Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Robot và sự diệt vong của loài người

Kịch bản “R.U.R - Các Robot toàn năng của Rossum” của Karel Čapek được xuất bản năm 1928, cách nay 90 năm, gần một thế kỷ.

Được tác giả gọi là “hài kịch”, nhưng thực sự tác phẩm này đã mở ra một thể loại mới mẻ – kịch khoa học viễn tưởng. Kịch đề cập đến việc sáng tạo loại người máy thông minh được tác giả lần đầu tiên đặt tên là Robot.

Robot có nghĩa là làm việc, lao động. Từ sang tạo của nhà văn, "robot" giờ đây đã trở thành một thuật ngữ khoa học để chỉ các thiết bị máy móc tự động và một danh từ thông dụng để chỉ người máy.

Câu chuyện kể về một nhóm nhà khoa học trên đảo Rossum mang ý tưởng tốt đẹp sản xuất ra các robot để thay thế sức lao động của con người. Thành quả ban đầu rất mỹ mãn: Tất cả mọi nhu cầu của con người trên thế giới đều được thỏa mãn, họ chỉ còn có việc hưởng thụ. Nhưng hậu quả là chính cuộc sống của họ bị triệt tiêu, phụ nữ không sinh đẻ, thế giới không còn con cái, đến cả hoa lá cũng trở nên bất thụ mà vẫn tươi đẹp mãi mãi.

Mặt khác, những hình nhân vô cảm, không có ý niệm về mọi cảm xúc, thậm chí không mảy may sợ chết khi bị đưa vào máy nghiền nát. Nhưng rồi, robot cũng dần phát triển và tiến hóa, làm việc có năng suất hơn và trở nên thông minh hơn con người.

Vì thế chúng trở nên bất mãn vì bất công và tất yếu xảy ra cuộc cách mạng lật đổ con người. Khi đó hài kịch trở thành bi kịch : Loài người bị diệt vong và một kỷ nguyên mới ra đời – “loài” robot thống trị hành tinh của chúng ta.

Và với những “viễn tưởng” như vậy, vở kịch R.U.R - Các Robot toàn năng của Rossum lại mang tính luận đề của  một vở chính kịch “hài hước”.

ve tac pham R.U.R cua Karel Capek anh 1
Tác phẩm  R.U.R - Các Robot toàn năng của Rossum của nhà văn Karel Čapek.

 

 

Vấn đề đặt ra là sáng tạo khoa học sẽ đem lại kết quả và hậu quả như thế nào đối với nhân loại? Liệu con người khi không còn phải lao động mà chỉ toàn thụ hưởng có thật là hạnh phúc không? Khi các robot phản lại con người thì ai là người có lỗi?

Bộ máy điều hành sản xuất robot có những nhân vật đại diện cho trí thức như tổng giám đốc, các nhà nghiên cứu, nhà buôn và công nhân vận hành. Đến khi thảm họa xảy ra, họ mới nhận thức được từng người đều có lỗi lầm của mình.

Cảm nhận được mối nguy hiểm khi những quy luật tự nhiên bị phá vỡ là những người dân thường như bà vú em và người phụ nữ quý tộc. Người ít “tội” nhất trong ê-kíp sáng tạo robot là người thợ xây dựng. Khi các robot tiêu diệt tất cả những người này, chỉ có người thợ xây được tha sống để phục vụ cho chúng.

Tuy nhiên, không còn con người, các robot cũng đi đến kết cục tự hủy diệt vì không nắm được bí mật quy trình tái tạo thế hệ robot khác. Chúng trông cậy người thợ xây nghiên cứu chế tạo; nhưng không có các nhà khoa học, ông này cũng đành chịu bó tay.

Cuối cùng, cả loài người và cả robot cũng đều tuyệt chủng. Nhưng may mắn thay còn sót lại hai robot, một nam và một nữ do các thử nghiệm tình cờ mà có trái tim và tâm hồn của con người, nên vẫn tồn tại. Giống như Adam và Eva thuở hồng hoang, giữa hai sinh linh ấy lại nảy nở Tình yêu. Một trăm năm sau, nhân loại mới lại xuất hiện trên Trái đất. Như một định đề : Chính Tình yêu và chỉ có Tình yêu mới có thể cứu rỗi Loài Người.

Cũng cần nhắc tới nghệ thuật độc đáo của kịch bản: Trên sân khấu không có những con robot - người máy, nhưng tác giả đã tạo dựng được những nhân vật có tính cách rất điển hình để người xem có thể nhận diện được các giai tầng khác nhau trong xã hội, phân biệt được những robot hình người với chức năng khác nhau.

Ngày nay, đề tài về robot rất phát triển trên sân khấu kịch và đặc biệt trên phim ảnh, tạo ra những tác phẩm vô cùng hấp dẫn, song R.U.R - Các Robot toàn năng của Rossum không chỉ chiếm vị thế đi tiên phong, đã trở thành một tác phẩm kinh điển và vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi.

Vở kịch R.U.R - Các Robot toàn năng của Rossum cùng với những sáng tác khác của ông, Karel Čapek xứng đáng được tôn vinh là một tác gia lớn trong lịch sử văn học thế giới.

Karel Capek - nhà văn Tiệp Khắc vĩ đại nhất thế kỷ 20

Karel Capek dấn thân tới mức cực đoan với thứ văn chương không khoan nhượng, không dễ dãi mà phải đặt ra những vấn đề thực sự với loài người.

Nhà báo Nguyễn Như Mai

Bạn có thể quan tâm