Ronaldo, Benzema khởi đầu cho làn sóng các cầu thủ tới Saudi Arabia chơi bóng khi đã qua thời đỉnh cao phong độ. Ảnh: Goal. |
Cristiano Ronaldo gây tranh cãi khi tuyên bố Saudi Pro League sẽ trở thành một giải đấu hàng đầu thế giới. CR7 được Al Nassr trả lương hậu hĩnh. Anh cũng là gương mặt đại diện cho giải đấu, thậm chí cả một quốc gia, với những tham vọng to lớn.
Nhưng Ronaldo có thật lòng khi nói rằng giải đấu hàng đầu của Saudi Arabia sẽ sớm nằm trong top 5 thế giới? Chắc chắn, tiềm năng là có. Ronaldo vừa chào đón người đồng đội cũ, Karim Benzema, tới Saudi Arabia. Một hợp đồng khổng lồ là đủ sức nặng đối với đương kim Quả bóng vàng.
Tuy nhiên, SPL có chứng minh được điều gì khác ngoài một mảnh đất dưỡng già béo bở cho những siêu sao già cỗi? Nó có thể thật sự thu hút những cầu thủ trẻ đang chạm đỉnh phong độ?
Chưa phải miền đất hứa
Messi từ chối đến Saudi Arabia. Ảnh: Reuters. |
Saudi Arabia thất bại khi lôi kéo một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử. Lionel Messi khẳng định, sau khi gia nhập Inter Miami, từ chối lời đề nghị từ Al Hilal vì gia đình: "Nếu là tiền bạc thì tôi đã đến Saudi Arabia hoặc nơi khác". Vợ con Leo cảm thấy dễ chịu hơn khi định cư ở Miami. Thế nhưng, không thể phủ nhận SPL chưa là miền đất hứa khi bị "El Pulga" hắt hủi.
Ronaldo và Messi cùng xuất hiện trong giải đấu sẽ là sự thúc đẩy to lớn. Ngay cả việc họ đọ sức với nhau ở một trận giao hữu cũng tạo ra sự quan tâm rất lớn. Messi là cầu thủ mà người hâm mộ sẽ đổ xô đến xem chật kín khán đài. Việc Messi từ chối gia nhập SPL mang tới một vấn đề: không phải cầu thủ nào cũng đều bị cám dỗ bởi túi tiền không đáy của Saudi Arabia.
Ronaldo, Benzema, Messi, N'Golo Kante, Luka Modric, Neymar, Pierre-Emerick Aubameyang có điểm chung khi được Saudi Arabia theo đuổi. Tất cả đều trên 30 tuổi và coi như qua thời đỉnh cao, dù ở mức độ khác nhau. Điều này không quá khó hiểu.
Bóng đá châu Âu, đặc biệt Premier League, luôn là trung tâm của làng túc cầu. Các đội liên tục phá vỡ kỷ lục mua sắm để cạnh tranh danh hiệu cao quý nhất. Do đó, rất khó để SPL lôi kéo các cầu thủ hàng đầu, ngoại trừ cựu binh, như MLS hay Trung Quốc từng thực hiện nhiều năm trước.
Đỉnh cao của đời cầu thủ phải là ở châu Âu. Xu hướng gần đây cho thấy một dòng chảy ổn định các ngôi sao Nam Mỹ đổ về MLS. Nó hiện được coi là bàn đạp để các cầu thủ tìm kiếm cơ hội ở châu Âu. Tiêu chuẩn của MLS phần nào được cải thiện.
Saudi Arabia có thật sự hài lòng với điều tương tự? Có lẽ không. Mục tiêu của Al Nassr sau khi chiêu mộ Ronaldo là tạo ra "Galacticos mới". Thế nhưng, những David Beckham, Luis Figo và Zinedine Zidane đang ở thời kỳ đỉnh cao khi gia nhập Real Madrid. SPL không hoàn toàn có sức hút như khi Florentino Perez lần đầu đặt chân đến Santiago Bernabeu, ít nhất là chưa.
FIFPRO, tổ chức đại diện cho cầu thủ chuyên nghiệp trên toàn thế giới, gần đây đưa ra cảnh báo không nên ký hợp đồng với các CLB Saudi Arabia "vì những vi phạm hợp đồng có hệ thống và phổ biến". Tổ chức này tuyên bố "việc không trả lương là vấn đề thường xuyên xảy ra đối với các cầu thủ ở Algeria, Trung Quốc và Saudi Arabia".
Suy cho cùng, khả năng Ronaldo công khai phàn nàn về việc anh không được trả lương đúng hạn sẽ là một thảm họa dành cho Saudi Arabia. Thế nên, chuyện đó khó xảy ra. Song, vẫn còn phải xem cách SPL đối xử với các tài năng ít tiếng tăm hơn.
Bài học từ Trung Quốc
Oscar là cầu thủ hiếm hoi từ bỏ đỉnh cao sự nghiệp để tới giải đấu ít đẳng cấp hơn. Ảnh: Reuters. |
Không phải ngẫu nhiên FIFPRO đề cập đến Trung Quốc. Cách đây không lâu, Chinese Super League (CSL) cố gắng làm điều gì đó tương tự SPL bằng cách thu hút những tên tuổi lớn đến châu Á thông qua những hợp đồng béo bở.
Oscar, mới 25 tuổi, từ bỏ năm tháng đỉnh cao sự nghiệp ở Chelsea để sang Trung Quốc. Tuy nhiên, bong bóng sớm vỡ. Oscar có thể vẫn ở lại nhưng hầu hết ngôi sao đến trong giai đoạn bùng nổ cầu thủ ngoại 10 năm trước đều rời đi từ lâu.
Chính phủ ban đầu dốc toàn lực cho kế hoạch "chuyên nghiệp hóa" giải đấu nhưng dần rút lại mọi thứ, đặc biệt khi có quan điểm cho rằng các ngôi sao nước ngoài coi trải nghiệm này như một "kỳ nghỉ được trả lương", như Carlos Tevez từng nói. Trung Quốc vỡ mộng và điều đó chỉ cản trở sự phát triển của các cầu thủ quốc nội. Thực tế, bóng đá Trung Quốc ngày càng tụt lùi so với Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Do đó, người ta lập luận rằng SPL có thể chịu số phận. Rốt cuộc, nguồn tiền từ dầu mỏ rồi cũng sẽ cạn kiệt. Giới lãnh đạo Saudi Arabia hiểu rõ và muốn đa dạng hóa nguồn thu nhập. "Chúng tôi không chỉ phụ thuộc vào dầu mỏ”, Thái tử Mohammed bin Salman khẳng định. “Vàng, phosphate, uranium và nhiều khoáng sản có giá trị khác được tìm thấy bên dưới vùng đất này".
SPL cũng có những người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt. Theo Giám đốc điều hành Saad Allazeez, "80% dân số chơi, tham dự hoặc theo dõi một trận đấu đẹp mắt". Vì vậy, SPL vẫn có cơ hội phát triển lâu dài.
Saudi Arabia muốn khẳng định họ là một cầu thủ lớn trong lĩnh vực bóng đá. Thể thao là công cụ chính của Saudi Arabia trong nỗ lực vươn mình "trở thành cường quốc đầu tư toàn cầu".
Quyết định cho phép Quỹ đầu tư công (PIF) nắm giữ 75% cổ phần 4 CLB mạnh nhất không nằm ngoài mục đích tạo ra một loạt các bản hợp đồng siêu sao và phân phối đồng bộ cho Al Ittihad, Al Ahli, Al Nassr và Al Hilal, qua đó hình thành "bộ tứ" của giải.
Mô hình này học theo Premier League. Ý tưởng là giá trị thị trường của SPL sẽ tăng gấp đôi trong 7 năm tới, một mục tiêu đầy tham vọng. Khi nói đến sự đầu tư của Saudi Arabia, mọi thứ đều có thể xảy ra.
Không ai dám phủ nhận câu nói của Ronaldo không thể trở thành sự thật. SPL hoàn toàn có thể trở thành một trong 5 giải đấu hàng đầu thế giới. Song, điều này cần nhiều thời gian và sự kiên nhẫn.
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...