Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ronaldo - Gã sát thủ điệu đà mang tính cách dị biệt

Trong khi nhiều cầu thủ trẻ không dám ngẩng mặt lên nhìn đàn anh, Ronaldo ngày mới đến MU đã sớm khẳng định cá tính sau này giúp anh vươn lên đỉnh cao của thế giới.

Guillem Balague là một chuyên gia bóng đá hàng đầu, rất am hiểu về La Liga. Ông là tác giả của cuốn sách “Messi” – cuốn sách bán chạy nhất viết về El Pulga. Ngoài ra, ông còn là một chuyên gia trong việc kiểm chứng tin đồn chuyển nhượng. Chính Balague là người đầu tiên phát hiện ra việc Ronaldo ký một bản ghi nhớ với Real và đưa tin này lan truyền ra bên ngoài.

Ngày 5/11 tới, Balague sẽ cho ra mắt một cuốn sách viết về Ronaldo. Trong cuốn sách này, Balague hé lộ rất nhiều chi tiết thú vị, từ quá trình Sir Alex biến Ronaldo thành một siêu sao, mâu thuẫn của Ronaldo với Ruud Van Nistelrooy cho đến việc siêu sao này rất thích soi gương.

Ngôi sao ưa làm đỏm

Ronaldo, với vốn tiếng Anh ngọng nghịu hay khiến người ta bật cười, ban đầu kết thân với nhóm cầu thủ nói tiếng Tây Ban Nha, bao gồm Quinton Fortune, Diego Forlan, Gerard Pique, Gabriel Heinze, sau đó là cả thủ môn Ricardo và HLV thể lực Valter di Salvio. Anh cũng tạo dựng mối quan hệ ban đầu khá tốt đẹp với Ruud van Nistelrooy.

Ronaldo cùng Kleberson về MU năm 2003

Ở MU thời ấy, nhiều cầu thủ trẻ thậm chí còn không dám ngẩng mặt lên nhìn các “đại ca” Ryan Giggs, Gary Neville hay Roy Keane. Vậy mà Ronaldo đã sớm thể hiện cá tính của anh. “Cậu ta bước đi với cái đầu luôn ngẩng cao, ngực ưỡn ra tự tin và mắt nhìn thẳng về phía người đối diện”. Thậm chí Ronaldo còn hào sảng tuyên bố: “Hòa nhập không thành vấn đề. Tôi thuộc về nơi này”, Phil Neville nhớ lại.

Trong lần đầu thấy Ronaldo dám nhìn thẳng vào mắt mình, Phil Neville nghĩ trong đầu: “Khỉ thật, thằng nhóc này. Trông chú mày có vẻ xấc xược giống Cantona đấy!”. 

Các cầu thủ trẻ hay né tránh sự chú ý bằng việc lựa chọn phong cách ăn mặc giản dị. Nhưng nếu Ronaldo cũng đi vào lối mòn ấy thì có lẽ anh đã không phải Ronaldo. Dĩ nhiên, mọi sự tự tin của “ma mới” đều dễ làm nhóm “đại ca” khó chịu. Họ bắt đầu soi mói. Và nghĩ ra những câu chuyện gây cười, trước sự cố gắng xây dựng thương hiệu cá nhân của Ronaldo

Quinton Fortune kể lại: “Ngày ấy, Ronaldo rất ưa thích những chiếc quần jeans bó sát. Jeans của hãng Armani hay hãng nào cũng được. Miễn là bó. Đấy có lẽ là phong cách ăn mặc của Bồ Đào Nha. Nhiều lần tôi hỏi: “Này Ronaldo, cậu có thở được không. Nhìn lại mình đi. Đàn ông gì mà điệu thế”.

Tất nhiên những lời gièm pha không thể khiến Ronaldo khép lại hành trình xây dựng một hình ảnh mới, đẹp đẽ và lung linh hơn. Anh tìm đến nha sĩ để chỉnh lại bộ nhá vốn không được đều cho lắm. Anh ra đường với những chiếc áo sạch tinh tươm. Đầu tóc luôn bóng lộn. Phòng tắm chất đầy các loại kem dưỡng da. Ngay cả khi ra sân chỉ để tập luyện, Ronaldo cũng yêu cầu những bộ đồ sạch sẽ nhất, giày thi đấu phải bóng lộn. Gary Neville thầm nghĩ: “Thằng nhóc này quá phô trương”. Nhưng rồi dần dần, Neville cũng thay đổi quan điểm. “Ronaldo đang hình thành một tiêu chuẩn mới cho cầu thủ bóng đá”.

Có thể nói, Ronaldo đã thực hiện theo đúng những lời mà HLV đội trẻ Eric Harrison luôn nhắc đi nhắc lại với cầu thủ: “Mọi hành động của các cậu đều đại diện cho MU. Hình ảnh của các cậu là hình ảnh của CLB. Chỉ bước ra đường khi bộ dạng thật đẹp đẽ”.

Ronaldo là một cầu thủ vô cùng điệu đà. Người ta gọi anh là Rô "điệu" để phân biệt với Rô "béo".

Cầu thủ thường sở hữu rất nhiều trò nghịch ngợm. Họ dĩ nhiên không để cho Ronaldo được yên. Ronaldo dễ nổi nóng nên họ thường tìm cách chọc giận anh ấy. Fortune nhớ lại: “Mỗi lần Ronaldo bước vào phòng thay đồ, nếu anh ta lờ đi không thèm chào hỏi, chúng tôi lại bắt đầu trò đùa. Sẽ có một tình huống giả định như: “Này Ronaldo, tôi nghe đồn cậu đang giữ chiếc áo khoác của David Beckham à? Thế thì tiếp tục giữ lấy đi, cả tủ đồ của anh ấy nữa. Nhưng mà nhớ trả lại trước lúc Beckham về nhé, anh ta mà thấy ai đụng vào tủ đồ của mình là phiền lắm đấy”.

Rồi mọi người phá lên cười. Ronaldo mà phản ứng lại thì sẽ bị Rio Ferdinand hoặc Fortune mắng vào mặt: “Hãy đến nói chuyện với tôi khi cậu được đá World Cup”. Chính Gary Neville cũng phải thừa nhận rằng phòng thay đồ của MU thời ấy thực sự rất khắc nghiệt với các cầu thủ trẻ. Nhưng có lẽ, chính sự khó khăn đó đã góp phần bồi đắp những phẩm chất của Ronaldo.

Ngoài ra, Ronaldo là một người cực kỳ thích “soi gương”. Anh chọn tủ đồ nằm đối diện tấm gương, và sự lựa chọn ấy gây ra nhiều tranh cãi.

Mọi người thay nhau nói về sở thích soi gương của Ronaldo. Gary Neville bảo: “Cậu ta đặt một tấm gương 2 mét đối diện với tủ đồ. Đấy là điều chưa từng thấy ở MU”. Quinton Fortune: “Chúng tôi thậm chí còn cho vào tủ của cậu ta một cái gương nhỏ để có thể ngắm nghía bất cứ khi nào cần đến”. Cuối cùng là Alec Wylie – người có nhiệm vụ chuẩn bị đồ cho cầu thủ, chuyên gia về “những điều nhỏ nhất”. Ông bảo: “Ronaldo không bao giờ bước ra ngoài nếu không soi gương một lần. Cậu ấy nghiện soi gương”.

Chinh phục trò chơi “đá ma”

Mọi người luôn nghĩ “đá ma” là một trò chơi vui nhộn để làm nóng cơ thể. Nhưng kỳ thực, “đá ma” là một trò rất khó với phần lớn cầu thủ trẻ. Trò chơi này bắt họ phải thể hiện khả năng xử lý bóng trong không gian nhỏ điêu luyện và tốc độ phản ứng cực nhanh, nếu không muốn bị các đồng đội cho làm “con ma” suốt cuộc chơi.

"Đá ma" không phải chỉ là một trò chơi cho vui như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Hơn thế nữa, “đá ma” còn là trò chơi để hình thành các mối liên hệ, là nơi phân cấp hệ thống thứ bậc rõ nhất. Phil Neville kể rằng, ngày mới đến MU, anh bị Ryan Giggs dằn mặt ngay từ màn đá ma. “Anh ta chuyền cho tôi một quả rất mạnh. Tôi không khống chế nổi. Xong rồi tôi nhìn anh ta và thầm nghĩ: “Không cần thế đâu, người đồng đội”. Anh ta ném về phía tôi “ánh mắt hình viên đạn” giống như đang rủa tôi : “MU trả bao nhiêu cho cậu? Một bản hợp đồng sai lầm”.

Ở MU, có hai nhóm chơi chính. Đầu tiên là nhóm Champions League (hay còn gọi là nhóm “triệu phú”, dành cho các trụ cột). Nhóm thứ hai là nhóm của các cầu thủ nước ngoài. Ở một số thời điểm, có cả nhóm cho cầu thủ trẻ.

Nhóm của cầu thủ nước ngoài được đặt tên là “Nhà vô địch”. Nhóm bao gồm những người như Diego Forlan, Djemba-Djemba, David Bellion, Louis Saha, Kleberson, Quinton Fortune...

Các cầu thủ trẻ rất thích nhóm “Nhà vô địch”. Ở đấy, họ có thể thoải mái thể hiện phong cách, đùa vui với nhau. Nhóm Champions League nhìn họ bằng một ánh mắt khá coi thường. Ronaldo sau đó được chuyển sang nhóm này. Đấy là một bước tiến lớn của anh ấy.

Khi Ronaldo gia nhập nhóm Champions League, anh thường xuyên phải làm “con ma”. “Cậu ta không thích đánh chặn”, Phil Neville nói. “Vì thế, chúng tôi không gặp nhiều khó khăn để bắt cậu ta cắm rễ ở vị trí con ma”.

Ngay cả khi thoát khỏi vị trí ấy, Ronaldo cũng không thoát được lâu. Đồng đội thường chuyền bóng rất mạnh cho Ronaldo. Nếu Ronaldo xỏ háng họ, anh ấy sẽ phải nhận một cú tắc bóng rất quyết liệt. Một thời gian sau, Ronaldo cuối cùng cũng nhận được những đường chuyền đẹp của đồng đội. Anh ấy đã được tôn trọng.

“Thời gian để Ronaldo được tôn trọng kéo dài tận 18 tháng”, Phil Neville kể. “Khi Beckham chuyển sang Real, chúng tôi thu hẹp vòng tròn lại khiến cậu ta bối rối và thường đá quả bóng thẳng về phía người đuổi bắt. Các cầu thủ nước ngoài đứng quanh đó phá lên cười: “Ồ, đó là một đường chuyền trực diện theo kiểu Anh đấy”. Kể từ lúc đó, Ronaldo bắt đầu thay đổi thái độ với màn đá ma. Cậu ta tích cực hơn.

Đối đầu với Van Nistelrooy

Nhiều người tin rằng, “luật bất thành văn” ở MU là: “Muốn tồn tại, bạn phải giấu kín tài năng”. Khi Ronaldo vẫn còn đang học cách chuyền bóng đúng thời điểm, các tiền đạo của MU tỏ ra rất bực mình. Van Nistelrooy gào lên ở sân tập: “Tôi không thể chơi bóng với cậu ta. Cậu ta thậm chí chẳng bao giờ chịu chuyền bóng”. Rio Ferdinand còn nghe thấy Van Nistelrooy bảo là không muốn đá với Ronaldo thêm một lần nào nữa.

Ronaldo và Van Nistelrooy từng có mối quan hệ không tốt đẹp.

Thủ môn Van der Sar cố gắng lý giải về điều này: “Có lẽ Van Nistelrooy đã quen sát cánh cùng David Beckham. Beckham tạt bóng bất cứ lúc nào có thể, anh ta không có tốc độ và kỹ thuật để đi bóng qua người. Ronaldo thì khác. Cậu ấy là cầu thủ chạy cánh mang tâm hồn của tiền đạo cắm”.

Trong mối bất hòa với Van Nistelrooy, Ronaldo nhận được sự ủng hộ của đồng đội. Van Nistelrooy đã ghi đến 150 bàn thắng trong 5 mùa giải liên tiếp cho MU. Anh ta là ngôi sao số 1 của đội bóng khi Ronaldo mới chân ướt chân ráo đến Old Trafford. Nhưng bất ngờ thay, người chiến thắng trong cuộc đối đầu lại là Ronaldo.

Ferdinand hồi tưởng: “Họ đã tranh cãi với nhau rất quyết liệt. Căng thẳng gia tăng khi Van Nistelroy đạp Ronaldo một cái. Tôi lao vào đạp Van Nistelrooy để bảo vệ Ronaldo. Anh ta tung một cú đấm nhưng may là tôi né kịp”.

Vụ va chạm đến ngay trước thềm trận đấu cuối cùng của MU ở mùa giải Ngoại hạng Anh 2005/2006. Kể từ sau vụ việc, Van Nistelrooy không bao giờ khoác áo MU nữa.

Tình thầy trò Sir Alex - Ronaldo

Ronaldo thường xuyên lãng quên nhiệm vụ của mình trên sân. Anh thất bại trong việc chứng minh khả năng của một cầu thủ Premier League, trong lần đầu tiên quay trở lại quê hương Bồ Đào Nha kể từ khi gia nhập MU. Đó là một trận đấu rất tồi, trận thua trước Benfica.

Sau trận đấu, Sir Alex tiến hành màn “sấy tóc” thân quen. Ông mắng Ronaldo: “Cậu nghĩ mình là ai? Cậu không biết vì đồng đội à? Không thể trở thành cầu thủ lớn nếu chơi bóng như thế”.

Ronaldo bắt đầu khóc không ngừng. Đồng đội để anh ấy ở lại một mình. Ferdinand nói: “Cậu ấy cần phải ngẫm lại bản thân. Đó là thông điệp của toàn đội, không phải chỉ riêng của Sir Alex”.

Phản ứng của Ronaldo sau màn mắng mỏ của ông thầy là tập luyện không ngừng để trau dồi. Ronaldo luôn là người chuyên nghiệp nhất trong những người chuyên nghiệp, theo lời của HLV Carlo Ancelotti.

Sir Alex Ferguson biết rằng sau khi dùng “cây gậy”, ông sẽ phải dùng đến củ cà rốt để xoa dịu cậu học trò cưng. Khi Ronaldo hoàn thành xong buổi tập, Sir Alex thường khoác vai anh, trò chuyện và thể hiện ý nguyện muốn dìu dắt Ronaldo. Sir Alex chưa từng cưng chiều, dành tình cảm và sự tôn trọng với học trò nào nhiều như Ronaldo.

Sir Alex là người thầy có công lớn nhất đào

Cristiano Ronaldo từng chống lại Mourinho như thế nào?

Tranh cãi về việc tham gia phòng ngự khiến mối quan hệ giữa Ronaldo và “Người đặc biệt” trở nên vô cùng tồi tệ vào năm 2013.

tạo ra một Ronaldo xuất sắc như ngày hôm nay.

Để hiểu hơn về mối quan hệ hiếm có này, hãy cùng đến với bài phát biểu tri ân của Ronaldo khi Sir Alex đoạt giải Kim cương trong Lễ Trao giải Nhân vật Thể thao của BBC lần thứ 60, diễn ra vào tháng 12 năm 2013.

"Chào thầy, cuối cùng thì con đã có cơ hội để gửi đến thầy thông điệp mà con muốn chia sẻ với tất cả mọi người, vì những gì thầy đã dành cho con là không thể quên được và con sẽ không bao giờ quên trong suốt cuộc đời của mình".

"Khi con đến Manchester năm 18 tuổi, thầy giống như 1 người cha của con. Thầy đã cho con cơ hội và dạy cho con nhiều thứ. Con cảm thấy vui khi được gửi cho thầy những lời nhắn này".

"Con nhớ khi mới đến, con muốn được mặc chiếc áo số 28 nhưng thầy đã trao cho con áo số 7. Nó làm con phải chịu rất nhiều áp lực nhưng thầy đã nói rằng chiếc áo sẽ không phải là vấn đề và thầy tin con xứng đáng khoác lên mình, bởi vì con là một cầu thủ tuyệt vời".

"Thầy đã dạy cho con cách để trở thành 1 cầu thủ chuyên nghệp, 1 chàng trai tốt. Thầy hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng này bởi thầy là một HLV xuất sắc và người đàn ông tuyệt vời. Thầy là số 1".

"Chúc thầy có một buổi tối tốt lành và chúng ta hãy giữ liên lạc thường xuyên nhé”.

 

 

Anh Dũng

Bạn có thể quan tâm