Ngồi bần thần bên vườn rau xà lách thủy canh rộng hơn 1.000 m2, tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, anh Lê Quốc Đức không nghĩ sắp tới khả năng sẽ nhỏ bỏ toàn bộ vì không có thương lái đến mua.
“Rau rớt giá thê thảm, những đến nay vẫn chưa có thương lái nào gọi điện hay đến khảo sát. Mọi năm lúc khó nhất gọi cho mối quen họ cũng hứa sẽ thu mua, nhưng nay ai cũng chối vì đã lấy đủ hàng”, anh Đức buồn bã.
Rau Tết rớt giá mạnh
Những ngày này trên các khu vườn hoa tại Đà Lạt và vùng phụ cận cực kỳ nhộn nhịp không khí thu hoạch với niềm vui được mùa, được giá, thậm chí cháy hàng.
Trái ngược với niềm vui ấy, tại những cánh đồng rau xanh tốt trầm lắng hơn hẳn. Nguyên do bởi giá nhiều loại rau rất thấp, sức tiêu thụ cũng giảm mạnh mặc cho đang trong cao điểm thu hoạch phục vụ thị trường Tết Nhâm Dần 2022.
Theo anh Lê Quốc Đức, giá rau dịp Tết mà còn thấp hơn ngày thường, chỉ được khoảng 30.000 đồng/kg. Trong khi đó sức tiêu thụ cũng rất chậm, mỗi ngày vườn của anh chỉ bán được vài chục kg cho mối quen. “Nếu tình trạng này còn kéo dài trong vài ngày tới, chỉ riêng vườn của tôi đã đổ bỏ cả tấn rau thủy canh giá trị cao”, anh Đức nói.
Nhà vườn trồng rau ở Đà Lạt thu hoạch cầm chừng, chủ yếu bán lẻ vì không có thương lái đặt hàng. Ảnh: Minh An. |
Tương tự, tại thủ phủ rau Đơn Dương - vùng chuyên canh rau lớn nhất tỉnh Lâm Đồng - niềm vui được mùa, được giá cũng đi đâu mất. Nhà vườn trồng rau chỉ thu hoạch cầm chừng những loại rau được ưa chuộng cho dịp Tết như dưa cải, su hào, cà chua, súp lơ…
Theo các nhà vườn từ ngày 24/1, giá nhiều loại rau củ tại Lâm Đồng đã “quay đầu” giảm mạnh. Cụ thể, củ dền giảm từ 5.000 đồng/kg, xuống còn 3.000đ/kg; cà chua và đậu leo cũng giảm 3.000 đồng/kg, xuống mức 9.000 đồng/kg; cà chua giảm 20.000 đồng/kg; hành tây Đà Lạt giảm còn 13.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg…
Ông Trần Thiện Thanh, xã viên Hợp tác xã rau Thiện Thanh (huyện Đơn Dương), cho hay dù đang trong những ngày cao điểm cuối cùng của vụ rau Tết, hợp tác xã này cũng chỉ thu hoạch khoảng 3 tấn rau mỗi ngày để cung cấp cho các đầu mối tiêu thụ, thấp kỷ lục so với vụ rau Tết năm 2021.
“Giá rau bắt đầu xuống thấp từ mười ngày qua. Nguyên nhân là thời tiết thuận lợi nên nhiều nơi trồng được rau ăn nên khiến nhiều mặt hàng rau Đà Lạt rớt giá. Như rau cải thảo của chúng tôi giờ ai kêu thì cắt cho vui chứ hầu như cũng để ngoài đồng, không bán được”, ông Thanh ngậm ngùi.
Nguy cơ đổ bỏ hàng nghìn tấn rau
Theo Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trong vụ Đông Xuân 2021-2022, toàn tỉnh đã gieo trồng 24.550 ha rau, sản lượng dự kiến hơn 850.000 tấn rau các loại. Lượng rau củ này phần lớn thu hoạch phục vụ cho thị trường Tết Nhâm Dần 2022. Diện tích rau trên chủ yếu được gieo trồng tại TP Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương.
Trong số đó một số loại dự kiến tăng so với cùng kỳ năm 2020 như rau bó xôi, tăng 37,3% cả về diện tích và sản lượng; khoai tây tăng 32,23% về diện tích và sản lượng; súp lơ tăng từ 14-15% về diện tích và sản lượng. Các loại rau khác như su hào, cà rốt, dưa leo, củ cải, hành lá… đều tăng 0,5% về diện tích và 1,2% về sản lượng.
Rau đang rớt giá khiến người trồng rau ở Lâm Đồng lo lắng, dù Tết cận kề. Ảnh: Minh An. |
Dự kiến thời gian thu hoạch rau củ phục vụ thị trường Tết sẽ bắt đầu từ 14/1 đến 20/2 (tức 12 tháng Chạp đến 20 tháng Giêng). Tuy nhiên, với sức tiêu thụ rất chậm như hiện nay, nhiều nhà vườn lo ngại hàng tấn rau sẽ không có đầu ra bởi Tết đã cận kề.
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn Lâm Đồng, cho biết để hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm của người dân được thuận lợi, đơn vị này khuyến cáo các đơn vị phối hợp, rà soát các dịch vụ giao thông vận tải, bố trí đầy đủ phương tiện để tránh ách tắc, tồn đọng hàng hóa.
Đồng thời, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tập trung xây dựng thương hiệu để truy xuất nguồn gốc, nhận diện sản phẩm trên thị trường; thúc đẩy hỗ trợ chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả tại địa phương; tổ chức lấy mẫu rau củ kiểm nghiệm hóa chất bảo vệ thực vật theo quy định.