết thúc.
Trong thông cáo ngày 23/6, IPCC khẳng định họ “không bình luận về nội dung của bản dự thảo trong khi các công việc vẫn đang được tiến hành”.
Giáo sư khí hậu Francois Gemenne, đồng tác giả của báo cáo, tiết lộ dự thảo sẽ tiếp tục được chỉnh sửa cho đến khi hoàn tất. “Đây không phải là phiên bản sẽ được công bố vào tháng 2/2022”, ông viết trên trang Twitter cá nhân. “Việc công bố kết quả trước khi hoàn thiện làm tổn hại uy tín của báo cáo nói riêng và IPCC nói chung.
Bên cạnh đưa ra những cảnh báo về hiểm họa của biến đổi khí hậu, bản dự thảo báo cáo còn đề xuất những điều cần làm ngay để cứu con người khỏi thảm họa, cũng như chuẩn bị cho những tác động không thể đảo ngược.
Rừng ngập mặn được coi là “hệ sinh thái carbon xanh” và cần được bảo tồn. Ảnh: Reuters. |
Con người cần bảo vệ các “hệ sinh thái carbon xanh”, như rừng ngập mặn hay tảo bẹ, có thể dự trữ lượng lớn carbon, giảm tác động của bão và tạo ra môi trường sống cho nhiều loài sinh vật. Những hệ sinh thái này cũng cung cấp sinh kế cho nhiều cộng đồng ven biển và đảm bảo an ninh lương thực.
Việc chuyển đổi sang chế độ ăn giàu thực vật cũng có thể giúp lượng phát thải carbon giảm tới 70% đến năm 2050.
Tuy vậy, con người không thể dựa vào những hành động đơn lẻ như trồng cây hay đổi từ xe chạy xăng sang xe điện. Chúng ta cần có những hành động toàn diện hơn, trên tất cả các lĩnh vực. Những hành động này cần được thực hiện bởi mọi chủ thể, từ cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp đến chính phủ.
“Chúng ta cần định hình lại lối sống và phong cách tiêu dùng”, báo cáo khẳng định.