Ronaldo giận dữ, ném băng thủ quân xuống đất. Trọng tài dành cho Ronaldo thẻ vàng vì lỗi phản ứng. Siêu sao người Bồ Đào Nha rời sân với trạng thái bức xúc. Bàn thắng ở phút bù giờ của anh không được công nhận.
Khi không có công nghệ
Xem lại pha quay chậm, Ronaldo đã bị cướp bàn thắng. Bóng đã đi qua vạch vôi. Bồ Đào Nha bị cướp mất chiến thắng trước Serbia.
Ronaldo lẽ ra là người hùng, nếu công nghệ goal-line được áp dụng.
“Trọng tài đã xin lỗi sau trận đấu”, HLV trưởng tuyển Bồ Đào Nha Fernando Santos nói trong bài phỏng vấn sau trận. Tuy nhiên, điều đó không làm tâm trạng các cầu thủ Bồ Đào Nha và cổ động viên của họ tốt hơn. Đó là một bàn thắng rõ ràng, nhưng tổ trọng tài điều khiển trận đấu lại không thấy.
Sau khi nhận ra sai lầm của mình, trọng tài chính Danny Makkelie đã đến gặp toàn đội Bồ Đào Nha để xin lỗi. Makkelie không theo kịp tình huống bóng quá nhanh và vị trợ lý ở biên của ông cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Đây không phải điều gì mới với bóng đá thế giới. Chỉ một tích tắc hậu vệ Serbia Stefan Mitrovic đã kịp phá bóng ra khỏi khung thành. Ở World Cup 2010, cú sút xa của Frank Lampard còn đưa bóng qua vạch vôi rõ hơn tình huống của Ronaldo.
Đôi khi các trọng tài dù được chuẩn bị kỹ lưỡng cũng không theo kịp tốc độ trận đấu. Pha dứt điểm của Ronaldo diễn ra ở phút bù giờ cuối cùng.
Tuy nhiên, những “bàn thắng ma” kiểu như của Lampard vào lưới tuyển Đức một thập niên trước đã không còn lặp lại ở các giải đấu lớn như vòng chung kết World Cup hay Champions League.
Cơn uất ức của người Anh năm đó giống như một cú tát trực diện khiến FIFA và UEFA tỉnh ra. “Những gì đã xảy ra ở World Cup 2010 khiến chúng ta phải áp dụng công nghệ goal-line”, Blatter nói sau trận thua của tuyển Anh.
Năm 2012, IFAB, tổ chức duy nhất trên thế giới có quyền thay đổi luật bóng đá, tuyên bố phê chuẩn công nghệ goal-line. Premier League trở thành giải đấu đầu tiên trên thế giới áp dụng nó. Vài năm sau, mọi giải đấu lớn đều áp dụng công nghệ này.
Tuy nhiên, ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Âu, UEFA đã thống nhất với FIFA việc không áp dụng công nghệ goal-line hay hệ thống VAR.
“Tôi tôn trọng lời xin lỗi của trọng tài, nhưng sai lầm này là không thể chấp nhận ở một giải đấu như thế này”, Santos phàn nàn trên A Bola. “Không thể chấp nhận việc VAR hay công nghệ goal-line không được áp dụng trong các trận đấu như thế này. Bóng đã lăn qua vạch vôi rõ ràng. Lời xin lỗi của trọng tài chẳng để làm gì cả”.
UEFA nghĩ gì sau phát biểu của HLV trưởng Bồ Đào Nha? LĐBĐ châu Âu từng thừa nhận việc sử dụng VAR hay goal-line trên tất cả mặt sân ở châu Âu là điều không thể. FIFA đồng ý với UEFA điều này.
Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Âu không chỉ diễn ra ở Anh, Tây Ban Nha hay Đức - những nơi có hạ tầng đủ điều kiện - nó còn diễn ra ở San Marino, Đảo Faroe hay Malta,… các quốc gia có nền bóng đá không phát triển khác.
Bài toán khó của UEFA
UEFA có lý khi muốn tạo ra sự công bằng cho tất cả đội bóng dự vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Âu. HLV Santos thừa nhận các trọng tài cũng là con người và có thể mắc sai lầm.
Khi chưa có VAR hay goal-line, những bàn thắng không được công nhận như của Ronaldo được xem là một phần tất yếu của bóng đá. Nếu bàn thắng của Ronaldo được công nhận nhờ goal-line, chuyện gì sẽ xảy nếu một cầu thủ San Marino bị tước bàn thắng vì công nghệ không thể áp dụng tại sân bóng của họ?
UEFA có lý khi muốn tạo ra một sự bình đẳng nhất định cho vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Âu.
Năm 2019, UEFA cũng từng gây tranh cãi khi khẳng định họ sẽ không áp dụng VAR cho các trận đấu thuộc cấp độ ĐTQG, đến khi EURO 2020 được khởi tranh. Nhiều chuyên gia và nhà báo chỉ trích quyết định của UEFA, khi cho rằng FIFA đã áp dụng nó từ World Cup 2018 và cho thấy hiệu quả.
Tuy nhiên, một trong những lý do được UEFA đưa ra là cơ sở hạ tầng của nhiều quốc gia ở châu Âu không cho phép việc áp dụng VAR hay công nghệ goal-line một cách hiệu quả.
Tại Europa League mùa này, VAR không xuất hiện ở vòng bảng, và chỉ được áp dụng từ các trận knock-out. Lý do được UEFA đưa ra là nhiều CLB tham dự vòng bảng Europa League đến từ các nền bóng đá nhỏ và không phải sân bóng nào cũng đủ điều kiện áp dụng VAR.
Đến vòng loại World Cup 2022, áp lực cho UEFA trở nên lớn hơn. Trước HLV Santos vài ngày, Luis Enrique cũng cho rằng tuyển Tây Ban Nha phải nhận một quả phạt đền do trọng tài tưởng tượng ra.
Cầu thủ đang chơi cho Athletic Bilbao, Inigo Martinez, có pha va chạm không rõ ràng với tiền đạo Giorgos Masouras trong vòng cấm. Trọng tài Marco Guida sau đó chỉ tay vào chấm 11 m. Bàn thua từ quả phạt đền khiến Tây Ban Nha hòa 1-1 trước Hy Lạp.
“Tôi cực kỳ giận dữ”, Martinez nói trên Reuters. “Nếu có VAR, mọi thứ đã khác”. Người đồng đội Marcos Llorente cũng đồng tình với quan điểm này. “Với VAR, quả phạt đền đó sẽ không bao giờ được thổi”, tiền vệ của Atletico khẳng định.
Hà Lan cũng bị tước một bàn thắng trong trận thua 2-4 trước Thổ Nhĩ Kỳ ở lượt trận đầu tiên. Pháp cũng phàn nàn về bàn thắng không được công nhận của Griezmann trong trận hòa Ukraine.
UEFA đang nỗ lực thay đổi. VAR sẽ được áp dụng từ vòng bảng Europa League mùa 2021/22. Các trận đấu thuộc vòng play-off World Cup hay EURO sắp tới cũng sẽ được áp dụng VAR và goal-line.
Tuy nhiên, đó vẫn là câu chuyện ở cấp độ CLB, nơi mọi thứ dễ dàng hơn với UEFA. Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, UEFA chưa thể tạo ra thay đổi. Vì thế, ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Âu, người ta nên tập quen dần với các quyết định gây tranh cãi của trọng tài.