Năm 17 tuổi, cây viết Jack Kenmare của Four Four Two cùng hàng triệu người Anh ngồi trước màn hình tivi, say sưa theo dõi "Thế hệ vàng" chinh phục World Cup.
Thế rồi mọi thứ với xứ sở sương mù như sụp đổ sau cú đá phạt "không tưởng" ở cự ly khoảng 40 m của Ronaldinho. Một cú đá phạt thành bàn tinh quái với quỹ đạo khó tin.
Ronaldinho đã thực hiện một trong những cú đá phạt thành bàn nổi tiếng nhất World Cup. Ảnh: Getty. |
Cú đá kỳ ảo
"Tôi thậm chí không biết chính xác liệu bóng có bay vào lưới hay chưa", Kenmare nhớ lại. "Những gì tôi muốn khi đó là Seaman cần làm điều gì đó, nhặt bóng ra và đưa trở lại chấm phát bóng".
Từ tình huống đá phạt ở khoảng cách khoảng 40 m chếch về góc trái khung thành tuyển Anh, Ronaldinho vẽ nên một đường cong kỳ ảo, bóng bay thẳng vào mép lưới trong của thủ môn David Seaman.
Người hâm mộ bóng đá Anh như chết lặng sau pha bóng đó. "Chỉ có những con vịt kêu xung quanh phòng", ngôi trường của Kenmare khi đó cho toàn bộ học sinh nghỉ để theo dõi trận đấu trong phòng học. "Các giáo viên của chúng tôi như chết đứng".
99,99% các cầu thủ khi đứng trước quả đá phạt ấy sẽ cố gắng chuyền bóng vào trong, thay vì thực hiện cú đá phạt. Ngay cả Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi cũng sẽ không làm điều đó trong trận tứ kết World Cup. Nhưng vì đó là Ronaldinho, nên mọi lý thuyết và thói quen thông thường đều vô nghĩa.
Ai cũng biết Ronaldinho đã cố tình lốp bóng qua đầu Seaman, chỉ có người Anh là cố tình không muốn tin điều đó. "Tam sư" đến World Cup 2002 với tham vọng vô địch. Kenmare cũng như rất nhiều CĐV Anh khác, tin rằng giải đấu trên đất Nhật Bản là cơ hội tuyệt vời để họ xóa đi ký ức buồn năm 1998.
Họ có đương kim Quả bóng vàng thế giới Michael Owen, David Beckham, Paul Scholes, Sol Campbell và trong khung gỗ là huyền thoại của Arsenal thế hệ vàng son, thủ môn Seaman.
Cả thế giới trông chờ cuộc gặp thượng đỉnh giữa Brazil và Anh, hai nền bóng đá lớn và cuồng nhiệt nhất hành tinh ở tứ kết World Cup 2002. Đó là trải nghiệm đầu tiên của Ronaldinho với bóng đá Anh. "Ro vẩu" năm đó mới 22 tuổi và mới chơi bóng ở châu Âu được một năm.
"Tam sư" nhanh chóng vượt lên dẫn trước ở phút thứ 23 sau pha lập công của Owen. Chân sút Liverpool khi đó đang là cầu thủ hay nhất thế giới với giải thưởng Ballon d'Or (của France Football) và danh hiệu Cầu thủ hay nhất năm 2001 (do World Soccer vinh danh).
Đến cuối hiệp một, Rivaldo gỡ hòa 1-1 cho Brazil trong một thế trận giằng co. Bước ngoặt đến ở đầu hiệp hai khi Ronaldinho bước lên chấm đá phạt.
Cú đá phạt đi vào lịch sử Ronaldinho |
Seaman sau này thừa nhận tuyển Anh đã không biết đầy đủ về sự xuất sắc của Ronaldinho khi đó. Cựu thủ môn Arsenal không muốn tin đó là pha bóng có chủ đích của đối phương. Anh vẫn tự an ủi mình đó chỉ là cú treo bóng hỏng với quỹ đạo may mắn của Ronaldinho.
Tuy nhiên, Rivaldo nghĩ khác: "Sau trận đấu, tôi đã hỏi Ronaldinho rằng có sút thẳng quả đó hay không, cậu ta trả lời tất nhiên rồi. Ronaldinho biết Seaman bước vài bước chân lên để bắt bài quả treo bóng, thế nên quyết định tạo ra cú lừa".
Ngay cả Rivaldo cũng thừa nhận chưa bao giờ nghĩ Ronaldinho có thể sút thẳng trong tình huống đó, nhưng bàn thắng đó đã đem lại tấm vé vào bán kết cho Brazil, và phần còn lại là lịch sử.
Seaman từng hoảng sợ sau pha ghi bàn của Ronaldinho. Ảnh: Getty. |
Người hâm mộ bóng đá Anh sửng sốt
Seaman cùng "Tam sư" về nước trong sự thất vọng xen lẫn uất ức của người dân xứ sương mù. "Khi tôi thấy bóng bay qua đầu mình, tôi đã ước nó sẽ ra ngoài khung thành. Làm ơn đi mà", Seaman hồi tưởng. "Bóng bay vào lưới, và tôi bắt đầu nghĩ: Thôi xong đời, nếu trận đấu kết thúc với tỷ số 1-2, tôi sẽ được người ta đối xử như Beckham của năm 98?"
Năm đó, Seaman 38 tuổi và là một huyền thoại của bóng đá Anh. Thế nhưng, anh đã vô cùng sợ hãi.
Khi trưởng thành, Kemare thừa nhận đó là bàn thắng không tưởng của Ronaldinho, nhưng anh vẫn thầm trách Seaman vì tình huống đó. Đó là pha bóng làm tổn thương hàng triệu người yêu bóng đá Anh. Ronaldinho đã đánh lừa Seaman và người hâm mộ bóng đá Anh.
Nhiều CĐV Anh nói cú đá phạt của Ronaldinho đến giờ vẫn "giết chết" họ. Daily Mail gọi đó là "cú lừa thế kỷ" khi tuyển Anh đã mơ về một chiến thắng để kỷ niệm tròn 150 năm ngày thành lập của Hiệp hội bóng đá Anh (FA).
Với Seaman, thủ môn huyền thoại của Arsenal, dường như vĩnh viễn không thể hồi phục sau pha bóng đó. Vài tháng sau giải đấu trên đất châu Á, anh tiếp tục mắc lỗi trong một quả đá phạt trực tiếp khi tuyển Anh chơi ở vòng loại Euro 2004. Đó là lần cuối cùng người ta thấy Seaman khoác áo "Tam sư".
Tròn một năm sau pha bóng định mệnh, anh không được Arsenal ký tiếp hợp đồng và phải sang Man City, CLB tầm thường hơn của Premier League lúc đó. Seaman cũng không có mặt ở đây lâu. Tháng 1/2004, anh tuyên bố giải nghệ.
Các cầu thủ Anh chưa bao giờ thừa nhận đó là bàn thắng đẳng cấp của Ronaldinho, dù chính "Ro vẩu" từng thề thốt mình đã chủ đích sút thẳng trong tình huống đó.
"Tôi không bao giờ chấp nhận đó là bàn thắng có chủ đích", Teddy Sheringham nói. David Beckham - một huyền thoại sút phạt của bóng đá thế giới đồng ý: "Đó là cú tạt bóng biến thành bàn thắng, may mắn mà thôi".
Tuy nhiên, sau gần 2 thập niên nhìn lại, rất ít người nghĩ đó là pha bóng ăn may của Ronaldinho. Thế giới sau năm 2002 đã được chứng kiến thêm nhiều khoảnh khắc "kỳ ảo" khác của Ronaldinho, như cú lắc hông điệu nghệ rồi chích mũi không cần đà làm câm lặng sân Stamford Bridge năm 2005, hay pha solo khiến các CĐV Real đồng loạt đứng dậy vỗ tay ở El Clasico sau đó.
"Ro vẩu" sau này thừa nhận, dù đã ghi rất nhiều bàn thắng đẹp mắt, nhưng pha đá phạt vào lưới Seaman năm 2002 luôn là pha lập công ý nghĩa nhất trong sự nghiệp của anh. "Xé lưới người Anh trong màu áo tuyển Brazil, tại một trận tứ kết World Cup luôn vô cùng đặc biệt", Ronaldinho khẳng định.