Bình luận
Giữa tuần này, Juventus có cơ hội ngược dòng Porto sau khi thua 1-2 ở lượt đi vòng 1/8 Champions League. Trong lượt đấu này, Barcelona gần như hết cơ hội trước PSG, sau thảm bại 1-4 ngay trên sân nhà.
Hai đội trong hoàn cảnh tương tự, không chỉ vì tỷ số mà còn vì đang mang gánh nặng giống nhau, của tuổi tác, tiền bạc, từ những ngôi sao đắt giá và khoản thâm hụt tài chính khổng lồ vì dịch bệnh. Ronaldo và Messi vẫn song hành, nhưng lần này theo hướng tiêu cực.
“Trong bóng đá, không có lời cảm ơn”
Bóng đá tàn nhẫn, và đó là điều không mới mẻ. Bill Shankly thậm chí không thèm nói chuyện với Ian St John sau 8 năm loại ông khỏi đội một Liverpool dù trước đó, đây là tiền đạo hàng đầu của thế hệ vàng sân Anfield.
Sau 11 năm đỉnh cao, Nobby Stiles thậm chí không có nổi một trận tri ân từ Manchester United. West Ham đã thất hứa với Bobby Moore, để ông ra đi tự do. Cựu HLV Coventry và Derby County, Harry Storer, từng có lần nói với HLV huyền thoại Brian Clough: “Trong bóng đá, không có lời cảm ơn”.
Messi cùng Barca không thể giành được chức vô địch Champions League kể từ năm 2015. Ảnh: Getty. |
Khắc nghiệt là thế, nhưng môn thể thao này lại tồn tại quan điểm phổ biến: Một cầu thủ, HLV chiến thắng, sẽ luôn biết cách chiến thắng.
Điều này xảy ra phổ biến trong thời đại này, ví dụ trường hợp của Jose Mourinho. Vinh quang với Porto, Chelsea, Inter, phần nào đó là Real Madrid, được kỳ vọng tái lập ở Man United, Tottenham... dù HLV người Bồ rõ ràng đã cũ trong guồng quay khắc nghiệt của lịch sử.
Hoàn cảnh của Barca tệ hơn Juventus, nhưng có lẽ dễ hiểu hơn. Messi đã thi đấu 21 năm. Không ai dám động đến cầu thủ hay nhất CLB trong chừng ấy thời gian, càng không chọn được thời điểm phù hợp để đào thải một cầu thủ như vậy. Không chỉ cá nhân Messi, mà cả gia đình anh đều thuộc về Catalunya, cho đến lúc này, khi anh sa sút.
Từ năm 2017, khi Barca thua 0-4 trước PSG và 0-3 trước Juve, họ đã có vấn đề. Trước những đối thủ đẳng cấp, hàng tiền vệ quá yếu. Các năm sau đó, mỗi năm là một trận thua đau đớn: 0-3 trước Roma năm 2018, 0-4 trước Liverpool năm 2019, cùng thảm bại 2-8 trước Bayern năm 2020 và 1-4 trước PSG chỉ 3 tuần trước.
Một phần lý do dẫn đến điều này là tuổi tác và hàng tiền vệ chậm chạp. Mùa 2009/10, Messi có 2,1 lần tranh chấp và cắt bóng trung bình ở La Liga, trong khi con số đó ở mùa này là 0,7 (dù Barca cầm bóng ít hơn và trong thế phải tranh chấp nhiều hơn).
Thỉnh thoảng anh lại tỏa sáng, và điều này bị che lấp. Tuy nhiên, anh đã 33 tuổi. Anh cần giữ sức. Messi có lẽ không ghi bàn và kiến tạo nhiều đến thế nếu bị giao nhiệm vụ tranh chấp.
Quan trọng nhất, Messi nhận lương 28,5 triệu bảng mỗi năm, với số tiền thưởng gần gấp 4 số này. Khi 4 cựu giám đốc CLB bị bắt tuần trước, Barca đã ở tình cảnh không thể trả lương cho Messi. Anh đại diện cho khoản thâm hụt 1,1 tỷ bảng.
Những người hùng sa cơ
Trong khi đó, Juventus mua dây buộc mình. Quyết định mua Ronaldo 33 tuổi vào năm 2018 với giá 100 triệu bảng.
Juve hy vọng Ronaldo sẽ ghi bàn để đưa họ đến vinh quang Champions League, sau khi thua 2 trận chung kết trong 5 mùa trước đó.
Tuy nhiên, CR7 tranh bóng còn ít hơn Messi, chỉ 0,4 lần tranh chấp và cắt bóng mỗi trận Serie A mùa này. Điều này đi ngược lại tư tưởng chiến thuật hiện đại, điều mà Pirlo đang cố thực hiện.
Ronaldo chưa từng cùng Juventus vượt qua vòng tứ kết Champions League. Ảnh: Getty. |
Với Ronaldo, Juventus thua Ajax ở tứ kết Champions League và Lyon ở vòng 1/8. Họ bị loại sớm hơn so với trước khi mua anh. Có thể, họ sẽ đánh bại Porto. Có thể, Ronaldo mang Champions League trở lại, nhưng có rất ít dấu hiệu cho điều đó sau những gì diễn ra tại Dragao.
Giống Messi, Ronaldo kiếm khoản thưởng khổng lồ, bên cạnh mức lương 28 triệu bảng mỗi năm. Bốn cầu thủ lương cao nhất sau anh cộng lại cũng vẫn thua xa thu nhập của mình anh. Juve đã thực hiện một canh bạc, bỏ hết trứng vào một giỏ, đầu tư vào Ronaldo. Và giờ họ nợ gần 350 triệu bảng.
Dịch bệnh gia tăng áp lực tài chính. Khoản lỗ của Barca năm ngoái là 73 triệu bảng, của Juventus là 68 triệu bảng. Thế giới đóng băng, và bóng đá cũng vậy.
Sự sụp đổ của Giang Tô không chỉ ảnh hưởng đến bóng đá Trung Quốc, mà còn lan đến Inter, đội do Suning sở hữu. Ông chỉ ra không chỉ Inter chịu ảnh hưởng (thua lỗ 85 triệu bảng vào năm ngoái) mà cả Premier League, vì Suning sở hữu PPLive, nền tảng nắm giữ bản quyền Premier League ở Trung Quốc. Gói thầu bản quyền truyền hình trị giá 564 triệu bảng đã bị hủy bỏ.
Đó là lý do vì sao Ronaldo và Messi là gánh nặng. Con đường của Barca và Juve khác nhau, họ cũng là những cầu thủ khác nhau, nhưng ảnh hưởng là giống nhau: Họ đều cực kỳ đắt đỏ và phong cách của họ đang không phù hợp, ít nhất với đẳng cấp bóng đá cao nhất hiện nay.
Khi Messi hết hợp đồng hè này, và Ronaldo đáo hạn giao kèo với Juventus vào năm 2022, không đội nào đủ khả năng chi trả những khoản tiền khổng lồ cho họ. Đó có thể mới là phần tệ nhất.