Theo Bloomberg, trong nhiều năm, Covid-19 đã làm ngưng trệ một trong những chương trình trọng điểm của các ngân hàng tư nhân nhằm giữ chân các khách hàng trung thành của mình - sự kiện dành riêng cho con cái của những vị khách giàu có. Giờ đây, khi các hoạt động đi lại toàn cầu được tái thiết, các chương trình cũ đã rục rịch kích hoạt trở lại.
Tại khách sạn Ritz-Carlton của Singapore, 12 thanh niên mặc áo hoodie xám đang nhấm nháp trà sữa. Nhiều người nhìn lướt qua sẽ tưởng họ là các nghiên cứu sinh đến từ các trường đại học. Tuy nhiên, suy nghĩ ấy sẽ sớm bị thay đổi khi họ nhìn xuống đôi giày Balenciaga và chiếc túi xách Christian Dior giá 4.000 USD của các cô cậu thanh niên đó.
Tạo ấn tượng tốt với người trẻ
Các buổi chia sẻ kiến thức về tiền mã hóa nằm trong chuỗi sự kiện kéo dài một tuần do Ngân hàng Trung ương Singapore tổ chức. Các chương trình dự kiến được thực hiện trực tiếp, bất chấp các rủi ro về lây nhiễm dịch bệnh. Trong khi đó, các ngân hàng tư nhân khác vẫn đang tiếp tục cho mở những buổi hội thảo online dù điều này không quá đỗi hấp dẫn thế hệ trẻ.
Tài sản của các tỷ phú phân theo nhóm tuổi. Ảnh: Bloomberg. |
Theo thống kê của Bloomberg, 72/141 người giàu nhất châu Á đang từ 60 tuổi trở lên, tổng tài sản mà họ sở hữu trị giá 1.100 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc những người trẻ thuộc thế hệ mới đang đứng trước cơ hội thừa kế hàng nghìn tỷ USD trong thập kỷ này. Những công ty tài chính nếu không sớm xây dựng hình ảnh của mình trong lòng những người trẻ giàu có, họ có thể sẽ bị mất các vị khách hàng tiềm năng sau này.
“Chương trình đào tạo doanh nhân” được Ngân hàng Trung ương Singapore tổ chức vào tháng 5 vừa rồi là sự kiện đầu tiên trong hàng loạt chương trình dành cho giới siêu giàu trên khắp thế giới. Một chương trình khác với sự tham gia của 40 người cũng sắp được thực hiện vào tháng 10 năm nay. Các ngân hàng như Citi, Lombard Odier cũng đang ráo riết chuẩn bị cho sự kiện sắp tới. Không chỉ tại châu Á, nhiều ngân hàng khác trên thế giới cũng đang gấp rút lên kế hoạch cho các chương trình của riêng mình.
“Thay vì tiếp cận trực tiếp với thế hệ tiếp theo, chúng tôi sẽ xây dựng mối quan hệ gắn bó với chính gia đình của họ”, Lee Wong, Giám đốc dịch vụ văn phòng gia đình tại châu Á của Ngân hàng Lombard, chia sẻ.
Thay đổi cách tiếp cận
Một thay đổi lớn đối với hầu hết ngân hàng chính là việc họ đã cắt giảm những buổi vui chơi xa xỉ. Vào năm 2019, Ngân hàng Singapore có các sự kiện cocktail và mở tiệc tại một nhà hàng sang trọng. Tuy nhiên, sang năm 2022, những bữa ăn chỉ đơn giản là cơm hộp bento, những đĩa đồ ăn tráng miệng và một chút đồ uống nhẹ nhàng sau sự kiện.
Đối với bà Donna Leong, người đứng đầu bộ phận tiếp thị và bán hàng của Ngân hàng Citi, cho biết các ngân hàng đang thử nghiệm với các sự kiện nhỏ, từ các bữa trưa trong phạm vi 40 người đến những bữa tối thân mật cho phép người tham gia gặp gỡ giám đốc điều hành của các ngân hàng hàng đầu tại London, New York, Mexico và Singapore.
Một buổi học dành cho những người trẻ siêu giàu do Ngân hàng Trung ương Singapore tổ chức vào tháng 5. Ảnh: Bloomberg. |
Vào tháng 9, một ngân hàng tư nhân đã tổ chức các chuyến đi tới Đại học Cambridge dành cho những người trẻ thuộc tầng lớp siêu giàu. Ở đó, họ sẽ được học cách tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình, làm chủ trí tuệ cảm xúc và được giảng dạy khả năng lãnh đạo…
“Các công ty mới sẽ tập trung vào mánh lới quảng cáo. Trong khi đó, các tổ chức lớn lại có xu hướng chia sẻ kiến thức, tập trung vào nội dung nhiều hơn”, bà Leong nhận định. “Chúng ta chỉ cần gắn kết những người trẻ siêu giàu lại với nhau. Một khi họ gặp nhau, ai có thể nói rằng họ không thể tự khai phá bản thân?"