Trong khuôn khổ của lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 4, diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3/8, với chủ đề "Ngọc Linh mời gọi", UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đã có nhiều hoạt động trình diễn, trò chơi dân gian, không gian triển lãm, trưng bày và bày bán các mặt hàng nông sản phục vụ du khách tham quan, mua sắm.
Trong sáng 1/8, có 95 kg sâm Ngọc Linh được bày bán với nhiều loại. Trong đó, sâm loại một giá 220 triệu đồng/kg, loại 2 với giá 120 triệu đồng/kg và loại 3 với giá 90 triệu đồng/kg.
Cây sâm Ngọc Linh 20 năm tuổi với 8 nhánh, nặng 0,9 kg được ông Thắng rao bán 900 triệu đồng. Trước khi vào phiên chợ, sâm sẽ qua 2 lần kiểm tra. Ảnh: Thanh Đức. |
Ông Đinh Hồng Thắng (37 tuổi, người dân xã Trà Linh), đưa cây sâm 20 năm tuổi tham gia hội thi và bày bán. Cây sâm nặng 0,9 kg bao gồm cả thân, rễ, gốc. Theo những chuyên gia thẩm định sâm, đây là củ sâm khỏe, đẹp và hiếm. Cây sâm mọc ra 8 nhánh đã cho hoa và hạt nhiều năm nay. Anh Thắng ra giá cho củ sâm này là 900 triệu đồng.
"Đã có người trả tôi 750 triệu cho cây sâm này nhưng tôi không đồng ý. Chỉ tính riêng việc mỗi năm, từ 8 nhánh của cây sâm này đã cho ra hàng trăm hạt sâm. Mỗi hạt trị giá khoảng 150.000 đồng, chưa kể sâm ở độ tuổi này có chất lượng rất cao. Tôi chỉ bán cho những người thực sự biết giá trị của cây sâm này, còn không tôi đem về, tiếp tục trồng ở vườn sâm của gia đình”, ông Thắng nói.
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết lễ hội sâm Ngọc Linh nhằm góp phần quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào Ca Dong, Xê Đăng ở địa phương, nâng cao đời sống kinh tế người dân. Đồng thời tạo không gian gắn kết, sẻ chia trong cuộc sống cộng đồng của đồng bào địa phương.
Ngoài ra, lễ hội cũng là dịp để tái hiện toàn bộ các hoạt động chăm sóc, phát triển cây sâm Ngọc Linh, lễ rước biểu tượng sâm Ngọc Linh, nhằm tri ân nàng sâm đã ban tặng cho đồng bào sức khỏe và phát triển kinh tế.
Mỗi kg sâm Ngọc Linh loại một giá 220 triệu đồng/kg, loại 2 với giá 120 triệu đồng/kg và loại 3 với giá 90 triệu đồng/kg. Ảnh: Thanh Đức. |
Một du khách là Trần Văn Dũng (du khách từ TP.HCM) chia sẻ đây là lần thứ 2 đến phiên chợ và mua sâm về sử dụng. "Giờ dịch vụ bán sâm Ngọc Linh có nhiều trên mạng nhưng tôi không tin tưởng lắm bởi nạn sâm giả tràn lan. Vì vậy, tôi đến huyện Nam Trà My để mua một ít về cho gia đình sử dụng, trải nghiệm nơi được gọi là thủ phủ sâm Việt Nam", anh Dũng chia sẻ.
Tại lễ hội, hàng chục gian hàng bày bán các loại nông sản, đặc biệt là sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, hội thi sâm với những củ sâm với độ tuổi từ một đến 10 năm được đưa từ các chốt trồng sâm Ngọc Linh tại các xã Trà Nam, Trà Linh, Trà Cang... có hình dáng đẹp, cân đối (bao gồm cả thân cây, rễ và rễ củ, hoa).
Ông Hồ Văn Thể (áo xanh) tham gia chấm thi sâm từ các đơn vị đưa tới. Ảnh: Thanh Đức. |
Theo ông Hồ Văn Thể, Trưởng ban giám khảo cuộc thi sâm Ngọc Linh, cho biết những củ sâm được đưa vào bày bán phải trải qua 3 lần kiểm tra nghiêm ngặt từ tổ kiểm định. "Khi sâm chuẩn bị dự thi, cán bộ xã sẽ tiến hành kiểm định, đúng là sâm Ngọc Linh mới chấp nhận cho đem đi thi. Khi vào phiên chợ, tổ kiểm định của huyện trực tiếp kiểm tra thêm để đảm bảo tuyệt đối không có sâm giả trà trộn vào phiên chợ cũng như hội thi sâm. Bởi như thế sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh cũng như chất lượng của sâm Ngọc Linh", ông Thể nói.
Tối 1/8, Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 4 sẽ khai mạc và trình diễn tổng thể quá trình bảo tồn nguồn giống, tri ân và tái hiện lễ cúng nàng sâm của đồng bào Xê Đăng, với vũ điệu cồng chiêng kết hợp đàn đá theo phong tục truyền thống.