Theo thống kê của Google, Temasek và Bain, Việt Nam đang sở hữu nền kinh tế số có tổng trị giá 14 tỷ USD, cao hơn 2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019. Với số lượng người dùng mới chiếm 41% tổng người dùng dịch vụ kỹ thuật số, Việt Nam đang trở thành quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet mới cao nhất trong khu vực.
Chính phủ Việt Nam xác định một trong những trụ cột của nền kinh tế số là hạ tầng viễn thông, bao gồm cả hạ tầng băng thông di động lẫn băng thông cố định. Chỉ trong vòng 2-3 năm trở lại đây, sự phát triển hạ tầng băng thông đã mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho tất cả ngành kinh tế khác nhau tại Việt Nam.
Việc triển khai 5G tại Việt Nam còn nhiều thách thức
Tại Hội thảo Băng thông rộng di động và cố định (World Mobile Broadband & ICT) do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam) phối hợp cùng Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam (REV) tổ chức, vấn đề phát triển 5G và hạ tầng băng thông rộng được coi là chủ đề chính năm nay.
Ông Michael Jiang - Giám đốc Công nghệ (CTO) của Huawei Việt Nam – cho biết hiện đã có hơn 140 nhà mạng tại 61 nước trên thế giới triển khai mạng 5G. Bên cạnh đó, thế hệ mạng di động thế hệ thứ 5 đã có khoảng 260 triệu người dùng trên toàn thế giới.
Tương tự các nước trên thế giới, các nhà mạng Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình triển khai 5G. Trong đó, vấn đề cần chú trọng nhất là việc xây dựng cơ sở hạ tầng.
Hội thảo World Mobile Broadband & ICT 2021 có sự tham gia của hơn 500 đại biểu cùng 12 diễn giả trong nước và quốc tế. Ảnh: M.S. |
Hiện nay, hầu hết trạm di động đều được lắp đặt nhiều thiết bị 2G, 3G và 4G. Vì vậy, vấn đề thiếu không gian trang bị hạ tầng thiết yếu cho mạng 5G sẽ khiến nhà mạng chịu chi phí phát sinh lớn.
Việt Nam nằm trong số ít quốc gia có thể đưa 5G vào thương mại
Chia sẻ với Zing, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương, đánh giá cao tốc độ phát triển mạng 5G tại Việt Nam. Đây vốn là công nghệ mạng di động chỉ một số quốc gia có thể tiếp cận hiện nay.
“Hạ tầng 5G có vai trò thiết yếu cho chiến lược chuyển đổi số quốc gia cũng như công nghệ 4.0. Lần đầu tiên Việt Nam triển khai một công nghệ mới có sử dụng sản phẩm, thiết bị Make in Vietnam sớm như vậy”, ông Nam nhấn mạnh.
Buổi tọa đàm giữa các nhà mạng lớn tại Việt Nam cùng đại diện Qualcomm, Lenovo. Ảnh: M.S. |
Cũng theo ông Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ thống hạ tầng Internet tốt, không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, nhu cầu kết của người dân tăng cao, kéo theo tốc độ chuyển đổi số.
“Tốc độ phát triển 5G trong 2 năm vừa qua vượt xa các dự báo. Covid-19 tạo ra những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, sự xuất hiện của đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu kết của người dân. 1,7 tỷ học sinh trên thế giới học online, 70% công ty trên thế giới áp dụng mô hình tại nhà, nhu cầu y tế từ xa, mua sắm từ xa cũng vì vậy mà tăng cao. Tất cả những yếu tố này đòi hỏi hạ tầng kết nối mạnh như 5G”, ông Nam chia sẻ với Zing.
Đánh giá về yếu tố giúp Việt Nam bứt tốc trong lộ trình phát triển 5G, ông Nam tin rằng Việt Nam vẫn cần mở rộng thêm độ phủ sóng.
Đặc biệt, 5G không chỉ được ứng dụng vào các thiết bị đầu cuối cá nhân như điện thoại di động, các doanh nghiệp trong nước cũng nên chú trọng xây dựng cơ sở vật chất dựa trên công nghệ này như các nhà máy thông minh.
Trong thời gian sắp tới, đại diện Qualcomm hy vọng quá trình cấp băng tần, quá trình đấu giá sẽ được thúc đẩy. Từ đó, các nhà mạng sẽ có nhiều cơ hội ứng dụng, phổ cập công nghệ này đến với từng người dân Việt Nam.
Quyết đạt mục tiêu trở thành nước thử nghiệm thành công công nghệ 5G
“Từ năm 2021, Việt nam sẽ triển khai mạng 5G trên diện rộng. Đây là bước đi tiên phong, tiên quyết nhằm đạt mục tiêu trở thành một trong những nước thử nghiệm thành công công nghệ 5G trên thế giới. Đồng thời quyết tâm có được thiết bị 5G Make in Vietnam có chất lượng tốt và tiết kiệm chi phí”, ông Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, nhấn mạnh.
Sự kiện quy tụ nhiều khách mời đến từ những doanh nghiệp, nhà mạng trong nước và nước ngoài. Ảnh: M.S. |
Bên cạnh đó, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến quá trình áp dụng 5G trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, coi việc phát triển hạ tầng viễn thông là yếu tố quyết định tạo bước nhảy vọt nhằm nắm bắt cơ hội hội nhập cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 một cách có hiệu quả.
Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược TT&TT, dự báo trong năm 2025, 5G sẽ đóng góp hơn 7% vào mức tăng trưởng GDP của Việt Nam. Chính vì vậy, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 có vai trò khẳng định sự quan trọng của lĩnh vực ICT trong quá trình phát triển đất nước.
“Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là một trong những đột phá chiến lược của giai đoạn 10 năm tới nhằm đưa Việt Nam phát triển và nằm trong top các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước công nghiệp có thu nhập cao vào năm 2045”, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT, chia sẻ.