Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạo hình Hồ Xuân Hương quá hở hang trong game gây tranh luận

Nhiều người cho rằng tạo hình Hồ Xuân Hương trong game quá nóng bỏng, trong khi các nhân vật lịch sử đều xuất hiện với hình dạng thái quá, bị bôi xấu.

Sử Hộ Vương là một game card (trò chơi thẻ bài) đang được sản xuất. Trò chơi này được giới thiệu là “cốt truyện được truyền cảm hứng từ những thần tích, truyền thuyết, những giai thoại hào hùng xuyên suốt dòng lịch sử hơn 4.000 năm, được kể lại dưới góc nhìn hiện đại, mang hơi thở tân tiến trẻ trung của thời đại mới".

"Sử Hộ Vương còn là một game sưu tầm thẻ bài với hệ thống nhân vật đồ sộ được lấy cảm hứng từ chính khả năng phi phàm và tinh thần bất khuất trong công cuộc dựng nước và giữ nước của những người con đất Việt anh dũng, hào hùng”, phần giới thiệu cho biết.

Gây tranh cãi vì tạo hình nhân vật quá táo bạo

Gần đây, tạo hình của các nhân vật trong Sử Hộ Vương nhận những ý kiến chỉ trích. Gay gắt nhất có lẽ là tạo hình nhân vật Hồ Xuân Hương, với hình ảnh hở hang chỉ có chút vải che thân, dáng ngồi của nhân vật cũng quá khêu gợi. Tạo hình này không có vẻ gì là thanh cao tao nhã so với hình dung về hình ảnh một nữ sĩ.

Tranh luan ve tao hinh Ho Xuan Huong qua ho hang anh 1
Tạo hình nữ sĩ Hồ Xuân Hương bị phản đối gay gắt.

Tạo hình của Lý Thường Kiệt, Hồ Quý Ly và rất nhiều nhân vật kiệt xuất trong lịch sử nước ta được vẽ với tóc tai, trang phục, hình dáng… rất giống nhân vật trong những bộ truyện tranh hiện đại khiến nhiều người cảm thấy xa lạ.

Trò chơi này còn có những nhân vật huyền sử, ví dụ như “Hộ quốc phu nhân” - người theo truyền thuyết là cứu sống Lê Lợi - xuất hiện trong game với tạo hình của một hồ ly.

Một số ý kiến cho rằng cách làm này là thái quá, bôi nhọ nhân vật lịch sử.

Khi những người thực hiện Sử Hộ Vương tham dự một chương trình kêu gọi vốn để sản xuất dự án game card này, ban giám khảo đã nhận xét: “Đừng bao giờ nhân danh giới trẻ làm méo mó những gì thuộc về văn hóa”.

Bên cạnh đó, có những ý kiến không đồng tình với phong cách vẽ manga/anime của trò chơi. Có ý kiến cho rằng việc mượn nét vẽ, phong cách vẽ của nước khác (Nhật Bản) để nói lên văn hóa nước mình chỉ để nó gần gũi hơn, thì điều gần gũi đó thật sự không cần thiết.

Sẽ điều chỉnh tạo hình các nhân vật

Trước những ý kiến chỉ trích, nhóm thực hiện Sử Hộ Vương đã có bản thông báo, nêu quan điểm dự án này không ra đời vì mục đích truyền bá, giảng dạy hay tái hiện lại bất kỳ nhân vật hoặc sự kiện có thật nào trong lịch sử Việt Nam.

Mục tiêu duy nhất mà Sử Hộ Vương đặt ra ngay từ ban đầu, chính là có thể trở thành một dự án “truyền cảm hứng” cho giới trẻ. Theo Phạm Vĩnh Lộc - người phát triển dự án Sử Hộ Vương, một nhân vật trẻ được yêu thích vì các bài viết lịch sử trên mạng xã hội - thì trò chơi này được hình thành trên nền tảng một thế giới giả tưởng. 

Đó là nơi những nhân vật hoàn toàn hư cấu, được lấy cảm hứng từ các thần tích, truyền thuyết, huyền sử Việt Nam. Bởi vậy, trò chơi này tạo ra một cốt truyện với hệ thống nhân vật hoàn toàn giả tưởng, hư cấu.

Tranh luan ve tao hinh Ho Xuan Huong qua ho hang anh 2
Hình ảnh thẻ bài của Sử Hộ Vương.

Phương Thảo - thành viên thực hiện dự án Sử Hộ Vương - khẳng định: “Chúng tôi là những người rất yêu lịch sử, nếu không yêu thì không bao giờ chúng tôi làm một game card như này”.

Phương Thảo cho biết nhóm thực hiện đã phải tìm hiểu, dựa trên nhiều tư liệu lịch sử để tạo hình nhân vật. Thông qua các tài liệu lịch sử, các nhân vật được tạo ra với tính cách hình dáng, trang phục…

Về nhân vật Hồ Xuân Hương, Phương Thảo cho biết sở dĩ nhóm thực hiện đưa ra tạo hình nhân vật như vậy vì họ đã đọc qua các tác phẩm đậm mùi xuân tình, táo bạo của “bà chúa thơ Nôm”.

Sau khi có những ý kiến chỉ trích nhân vật Hồ Xuân Hương, nhóm đã đưa ra email để tiếp nhận góp ý của cộng đồng. “Chúng tôi sẽ dựa trên những góp ý của số đông cộng đồng, cân đối với ý tưởng mục đích để chỉnh sửa lại tạo hình các nhân vật cho phù hợp trước khi trò chơi ra mắt chính thức”, Phương Thảo nói.

Về phong cách vẽ, Phạm Vĩnh Lộc nói Sử Hộ Vương chỉ sử dụng nét vẽ như phương tiện để khơi gợi cảm hứng, để nếu ai thích nhân vật trong game có thể đi tìm hiểu thêm về nhân vật trong các tư liệu lịch sử.

“Chẳng hạn, nếu người xem thấy tạo hình Hộ quốc phu nhân thú vị thì có thể tìm đọc thêm Vũ trung tùy bút để tìm hiểu nhân vật đó là ai, trên thực tế là người như nào”, Phạm Vĩnh Lộc nêu ví dụ.

Bên cạnh các nhân vật có tạo hình fantasy, nhóm thực hiện cũng có những nhân vật với trang phục truyền thống Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm…

Trước những chỉ trích về tạo hình nhân vật của Sử Hộ Vương, Phạm Vĩnh Lộc nói: “Qua thời gian mọi người sẽ thấy mục đích thực sự của trò chơi này. Khi nội dung hé lộ dần dần thì mọi người sẽ thấy được toàn bộ. Chỉ vì một tạo hình mà đánh giá cả một trò chơi là không thỏa đáng”.

Thách thức với nhà quản lý

Dưới góc độ một người nghiên cứu, Tiến sĩ Trần Trọng Dương đưa ra những đánh giá về Sử Hộ Vương. Theo anh, Sử Hộ Vương là một lịch sử hay đúng hơn là một nhận thức lịch sử nằm giữa thực và hư, nằm giữa lịch sử và phi lịch sử, nằm giữa văn hóa và phản văn hóa, nằm giữa thuần Việt và lai căng, nằm giữa những luồng đạn hữu thức và vô thức.

“Đó là những giọt nước mắt của một nhóm người đang cố gắng tách mình ra khỏi một dòng nhận thức chính thống được quốc định, dù có thể bị đánh giá là lệch lạc nhưng tình yêu lịch sử là có thể có thật”, Trần Trọng Dương đánh giá.

Tranh luan ve tao hinh Ho Xuan Huong qua ho hang anh 3
Tạo hình một số nhân vật trong Sử Hộ Vương.

TS Trần Trọng Dương phân tích nhìn từ khía cạnh sự thực lịch sử, có những quan niệm được coi là chính thống thường cho rằng lịch sử là phải chính xác, thiêng liêng, bất khả xâm phạm, không được xuyên tạc, sáng tác, hư cấu, tưởng tượng, phóng tác dù ở bất kỳ hình thức nào, kể cả sáng tác nghệ thuật.

Nhưng điều thú vị của Sử Hộ Vương, về phương diện lý luận, rằng đây không phải là nghiên cứu lịch sử, cũng không phải sáng tác nghệ thuật. Đây là game giả tưởng (nó thiên về hư cấu, có khi còn hư cấu hơn cả tiểu thuyết).

"Các bạn muốn tưởng tượng ra Nguyễn Ánh, Gia Long nếu sống ở thời nay thì lên mạng như nào, lướt phây như nào, đánh trận ra sao, bình luận bằng giọng điệu xì tin như thế nào. Mong muốn ấy không phải là không có tham vọng”, TS Trần Trọng Dương nói.

Bởi vậy, TS Trần Trọng Dương cho rằng hiện tượng trò chơi Sử Hộ Vương đặt ra nhiều câu hỏi cho các nhà quản lý như: Giới hạn nào cho sự sử dụng biểu tượng lịch sử? Giới hạn nào để nó trở thành xuyên tạc lịch sử? Giới hạn nào cho lòng yêu lịch sử? Giới hạn nào cho việc sử dụng lịch sử với mục đích kiếm tiền và mục đích yêu nước?. 

Theo Nguyễn Khánh Dương - người sáng lập Comicola, trang cung cấp nền tảng kêu gọi gây quỹ cộng đồng cho Sử Hộ Vương - đây là một dự án gây quỹ khá thành công.

"Trước đây, nhóm thực hiện Sử Hộ Vương từng đi xin gọi vốn ở một cuộc thi, và không thành công. Nhưng khi crowdfunding (gây quỹ cộng đồng), các bạn ấy đã thu được 30% mục tiêu gọi vốn sau hơn 2 tuần (tới nay số tiền cộng đồng góp để thực hiện Sử Hộ Vương đã lên tới 250 triệu đồng)", Khánh Dương cho biết.

“Bất cứ sản phẩm nào ra cũng sẽ có người thích, và có người không thích. Không một ai có thể làm được một sản phẩm mà 100% mọi người đều thích cả. Thế nên, việc ý kiến phản đối dự án Sử Hộ Vương, tôi không ngạc nhiên và hoàn toàn hiểu được. Điều ngạc nhiên duy nhất của tôi là tốc độ ủng hộ nhanh hơn những gì tôi đoán từ đầu”, Khánh Dương nói.

“Những người phản đối Sử Hộ Vương, họ có cái lý của họ, và ý kiến của họ xứng đáng được tôn trọng. Nhóm làm dự án cần ghi nhận toàn bộ ý kiến của mọi người để có thể có sự điều chỉnh cần thiết. Thật may mắn, với mô hình crowdfunding, bạn chưa đưa sản phẩm sản xuất hàng loạt. Bạn có cơ hội để điều chỉnh sản phẩm và đảm bảo mọi thứ sẽ tốt lên”, Khánh Dương khẳng định.


Tần Tần

Bạn có thể quan tâm