Thua sốc ngay trên sân nhà trước Cadiz tại La Liga rồi lại tiếp tục gục ngã tủi hổ trước Shakhtar Donetsk ở sân chơi Champions League, Real Madrid trải qua lần thứ 2 trong năm 2020 thua liên tiếp 2 trận. Nhiều người cho rằng đây chỉ là chuỗi tai nạn bất thường của Real.
Tuy nhiên, nếu tinh tế để ý cách Real thua ở sân chơi Champions League, chúng ta có thể nhận thấy vấn đề tương đối nổi cộm: Real Madrid thường bị bắn hạ tại sân chơi danh giá này khi không có lực lượng mạnh nhất.
Real Madrid thua sốc 2 trận liên tiếp trước những đối thủ yếu hơn họ rất nhiều. Ảnh: Getty. |
Thiếu Ramos là thua
Real Madrid chạm mốc thua trận thứ 3 liên tiếp tại Champions League - đấu trường mà họ đứng ở trang sử vẻ vang trên tư cách là đội bóng duy nhất trong lịch sử giành cú hat-trick vô địch.
Đây vốn dĩ có thể xem là giai đoạn sa sút thường thấy của Real tại cúp châu Âu nếu như không xuất hiện sự tình cờ: 2/3 trận thua gần nhất của "Kền kền trắng" đến trong bối cảnh trung vệ Sergio Ramos không thể thi đấu.
Kể từ sau khi Cristiano Ronaldo rời Real, Kền kền trắng có trải qua 7 trận đấu vắng Ramos trong đội hình tại Champions League và các bạn có biết họ thua bao nhiêu trận không? 6 trận. Real thua tới 6/7 trận Champions League gần nhất khi Ramos không có mặt trong đội hình.
Gây nhức nhối nhất là mùa 2018/19 (mùa đầu tiên thi đấu mà không có Ronaldo), Real toàn thua cả 3 trận Ramos không thi đấu, trong đó có thất bại lịch sử 1-4 trước Ajax ở vòng 1/8.
Từ góc độ của một người hâm mộ, thống kê vừa liệt kê bên trên cho thấy tầm quan trọng của Ramos với Real. Tuy nhiên, dưới góc độ của người làm chuyên môn, truyền thông Tây Ban Nha lại cho rằng đây là dấu hiệu của sự sa sút rõ ràng về đẳng cấp.
Real đã trải qua 3 kỷ nguyên Galaticos và dường như đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha mặc định Real sẽ chẳng là gì nếu thiếu đi những vì tinh tú lấp lánh tạo nên dải ngân hà.
Real Madrid thua 6/7 trận Champions League gần nhất khi không có Sergio Ramos trong đội hình. Ảnh: Getty. |
Chúng ta sẽ có thêm ví dụ nhỏ: Tỷ lệ ghi bàn trung bình của Real Madrid tại La Liga trong giai đoạn Cristiano Ronaldo đang gánh vác hàng công là từ 2,4 đến 2,7 bàn/trận. Ronaldo dĩ nhiên là cầu thủ ghi phần lớn số bàn thắng, nhưng trong giai đoạn đó, hiệu ứng CR7 cũng tạo nên sự tự tin chung cho các ngòi nổ khác hào hứng lập công. Điển hình như mùa 2016/17, Real có 19 cầu thủ ghi bàn, nhiều nhất La Liga.
Sau khi Ronaldo chia tay sân Bernabeu, tỷ lệ bàn thắng/trận của Real lập tức tụt xuống còn trung bình 1,6 bàn/trận ở mùa 2018/19, 1,8 bàn/trận mùa 2019/20 và đến mùa này thì thật sự thê thảm: 1,2 bàn/trận.
Dải ngân hà tậm tịt khi thiếu sao
Nếu Real là đội bóng thật sự mạnh, họ sẽ không để sự chênh lệch về số bàn thắng/trận giữa kỷ nguyên Ronaldo và kỷ nguyên vắng Ronaldo lớn đến mức đó. Nếu cái uy của Real thật sự lớn, họ đã không thể tỷ lệ thua trận tại Champions League khi vắng Ramos lên tới 85%.
Trước Shakhtar Donetsk, chỉ cần vắng Ramos trong đội hình là hàng phòng ngự Real chơi bóng như nghiệp dư. Marcelo như thường lệ chưa bao giờ mạnh về khả năng phòng ngự, còn cặp trung vệ Militao - Varane dễ dàng sụp đổ.
Khi chơi cạnh Ramos, Varane là trung vệ từng được hét mức giá chuyển nhượng lên tới hơn 50 triệu euro. Nhưng vắng Ramos, Varane dễ dàng bị vượt qua và thậm chí đá phản lưới.
Zinedine Zidane là chiến lược gia thiên tài với cú hat-trick vô địch Champions League khi có đội hình siêu lý tưởng trong tay, nhưng bỗng dưng lại bế tắc, chậm chạp trước những đối thủ như Cadiz hay Shakhtar khi trong đội hình thiếu những ngôi sao có thể gây đột biến như Eden Hazard hay Ramos (Ramos chính là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng thứ nhì tập thể Real tại La Liga mùa trước, với 11 bàn).
Vào giai đoạn Real Madrid liên tục dừng bước ở Champions League từ vòng 1/8, tờ Marca từng viết: “Barca, Bayern là kiểu đội bóng tạo ra những ngôi sao, còn Real cần những ngôi sao để tạo ra một đội bóng”.
Câu nói này ngầm ám chỉ đẳng cấp của Real không cao như họ tự huyễn hoặc bản thân. "Kền kền trắng" cần tới những ngôi sao lớn để bay cao. Thiếu những vị tinh tú, "Dải ngân hà" cũng chẳng sáng.