Khỏa thân trong nghệ thuật là một chủ đề gây nhiều bàn tán. Có những tác phẩm được ngợi ca và có những tác phẩm bị phản ứng.
Triển lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng và đạo diễn Nguyễn Nghiêm Nhan mở cửa đúng 3 ngày rồi đóng sau khi Hội Mỹ thuật Việt Nam yêu cầu gỡ một số bức tranh. Dư luận cho rằng các bức tranh tầm thường và dung tục.
“Cao tay thì thành thanh, quá đà thì thành tục”
Liệu cứ vẽ tranh với trang phục thiếu vải, đường nét hớ hênh sẽ là một tác phẩm dung tục? Ông Nguyễn Thế Sơn - nhà nghiên cứu, giám tuyển cho nhiều dự án nghệ thuật, giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam - nêu ranh giới giữa nghệ thuật và dung tục.
Một bức tranh thuộc triển lãm "Cõi Hồ Xuân Hương". Ảnh: Vietnamnet. |
Theo ông Sơn, nghệ thuật có rất nhiều lĩnh vực khai thác, tranh nude là một phần trong đó. “Cao tay thì thành thanh, quá đà thì thành tục”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nói.
Ông cho rằng vấn đề này phụ thuộc vào kỹ năng của người họa sĩ. Nếu nghệ sĩ có tài, có khiếu sáng tạo, sẽ biết hướng bức tranh tới cái đẹp; còn nếu năng lực chưa tới, bức tranh sẽ để lộ ra điểm “chưa văn hóa” của tác giả.
Lấy ví dụ về tranh nude của họa sĩ Bùi Xuân Phái, ông Sơn cho rằng danh họa Bùi Xuân Phái có năng lực biểu đạt mỹ thuật cao, lấn át được phần tục. Bùi Xuân Phái nắm bắt được hồn thơ của bà chúa thơ Nôm và biết cách để qua tranh kể được câu chuyện khác chứ không chỉ có sự trần trụi, hở hang.
Được mệnh danh người vẽ hình họa giỏi nhất nước, Bùi Xuân Phái làm toát lên được hồn thơ Hồ Xuân Hương, để tác phẩm của mình cũng ẩn chứa tiếng lòng người phụ nữ thời phong kiến, gợi mở ra cả một bối cảnh xã hội.
Nguyễn Thế Sơn cho rằng khác biệt chính là năng lực biểu đạt hình ảnh của họa sĩ. Ông nhận định: “Nghệ thuật không phải hiện thực; nghệ thuật đi song song với hiện thực”. Họa sĩ ở Việt Nam, do thiếu hiểu biết về lịch sử nghệ thuật, về các phương thức biểu đạt, thường dễ sa đà vào tả thực. Vì thế, đôi khi để lộ ra nhiều điểm yếu trong kỹ năng và tư tưởng, dẫn tới vẽ tranh tục, tranh xấu.
Đọc gì để hiểu nghệ thuật?
Để hiểu hơn về nghệ thuật, để trở thành một nghệ sĩ tốt hơn, ông Nguyễn Thế Sơn cho rằng có thể tham khảo, đọc những cuốn sách như Câu chuyện nghệ thuật của E.H. Gombrich. Đây là tác phẩm nhập môn nghệ thuật thị giác cho nhiều thế hệ độc giả, giúp ta hiểu về nghệ thuật và biết cách thưởng tranh. Từ đó, phân định được đâu là nghệ thuật và đâu là dung tục.
Tác phẩm kể về lịch sử nghệ thuật châu Âu theo dòng thời gian từ cổ đại đến hiện đại, khảo sát và đánh giá trên nhiều lĩnh vực khác nhau như hội họa, điêu khắc, kiến trúc… đồng thời gắn liền với dòng chảy văn hóa, chính trị, và tôn giáo.
Câu chuyện nghệ thuật cho thấy mối liên kết của các bước tiến nghệ thuật trong lịch sử, dẫn giải sự ra đời của các trường phái nghệ thuật như Trường phái Ấn tượng (Impressionism), Siêu thực (Surrealism) hay Tối giản (Minimalism). Cuốn sách là một tác phẩm kinh điển trong danh sách các đầu sách nghệ thuật tuyển chọn.
Ngoài ra, cuốn Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt của Miles J. Unger cũng có những phân tích sắc sảo về hình tượng khỏa thân trong tranh. Bức tranh được bàn đến ở đây là Les Demoiselles d'Avignon (Những cô nàng ở Avignon). Tranh thể hiện các cô gái điếm, trở thành tác phẩm quan trọng của Picasso.
Bức Les Demoiselles d'Avignon (Những cô nàng ở Avignon). Ảnh: Guy Hepner. |
Picasso có khiếu khắc họa vẻ đẹp bằng ngôn ngữ lập thể. Ông có thể biến hình ảnh năm cô gái điếm khỏa thân trong một nhà thổ tại Carrer d'Avinyó (phố Avignon), thành phố Barcelona, trở thành tác phẩm đặt nền móng cho chủ nghĩa Lập thể (Cubism).
Bức tranh táo bạo này đã phá vỡ nguyên tắc tạo hình truyền thống của hội họa, đưa những hình khối, mảnh ghép và góc cạnh của đối tượng được trưng bày dưới lăng kính không gian, thời gian trên mặt phẳng tranh. Bức tranh không toát ra vẻ dung tục, mà mang tới hơi thở văn hóa, truyền đạt tuyên ngôn nghệ thuật của tác giả, thách thức quan điểm về cái đẹp của người xem.
Cuốn Hiểu và thưởng thức một tác phẩm mỹ thuật của Kathy Statzer cũng cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết cơ bản về mỹ thuật, giúp độc giả có được nền tảng thẩm mỹ, để thưởng tranh, nhận xét về tranh.
Nguồn kiến thức sẽ giúp độc giả phân biệt được đâu là tranh đẹp, đâu là tranh không đẹp. Đồng thời, giúp cho người nghệ sĩ trau dồi được cảm quan nghệ thuật, để đem lại những tác phẩm chất lượng hơn.