Sắc lệnh hành pháp về di trú của Tổng thống Mỹ Donald Trump dấy lên một cuộc chiến pháp lý có thể thay đổi luật lệ của hàng thế hệ. Cuộc đối đầu này nhiều khả năng sẽ được định đoạt bởi phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ.
Phán quyết từ tòa về sắc lệnh di trú của ông Trump có thể giúp trả lời câu hỏi pháp lý quan trọng: Hiến pháp trao cho tổng thống quyền gì về nhập cư và giám sát quyền này như thế nào?
Phán quyết khác nhau của các thẩm phán
Nhiều thẩm phán trên khắp nước Mỹ đã chặn sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump, nhưng người ra phán quyết ảnh hưởng sâu rộng nhất là James Robart, một thẩm phán liên bang ở tòa quận Tây của bang Washington.
Ông Robart ra phán quyết có hiệu lực trên toàn quốc yêu cầu hoãn thi hành sắc lệnh hạn chế nhập cư mới, với lý do nó phi pháp và vi hiến. Sắc lệnh này cấm tạm thời người nhập cư từ 7 quốc gia với phần lớn dân số theo đạo Hồi trong 90 ngày, dừng chương trình tị nạn của Mỹ trong 120 ngày và ngừng vô thời hạn việc tiếp nhận người tị nạn Syria.
Sơ lược về hệ thống tòa án Mỹ. Vụ kiện sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Trump là vụ liên quan đến luật liên bang. Đồ họa: Washington state court - Việt hóa: Ngụy An.
|
Ngày 4/2, Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 tại San Francisco (bang California), yêu cầu đình chỉ khẩn cấp phán quyết của thẩm phán Robart. Tòa bác bỏ yêu cầu của Bộ Tư pháp và đã mở phiên điều trần đầu tiên hôm 7/2 sau khi các bên nộp thêm tài liệu bổ sung. Sau khi tòa ra phán quyết, bên thua kiện có thể kháng cáo lên Tòa án Tối cao.
Trong khi đó, ngày 3/2, thẩm phán Nathaniel M.Gorton thuộc tòa án quận liên bang ở Boston ra phán quyết gồm 21 trang từ chối chặn sắc lệnh của Trump và bàn về các luận cứ pháp lý cụ thể.
Gorton cũng phác thảo bức tranh lớn hơn về tình hình hiện tại. “Lịch sử phong phú về nhập cư Mỹ tạo nên nguồn sức mạnh và niềm tự hào của đất nước này", thẩm phán Gorton viết.
"Tuy vậy, lợi ích của quần chúng về an toàn và an ninh trong thế giới ngày càng nguy hiểm này cũng quan trọng”, ông Gordon nhấn mạnh sự cân bằng giữa lịch sử nhập cư Mỹ và việc bảo đảm an toàn cho công dân nước này. Ý kiến của Gordon dường như nghiêng về phía Tổng thống Trump.
Tổng thống có thẩm quyền gì về nhập cư?
Mục 8, Điều I của Hiếp pháp Mỹ trao cho Quốc hội quyền lực tuyệt đối về lập pháp trong vấn đề nhập cư. Tổng thống, trong vai trò người đứng đầu nhánh hành pháp, có thẩm quyền thực thi luật pháp về nhập cư do Quốc hội ban hành.
Về xung đột giữa quyền lực tổng thống và quyền hạn của Quốc hội, Tòa án Tối cao Mỹ năm 1952 từng ra một phán quyết cho rằng tổng thống có quyền lực cao nhất nếu hành động theo sự cho phép từ Quốc hội. Tổng thống có quyền lực trung bình khi Quốc hội im lặng và quyền lực này thấp nhất khi Quốc hội ngăn cản một hành động cụ thể.
Hôm 3/2, tại phòng xử án Seattle ở bang Washington, để bảo vệ sắc lệnh hành pháp Tổng thống Trump đưa ra, luật sư thuộc Bộ Tư pháp Michelle Bennett đã viện dẫn phán quyết này.
"Ở đây, tổng thống đã hành động dựa trên quyền lực mà Quốc hội trao cho", ông Bennett khẳng định.
Quyền lực của tổng thống trong vấn đề nhập cư cũng được quy định trong Đạo luật Quốc tịch và Nhập cư do Quốc hội ban hành năm 1952. Luật quy định rằng tổng thống có thể ra lệnh cấm nhập cảnh với bất cứ đối tượng nước ngoài nào có nguy cơ gây hại cho lợi ích Mỹ. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng cho sắc lệnh hạn chế di trú của Tổng thống Trump.
Trong lịch sử Mỹ, vào năm 1924, vì lý do “bảo vệ nước Mỹ” mà Tổng thống Calvin Coolidge từng ban hành Đạo luật Di trú Johnson-Reed, cấm toàn bộ người di dân từ châu Á và hạn chế số người nhập cư vào Mỹ theo hạn ngạch với từng quốc gia.
Báo The Day ngày 26/5/1924 đưa tin về Đạo luật Di trú Johnson-Reed được ban hành. Ảnh: Rarenewspaper.com |
Như vậy, đại diện chính quyền Trump không phải không có lý khi lập luận rằng tổng thống có quyền tăng cường kiểm soát chính sách nhập cư khi quốc gia đang đối mặt vớí mối nguy an ninh. Nhà Trắng cũng tin họ sẽ chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý này.
"Rõ ràng pháp luật đứng về phía tổng thống. Ngài tổng thống mong muốn làm những gì tốt nhất cho đất nước nhằm bảo vệ người dân. Và chúng tôi rất tự tin sẽ chiến thắng", phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói.
Rào cản nào cho sắc lệnh của Trump?
Theo New York Times, quyền lực về nhập cư của tổng thống là rất lớn. Tuy nhiên, Hiến pháp cũng có những quy định có thể làm giảm hoặc triệt tiêu quyền lực này như quy định về thủ tục tố tụng, bảo vệ sự bình đẳng và quy định cấm phân biệt tôn giáo, cản trở tự do tín ngưỡng.
Tu chính án số 1 của Hiến pháp Mỹ nghiêm cấm các hành vi phân biệt tôn giáo và cản trở tự do tín ngưỡng. Quyền được hưởng thủ tục tố tụng công bằng theo Tu chính án số 5 và quyền được bảo vệ công bằng quy định trong Tu chính án số 14 cũng không cho phép tổng thống ban hành bất kỳ sắc lệnh nào tước đi quyền hiến định của người dân mà không bảo đảm họ được hưởng quy trình tố tụng một cách công bằng.
Ngoài ra, Đạo luật Di trú và Nhập tịch năm 1965 cấm việc kỳ thị hay phân biệt đối xử người tị nạn và di dân đến Mỹ dựa trên chủng tộc, giới tính, nguồn gốc quốc gia, nơi họ sinh ra, hay nơi họ đang cư trú. Đây là các căn cứ pháp lý mà bên kiện sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Trump có thể đưa ra để tranh luận trước tòa.
Washington trên thực tế là bang đầu tiên đệ đơn kiện sắc lệnh trên phi pháp và vi hiến, cùng tham gia vụ kiện sau đó là bang Minnesota.
Tại phiên điều trần ở Tòa phúc thẩm khu vực 9, Noah Purcell, đại diện cho hai bang Washington và Minnesota, cho rằng lệnh cấm nhập cảnh phân biệt đối xử với người Hồi giáo đến từ 7 quốc gia.
Sắc lệnh hạn chế nhập cư gây tranh cãi của Tổng thống Trump đang đối mặt làn sóng biểu tình rầm rộ trên khắp nước Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Ông Purcell nêu ra những tổn hại không thể khắc phục khi thực hiện lệnh cấm như "gia đình bị ly tán, những người thường trú không thể ra nước ngoài, thiệt hại doanh thu thuế". Đơn kiện của bang Washington và Minnesota nhằm đấu tranh cho những người chỉ trong một đêm bỗng "mất quyền đi lại, quyền thăm gia đình, quyền học tập, nghiên cứu hay phát biểu tại các hội nghị trên thế giới".
Trong phiên điều trần, thẩm phán của Tòa phúc thẩm khu vực 9 nói nếu sắc lệnh của ông Trump vi phạm quy định của Hiến pháp về cấm phân biệt tôn giáo, tòa hoàn toàn có thể ngăn chặn lệnh này.