Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Rồng lửa Việt Nam trận đầu đánh thắng

Thượng úy sĩ quan điều khiển Konstantinov ấn nút phóng 2 quả tên lửa cách nhau 15 giây. Cả hai tên lửa đều trúng mục tiêu. Trên màn hình, ông cũng thấy đồng đội đã hạ gục địch.

Đại tá, Cựu chiến binh (CCB) Xô viết Vladislav Mikhailovich Konstantinov, nguyên là Thượng úy, sĩ quan điều khiển tên lửa trong đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đầu tiên sang Việt Nam giúp Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam trong việc đào tạo Bộ đội Tên lửa Phòng không và trực tiếp tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc nước ta do không quân Mỹ gây ra.

Những năm tháng ở Việt Nam đã để lại cho Đại tá Konstantinov- những kỷ niệm khó quên, đặc biệt là những kỷ niệm về trận đánh ngày 24/7/1965 - trận ra quân đầu tiên của Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những tư liệu do Đại tá Konstantinov cung cấp.

Trung tâm huấn luyện Bộ đội Tên lửa Phòng không tại Việt Nam

Đầu năm 1965, một số sĩ quan, binh sĩ Bộ đội Tên lửa Phòng không Liên Xô được triệu tập về một căn cứ thuộc Quân đoàn Phòng không độc lập số 4 ở thành phố Sverlov. Theo lời kể của Đại tá Konstantinov, những người được triệu tập về đây đều phải trải qua các cuộc phỏng vấn và kiểm tra thực hành trên khí tài tên lửa SA-75.

Mục đích, nhiệm vụ và địa bàn của chuyến công tác vẫn chưa được tiết lộ. Đầu tháng 2/1965, Hội đồng Quốc phòng Liên Xô thông báo cho biết mục đích, nhiệm vụ và địa bàn mà họ được cử đến công tác là Việt Nam.

Sĩ quan điều khiển Konstantinov được cử vào đoàn tiếp nhận khí tài tên lửa để đem sang Việt Nam do Thiếu tá, Tổng công trình sư Nikolai Alekseevich Meshkov làm trưởng đoàn và bao gồm những sĩ quan thuộc các lĩnh vực kỹ thuật vô tuyến điện, kỹ thuật xác định tọa độ, kỹ thuật hệ lập lệnh, Kỹ thuật hệ phát lệnh, kỹ thuật xe thu-phát. Đoàn tiếp nhận khí tài được cử đến một "kho" ở ngoại ô thành phố Bacu - Thủ phủ Cộng hòa XHCN Azerbaizan - để nhận bộ khí tài tên lửa SA-75 (CA-75).

Theo lời kể của Đại tá Konstantinov, đây là bộ khí tài dùng cho huấn luyện và gồm có 6 xe. Đoàn tiếp nhận khí tài và tiến hành lắp ráp, kiểm tra các thông số của bộ khí tài SA-75 sau đó được xếp lên các toa tàu hỏa để đưa đến trường bắn Kapustin Yar để bắn đạn thật. Tại trường bắn, bộ khí tài SA-75 lại được kiểm tra một lần nữa. Lần này có cả đại diện của Bộ Quốc phòng Liên Xô. Cả 2 quả đạn được phóng lên đều tiêu diệt được mục tiêu và cuối cùng SA-75 đã được chính thức bàn giao cho đoàn của Thiếu tá, Tổng công trình sư Nikolai Alekseevich Meshkov.

Cuối tháng 2/1965, bộ khí tài SA-75 được xếp lên tàu hỏa và được đưa đến thành phố Chelyabinsk. Đây chính là địa điểm tập kết người và khí tài được lựa chọn từ các đơn vị Bộ đội Tên lửa Liên Xô, lập thành một đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đầu tiên đem khí tài tên lửa sang Việt Nam. Đoàn do Đại tá Sygankov M.N. làm trưởng đoàn.

Đoàn tàu đặc biệt hướng về Bắc Zabaikan, qua biên giới Xô - Trung vào Trung Quốc và đầu tháng 4/1965, đoàn tàu đến biên giới Trung-Việt. Tại đây, khí tài được chuyển sang các toa tàu Việt Nam và ngày 16/4/1965, đoàn tàu đặc biệt này đã đến Hà Nội.

Tại Việt Nam, một trung tâm huấn luyện Bộ đội Tên lửa Phòng không đã được thành lập trong khu rừng phía bắc Hà Nội. Trưởng trung tâm huấn luyện là Đại tá Mikhail Nikolaevich Sygankov. Mọi công tác chuẩn bị đều được các chuyên gia quân sự Liên Xô và các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Tên lửa Phòng không tương lai của Việt Nam thực hiện rất nhịp nhàng, nhanh chóng. Nhờ đó, cuối tháng 4/1965, Trung tâm huấn luyện đã được khai giảng.

Một khó khăn trong huấn luyện là giảng dạy và học tập đều phải qua phiên dịch. Thời khóa biểu trong ngày dày đặc: Báo thức lúc 5h và ăn sáng xong trước 6h. Lên lớp từ 6h-12h và từ 16h-19h. Vì mùa hè, lại ở trong rừng, nên từ 12h-16h thời tiết rất oi bức, mọi người cần được nghỉ ngơi. Buổi tối, học viên tự học từ 20h-22h. Trong giờ tự học, giáo viên vẫn có mặt ở lớp để giải đáp những nội dung bài giảng học viên chưa hiểu.

Theo chương trình đã được phê duyệt, thời gian học tập là 4 tháng. Song đứng trước tình hình không quân Mỹ ngày càng điên cuồng đánh phá miền Bắc Việt Nam, mặt khác tại thời điểm đó, Liên Xô đang bị một nước trong phe XHCN là láng giềng của Việt Nam bài xích về kỹ thuật tên lửa, hạ thấp giá trị giúp đỡ của Liên Xô đối với Việt Nam, vì vậy, Lãnh đạo Trung tâm huấn luyện đã thống nhất với Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân rút ngắn thời gian huấn luyện xuống còn 2,5 tháng.

Trận đầu ra quân thắng lợi

Thượng tuần tháng 7/1965, lãnh đạo Trung tâm huấn luyện đã cùng với Bộ Tư lệnh Phòng không- Không quân QĐND Việt Nam quyết định chuẩn bị 2 tiểu đoàn tên lửa ra quân chiến đấu.

Đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, mà khó khăn chủ yếu là bộ khí tài SA-75 sẽ đem đi chiến đấu lại là bộ khí tài đã dùng nhiều năm cho huấn luyện, nhiều thông số kỹ thuật đã khác xa với tiêu chuẩn quy định, số lượng phụ tùng thay thế đem sang Việt Nam chỉ còn lại rất ít, số phụ tùng mới để thay thế chưa được chuyển từ Liên Xô sang Việt Nam. Tiểu đoàn 63 và Tiểu đoàn 64 Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236 được chọn là đơn vị ra quân trận đầu.

Suốt đêm 22, ngày 23 và đêm 23/7/1965, đơn vị hành quân chiếm lĩnh trận địa. Đây là một địa hình không hoàn toàn bằng phẳng. Tiểu đoàn 64 triển khai cách trận địa Tiểu đoàn 63 khoảng 10-15 km..

Lệnh của chỉ huy Tiểu đoàn cho mở máy và vừa mới phát tín hiệu đã thấy trên màn hình có nhiều mục tiêu. Lúc đầu rất khó định hướng trong từng tình huống. Khi các mục tiêu đã bay vào vùng phóng, nhưng điều kiện bắn lại không thuận lợi. Toàn đơn vị hạ quyết tâm không bắn trượt, đã bắn phải bắn trúng...

Tình hình trong xe rất ngột ngạt và nóng, nhất là số lượng người trong xe lại tăng gấp đôi do có cả các sĩ quan Liên Xô và Việt Nam. Vì vậy buộc phải tắt máy một số lần để khắc phục tình trạng trên.

14h20 có lệnh mở máy, và chỉ sau vài phút, kíp chiến đấu đã phát hiện một chấm lớn gồm 2 vạch nhỏ. Sau khi đạn đã nổ, những người trong buồng máy mới hiểu mỗi vạch nhỏ là 2 máy bay "con ma", chúng bay sát nhau từng đôi một, chẳng khác nào đi diễu hành trong cuộc duyệt binh. Không còn nghi ngờ khi nó lặp lại ở các giây tiếp theo.

Lúc 14h25, Thượng úy sĩ quan điều khiển Konstantinov ấn nút "phóng" 2 quả cách nhau 15 giây. Tên lửa thứ nhất trúng mục tiêu đi đầu. Tốp mục tiêu bắt đầu tách ra. Trắc thủ góc tà (trắc thủ PC) Yuri Papushov báo cáo mục tiêu đang giảm góc tà. Thực tế quả đạn thứ 2 đã bắn trúng mục tiêu thứ 2.

Qua hệ thống loa truyền thanh, sĩ quan điều khiển Konstantinov báo cáo Trung tá Tiểu đoàn trưởng Mozaev và toàn thể cán bộ chiến sĩ trong Tiểu đoàn là mục tiêu đã bị bắn hạ. Trên màn hình của mình, kíp chiến đấu cũng quan sát được các đồng chí ở Tiểu đoàn 64 cũng đã phóng tên lửa như thế nào. Họ đã hạ gục chiếc F-4C (con ma) thứ 3 của địch. Như vậy, kíp chiến đấu của 2 tiểu đoàn đã hạ gục 3 trong tốp 4 máy bay "con ma" bay vào vùng trời phía tây Hà Nội. Hai phi công Mỹ bị bắt sống.

Sau trận đánh, 2 trung đoàn nhanh chóng thu hồi khí tài và giấu trong một khu rừng non cách đó không xa.

Ngày truyền thống vẻ vang

Khi trở về nước, Thượng úy, sĩ quan điều khiển Konstantinov được vào học tại Học viện chỉ huy phòng không mang tên Zukov. Năm 1972 tốt nghiệp Học viện, được đề bạt làm Tham mưu trưởng Tiểu đoàn, rồi Tiểu đoàn trưởng, Trưởng khoa Học viện Zukov. Ông được tặng thưởng Huân chương "Cờ đỏ", Huân chương "Sao đỏ", "Huy hiệu danh dự", 12 huy chương các loại của Liên Xô và Huy chương "Hữu nghị" của Việt Nam. Ông nghỉ hưu năm 1990 ở tuổi 52 với cấp hàm Đại tá. Những dòng hồi ức của ông về những năm tháng ở Việt Nam không chỉ có khói lửa chiến tranh mà còn đậm đà tình cảm của những người đồng chí.
Sĩ quan điều khiển Konstantinov thứ 2 từ trái sang phải.
Ông kể lại: Sau trận đánh ngày 24/7, chúng tôi được giao nhiệm vụ triển khai trận địa ở ngoại thành Hà Nội. Thời kỳ này không quân Mỹ không bay vào Hà Nội, chúng sợ tên lửa Liên Xô. Tuy thế, Hà Nội vẫn thường xuyên có báo động phòng không và chúng tôi vẫn mở máy vào cấp I. Chúng tôi ở ngoại thành Hà Nội gần 10 ngày. Trong thời gian này chúng tôi bảo dưỡng máy và sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ mới. Trong thời gian này, một sự kiện vô cùng trọng đại và đáng ghi nhớ đã đến với chúng tôi, đó là các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đến thăm chúng tôi tại trận địa: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn và Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng. Các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đánh giá cao sự phối hợp tác chiến giữa các chuyên gia quân sự Liên Xô và các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị lấy ngày 24/7 là ngày truyền thống của Bộ đội Tên lửa Phòng không QĐND Việt Nam. Cũng trong thời gian này, các tiểu đoàn 61 và 62 thuộc Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236 cũng được ra quân chiến đấu. Đầu tháng 8/1965, Tiểu đoàn 63 nhận nhiệm vụ mới. Hành quân về hướng nam Hà Nội và triển khai trận địa ở một vùng thuộc phía nam tỉnh Ninh Bình. Khi gặp chúng tôi, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Bình nói với chúng tôi rằng, máy bay Mỹ bay vào Ninh Bình chưa bị trừng phạt. Ninh Bình rất phấn khởi khi Bộ đội Tên lửa đến quê hương. Ngay những phút đầu tiên mở máy, chúng tôi đã phát hiện thấy mục tiêu địch. Tiểu đoàn trưởng quyết định bắn ngay mục tiêu đầu tiên bay vào vùng phóng đạn. Tiểu đoàn phóng 5 quả đạn: 3 quả vào nhóm mục tiêu thứ nhất, còn 2 quả vào nhóm mục tiêu thứ 2. Hai lần phóng cách nhau với khoảng thời gian ít nhất. Quả đạn thứ 6 là quả đạn dự bị. Cả hai lần phóng đều đạt hiệu quả cao. 2 máy bay A-6Đ đã bị bắn rơi và 2 phi công Mỹ bị bắt làm tù binh. Khi bị hỏi cung, chúng khai rằng, theo số liệu trinh thám của chúng thì vùng Ninh Bình và Thanh Hoá chưa có tên lửa phòng không của Liên Xô. Chúng thản nhiên và ngạo mạn bay vào vùng trời Thanh Hóa, Ninh Bình. Chiến thuật mai phục tên lửa của các bạn Việt Nam đã đem lại hiệu quả bất ngờ. Đầu năm 1966, Không quân Mỹ đã thay đổi chiến thuật và tìm ra những mặt yếu của tên lửa Liên Xô: Địch sử dụng các loại nhiễu hòng làm tê liệt hệ thống phát hiện và chỉ thị mục tiêu. Chúng đang bay ở độ cao đột ngột chuyển sang bay ở độ thấp. Số lần đánh vào trận địa tên lửa đã tăng lên, gây tổn thất cho chúng ta. Một đồng chí chuyên gia quân sự Liên Xô là Vitaly Smirnov - Khẩu đội trưởng bệ phóng tên lửa Tiểu đoàn 82 - Trung đoàn 238 đã bị thương nặng khi đang làm nhiệm vụ sửa chữa thiết bị ngoài trận địa và hy sinh tại Quân y viện 108. Cuối tháng 2/1966, Tiểu đoàn của chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ thành phố Hải Phòng. Đơn vị chúng tôi luôn cơ động dọc theo bờ biển của vịnh Bắc Bộ. Những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4, luôn luôn có sương mù bao phủ kín vùng vịnh Bắc Bộ. Sương mù cũng là phương tiện nguỵ trang rất tự nhiên và có hiệu quả cho chúng tôi. Một hôm, mặc dù các trạm đã tắt máy, song chúng tôi nghe rất rõ tiếng động cơ của máy bay địch. Tất cả chúng tôi lao vào các xe ca bin của mình và mở máy, nhìn rất rõ trên màn hình một số nhóm mục tiêu. Rõ ràng là chúng đi ném bom. Chúng tôi kịp bám sát mục tiêu và phóng 2 quả tên lửa. Mục tiêu bị tiêu diệt và rơi xuống biển. Đây là tình huống lần đầu tiên các bạn Việt Nam gặp phải. Trên biển chưa có trạm quan sát bằng mắt nên khi có nhiều mây mù, không phát hiện được mục tiêu. Còn đối với chúng tôi đây không phải là trường hợp bất ngờ, Đại tá Konstantinov nhấn mạnh. Đây cũng là bài học cho các học viên Việt Nam mà trong chương trình huấn luyện chưa đề cập đến. Đầu tháng 5/1966, phần lớn các thành viên trong đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đầu tiên sang Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ và lên đường về nước. Theo lời kể của Đại tá Konstantinov, đồng chí Đại tá Phùng Thế Tài, Tư lệnh trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân tới dự buổi chia tay và tặng các đồng chí trong đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô Huy chương Hữu nghị của Việt Nam, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, các loại huy hiệu của Quân chủng Phòng không-Không quân và nhiều quà kỷ niệm. Các bạn đồng nghiệp Việt Nam đã tiễn những người thầy, người đồng chí của mình với tình cảm rất lưu luyến và kính trọng.

http://antg.cand.com.vn/vi-VN/tulieu/2014/8/83764.cand

Theo Ninh Công Khoát/Báo An Ninh Thế Giới

Bạn có thể quan tâm