Bùi Xuân Phái (1/9/1920-24/6/1988) là một trong “bộ tứ danh họa” thứ hai của nền hội họa Việt Nam. Cùng Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, danh họa Bùi Xuân Phái có ảnh hưởng sâu sắc tới lớp họa sĩ sau này.
Sáng tác nhiều đề tài từ chân dung, nông thôn, khỏa thân, tĩnh vật đến chèo, nhưng mảng tranh vẽ phố cổ của Bùi Xuân Phái vẫn được nhiều người yêu thích nhất. Thậm chí, nó còn tạo dựng thành phong cách riêng, được gọi là tranh “Phố Phái”.
Nhân kỷ niệm 34 năm ngày mất của danh họa Bùi Xuân Phái, hai cuốn sách phản ánh nhiều góc độ về tác phẩm cũng như kỷ niệm của ông ra mắt bạn đọc: Hội họa Bùi Xuân Phái và tôi (Trần Hậu Tuấn), Bùi Xuân Phái - Con mắt của trái tim (nhiều tác giả).
Sách Hội họa Bùi Xuân Phái và tôi (Trần Hậu Tuấn). Ảnh: NXB Trẻ. |
Tiềm thức giữa họa và thơ
Nhắc đến danh họa Bùi Xuân Phái, người yêu tranh nhớ ngay đến những bức vẽ phố vừa cổ kính, vừa hiện thực, thể hiện được hồn cốt phố cổ Hà Nội trong khoảng thời gian 1950-1970. Ở đó, họa sĩ gửi gắm những kỷ niệm, hoài cảm cùng nỗi buồn, tiếc nuối bâng khuâng trên từng nét vẽ.
Hội họa Bùi Xuân Phái và tôi gồm 12 tùy bút, kèm theo đó là nhiều tranh của Bùi Xuân Phái do nhà sưu tập tranh Trần Hậu Tuấn thực hiện biên soạn. Tác giả như mời chúng ta tham gia vào hành trình nghệ thuật rực rỡ mà mỗi trang sách đều ẩn chứa những điều thú vị, từ “Phố Phái” đến phong cảnh nông thôn, miền núi; từ phụ nữ khỏa thân, minh họa ý thơ Hồ Xuân Hương đến trừu tượng; từ Hà Nội, Đà Nẵng đến TP.HCM…
Mỗi giai đoạn, phong cách và chủ đề tranh của Bùi Xuân Phái đều được giới thiệu kèm một bài tùy bút đong đầy cảm xúc về tranh và cả bầu không khí của đối tượng mà người họa sĩ đang thể hiện. Có thể kể đến một số bức tranh tiêu biểu của danh họa này như Hà Nội mùa đông, Hà Nội đêm, Phố Phái và những suy tư, Khỏa thân - một hành trình mỹ cảm, Phong cảnh - Những chuyến đi thực tế…
Nhận xét về cuốn sách này, họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân viết: “Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn viết về tác phẩm của một trong những họa sĩ lớn nhất trong lịch sử trăm năm hội họa nước nhà, cũng là họa sĩ lớn nhất trong bộ sưu tập của mình. Qua các vùng chủ đề, thể loại, ta có một bản đồ mạch lạc toàn cảnh di sản hội họa đồ sộ, phong phú, còn nhiều bí ẩn chờ khám phá của Bùi Xuân Phái”.
Theo ông, điều tạo thêm sức hấp dẫn cho trang viết và sự đồng cảm của người đọc là các liên tưởng từ tiềm thức giữa họa và thơ, văn với nhạc. Người ta có thể dễ dàng làm giả bút pháp của Bùi Xuân Phái, nhưng không thể nhái lại nỗi buồn chân thực trong hồn các bức vẽ của ông.
Sách Bùi Xuân Phái - Con mắt của trái tim của nhiều tác giả. Ảnh: NXB Trẻ. |
Những góc nhìn về sự nghiệp, cuộc đời Bùi Xuân Phái
Tác giả Trần Hậu Tuấn viết về hội họa của Bùi Xuân Phái bằng cả niềm đam mê mà ông coi là định mệnh: “Hội họa Bùi Xuân Phái là những đường nét màu sắc được tổ chức từ sâu trong tiềm thức của ông rồi đưa lên mặt phẳng vẽ”.
Xét về tiềm thức đã tạo nên “Phố Phái”, Trần Hậu Tuấn lý giải cái đẹp trong tranh ông và cho rằng nhiều người không có gốc gác Hà Nội cũng sẽ yêu những địa danh như Hàng Phèn, Hàng Muối... vì đó là tên các bức tranh đầy cảm xúc của Bùi Xuân Phái.
Tác giả cũng phân tích bức tranh vẽ cảnh mưa của các danh họa trên thế giới. Chẳng hạn như những kiệt tác của Utagawa Hiroshige khi vẽ cảnh cơn mưa rào bất chợt trên cầu Shin-Ohashi trong bộ tranh khắc gỗ về hàng trăm cảnh quan nổi tiếng vùng Edo, hay cảnh mưa ở Shōno trong bộ 53 trạm dừng trên đường Tokaido. Đó là những cơn mưa rào nặng hạt bởi danh họa Hiroshige đã vẽ hàng loạt sợi mưa đan chéo, phủ kín mặt tranh với những bóng người hối hả chạy, rặng cây oằn mình dưới mưa.
Cảnh mưa ấy khác hẳn các bức vẽ phố Hà Nội mưa của Bùi Xuân Phái. Hình ảnh Hà Nội dưới cơn mưa của danh họa Bùi Xuân Phái không hề có những sợi mưa rơi. Thay vào đó là mặt đường ướt át, trở thành tấm gương phản chiếu những ngôi nhà vắng lặng cùng một bóng người lẻ loi.
Đặc trưng trong tranh của Bùi Xuân Phái còn được phân tích trong cuốn Bùi Xuân Phái - Con mắt của trái tim của 14 nhà nghiên cứu, phê bình, nhà sưu tầm tranh và giới văn, nghệ sĩ nổi tiếng.
Tuyển tập gồm 25 bài viết về hội họa Bùi Xuân Phái. Ở đó, mỗi người có một góc nhìn khác nhau về tranh và cuộc đời người “họa sĩ của phố cổ Hà Nội”.
Các bài viết đều được in kèm tranh của ông. Số lượng các bức tranh lên tới 165, in màu rực rỡ chẳng khác nào một bộ sưu tập thực sự cho triển lãm ngoài đời thật.
Cùng viết về người họa sĩ tài danh này, các tác giả đều dụng ý đặt tiêu đề cho bài viết của mình bằng những cụm từ liên quan đến Bùi Xuân Phái. Có thể kể đến một số bài viết như: Phố Phái (Văn Cao), Một bảng màu Hà Nội (Thái Bá Vân), Có một thế giới Phái (Dương Tường), Phố Phái - Phố thứ 37 của Hà Nội (Nguyễn Thụy Kha)...
Những bài viết trong tập sách này không chỉ bàn về tranh của Bùi Xuân Phái, mà còn chia sẻ một số khía cạnh đời thường qua cảm nhận của những người có cơ hội gần gũi với ông.
Theo nhà văn Nguyễn Tuân, chưa mấy ai nghe Bùi Xuân Phái tuyên ngôn về trường phái hội họa. Sổ tay của Bùi Xuân Phái “ghi và ghi những nét của vật của việc của người lúc động lúc sững lại”.
Trong khi đó, nhà phê bình người Mỹ Jeffrey Hantover cho rằng những bức tranh của Bùi Xuân Phái “giấu sự tinh vi của chúng đằng sau một sự giản dị, dễ thương về phong cách và chủ đề. Sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, tranh ông có thêm màu đỏ, xanh lơ, tía nhưng sắc điệu bao trùm vẫn là nâu, xám, trắng xám”.