Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Richard Thaler - giải Nobel dành cho ‘cảm tính’

Cùng Richard Thaler tìm hiểu về cách doanh nghiệp đang điều khiển thao túng cuộc sống thường nhật, và cách chúng ta đang “phi lý trí” để làm chính mình tổn thất.

Đối với đại chúng, những đóng góp xuất sắc của Richard Thaler, người đoạt giải Nobel Kinh tế 2017, không nằm ở lĩnh vực tư tưởng kinh tế học, mà tập trung vào việc cách doanh nghiệp và chính phủ đang điều khiển và thao túng cuộc sống thường nhật ra sao, hay chúng ta đang “phi lý trí” để làm chính mình tổn thất như thế nào.

Những điều trên được thể hiện sắc nét trong hai tác phẩm dành cho công chúng quan trọng nhất của ông: Tất cả chúng ta đều hành xử cảm tínhCú hích.

Cảm tính có gì sai?

Bước đột phá của Richard Thaler và các đồng sự trong ngành Kinh tế học hành vi là chỉ rõ con người khi thực hiện các hành vi kinh tế đều “phi lý trí” - trái ngược với quan điểm từng thống trị đến tận nửa đầu thế kỉ XX rằng con người luôn lý trí khi đưa ra quyết định.

Nobel Kinh te 2017 anh 1
Cuốn sách Tất cả chúng ta đều hành xử cảm tính.

Nhưng sự phi lý ấy lại có thể vẽ lại thành hệ thống. Tuy thế, không có nhiều cá nhân nhận thức được điều này mà cứ khăng khăng là mình duy lý lắm. Xuất phát từ “điểm mù” này, các nhà quản lý hay doanh nghiệp quyết định ra chính sách dựa trên việc thao túng công dân hay khách hàng của mình dựa trên thứ tâm lý thiên vị, cảm tính, ngắn hạn mà cá nhân luôn tự đưa mình vào bẫy.  

Hiệu ứng hấp dẫn và thường nhật nhất về sự cảm tính trong cuốn sách Tất cả chúng ta đều hành xử cảm tính là Hiệu ứng sở hữu (The Endowment effect).

Thử tưởng tượng nếu bạn có một tấm vé xem ca nhạc của Sơn Tùng M-TP, bạn sẽ định giá nó cao hơn giá trị lúc bạn mua chỉ vì bạn đang sở hữu nó. Và khi có ai đó muốn mua lại, chắc chắn bạn sẽ bán nó với giá cao hơn bởi đó là tâm lý sợ rủi ro và mất mát của con người, dẫn đến việc định giá  hoặc chất lượng sản phẩm cao hơn khi không sở hữu nó.

Ý tưởng đó đồng thời xuất hiện trong Cú hích khi ông phân tích việc cá nhân không chịu nổi sự cám dỗ của những cái bẫy mua bán trong rạp chiếu phim. Trước khi bước vào rạp, các đối tượng tham gia nhận được một túi bỏng ngô đã để lâu - một nửa số họ nhận một túi nhỏ, số còn lại nhận túi cỡ trung bình. Mặc dù hầu hết những người tham gia nói rằng bỏng ngô không ngon, nhưng họ vẫn ăn rất nhiều- và những người có túi lớn còn ăn hết nhiều bỏng trong cái túi to của họ hơn.

Lợi dụng vào ham muốn sở hữu vô độ của con người, nhiều doanh nghiệp đã tung ra những chiêu trò thao túng người tiêu dùng nhằm thu được nhiều lợi nhuận. Các combo đồ ăn nhanh với giá hấp dẫn, tăng kích cỡ bánh Pizza hay thêm 50ml trà sữa giá không đổi... là chiêu bài doanh nghiệp đang dụ dỗ khách hàng mua bán  phi lý tính hơn hẳn cái dự tính ban đầu của họ.

Nobel Kinh te 2017 anh 2
Cuốn sách Cú hích.

Thực ra, những quyết định sai lầm của con người thường đến từ việc không thể chống lại sự cám dỗ. Ông đã phân tích tính kiềm chế bản thân của con người thông qua việc sử dụng mô hình lập kế hoạch, qua đó chỉ rằng những cám dỗ trước mắt thường là nguyên nhân quan trọng làm thất bại các kế hoạch dài hạn như tiết kiệm tuổi già hoặc một lối sống lành mạnh.

Các quyết sách quốc gia và sự cảm tính của quần chúng

Khi đã có những kiến thức về sự phi lí của con người, thì chính phủ có thể và có nên làm gì để giúp người dân của mình có những quyết định lí trí hơn không?

Năm 2013, thị trưởng Bloomberg dự thảo luật cấm bán nước ngọt đóng chai quá 0.5 lít tại các cửa hàng nước giải khát, đồ ăn. Dĩ nhiên, ai thích mua 0.5 lít thì có thể mua 2 chai 0.25 lít. Liệu lệnh cấm đó là vô nghĩa? Nhưng vấn đề là người ta sẽ càng uống nhiều nếu dung tích chai càng lớn (giống như khi xem rạp, bạn sẽ càng ăn nhiều nếu túi bỏng ngô càng to, vậy nên 1 trong những mẹo giảm ăn là hãy thay bát ăn cơm bằng bát nhỏ hơn cái đang dùng). Đây được coi là một cú hích tích cực, hướng đến sức khỏe toàn dân.

Trường hợp thú vị trên của Richard Thaler còn mở rộng hơn nữa ở cấp quản trị quốc gia. Dưới thời tổng thống Obama, đã có một ủy ban cố vấn về kinh tế học hành vi được thành lập để phân tích các yếu tố tâm lý sẽ ảnh hưởng như thế nào tới chính sách xã hội và Thaler cũng từng là cố vấn cho ủy ban này.

Ngay cả ở sự kiện Brexit ở Anh, ông cũng phê phán cử tri Anh đã không đưa ra lựa chọn hợp lý về mặt kinh tế dựa trên các thông tin được phân tích và công bố bởi giới học giả, mà dựa trên những yếu tố mang tính cảm xúc yêu ghét nhất thời.

Richard Thaler sinh ngày 12/9/1945, là một nhà kinh tế học người Hoa Kỳ và là Giáo sư về Khoa học và Kinh tế Hành vi Ralph và Dorothy Keller tại trường kinh tế Booth của đại học Chicago. Năm 2017, ông được trao giải Nobel về Khoa học Kinh tế vì những đóng góp của ông vào kinh tế học hành vi.

Theo Học viện Hoàng gia Thuỵ Điển: "đóng góp của ông đã xây dựng một cầu nối giữa các phân tích kinh tế và tâm lý của việc ra quyết định cá nhân... Những phát hiện thực nghiệm và những hiểu biết lý thuyết của ông là những công cụ trong việc tạo ra một lĩnh vực mới và đang mở rộng nhanh chóng của kinh tế hành vi".


Tác giả Nobel 2017 tiên tri về sự phi nhân của xã hội văn minh

Giới văn chương trong nước không lạ với tác giả Kazuo Ishiguro, bởi ông là người viết nên những tác phẩm dự báo về sự suy thoái nhân tính con người.



Vũ Hậu

Bạn có thể quan tâm