Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

INFOCUS

Quyết định 'sống khác' để ngăn Covid-19 ở TP.HCM

"Tinh thần là trong 2 tuần tới, thành phố sẽ sống khác, tiết kiệm hơn, ít đi lại hơn, giám sát tốt để góp phần cùng cả nước tránh bùng phát dịch", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.

"Tinh thần là trong 2 tuần tới, thành phố sẽ sống khác, tiết kiệm hơn, ít đi lại hơn, giám sát tốt để góp phần cùng cả nước tránh bùng phát dịch. Trong cuộc chiến chống Covid-19, khổ trước thì sướng sau và ngược lại", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.

Đến 14h ngày 27/3, Việt Nam ghi nhận 153 người nhiễm Covid-19, trong đó, riêng TP.HCM có 37 người mắc virus corona (3 người đã khỏi bệnh, xuất viện).

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhận định 2 tuần tới là giai đoạn quyết định của "cuộc chiến" chống Covid-19.

Nguy cơ tăng ca bệnh từ lây nhiễm chéo

Lo ngại lây nhiễm chéo Covid-19 ở TP.HCM xuất phát từ ca bệnh số 45, phát hiện vào ngày 13/3. Người này cùng với bệnh nhân 48 và 65 sau đó được xác định cùng có liên quan đến trường hợp số 34 ở Bình Thuận.

Lúc đó, nhiều lo ngại về sự lây lan từ bệnh nhân 34 có khả năng gia tăng ca nhiễm ở TP.HCM. Tuy nhiên, đến nay chưa ghi nhận thêm trường hợp dương tính nào lây từ doanh nhân số 34 ở Phan Thiết.

Nguồn lây thứ 2 ở TP.HCM là từ bệnh nhân số 61 ở Ninh Thuận - ông B.T.T. (trú tại thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam). Người này đi lễ ở Malaysia và mang theo mầm bệnh trở về.

Tại TP.HCM, lần lượt là các bệnh nhân số 64 (nữ) và bệnh nhân 100 (nam, cùng ngụ quận 8) nhiễm bệnh sau chuyến đi cùng với ông T. Đặc biệt, bệnh nhân số 100 khi được hướng dẫn tự cách ly tại nhà có đi lễ 5 lần/ngày tại Thánh đường Hồi giáo Jamiul Anwar - số 157B/9 Dương Bá Trạc, phường 1, quận 8.

dich Covid-19 o TP.HCM anh 1

Phố Bùi Viện vắng vẻ sau lệnh đóng cửa hàng quán. Ảnh: Y Kiện.

Ngay sau đó, Thánh đường này cùng nhiều hộ dân gần đó bị phong tỏa. UBND quận 8 đã vận động 129 người liên quan đi cách ly tập trung, đề nghị người thân của họ tự cách ly tại nhà.

Một nguồn lây nhiễm tiếp sau đó là từ bệnh nhân số 91 - nam phi công người Anh của hãng Vietnam Airlines. Trong lịch trình di chuyển của người này, anh ta có ghé đến quán bar Buddha (số 7 đường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM).

Sau đó, 7 người khác từng đến quán bar này bị lây Covid-19. Họ là ca bệnh số 97, 98, 120, 124, 126, 125, 127. Tối 26/3, hai bệnh nhân 151 (tiếp xúc với BN124), 152 (chị gái của BN127) được xác định nhiễm Covid-19. Như vậy, số người nhiễm virus corona liên quan đến quán bar này hiện là 11.

Ngoài ra, 98/155 người từng tham dự buổi tiệc này đã được lấy mẫu xét nghiệm và khả năng sẽ còn người khác dương tính với Covid-19.

Nguy cơ tiềm ẩn khác làm lây lan dịch Covid-19 ở thành phố là huyện Bình Chánh. Hơn 50 cán bộ y tế của Bệnh viện huyện Bình Chánh phải đi cách ly tập trung do trước đó có tiếp xúc với người nhà của một ca dương tính với virus corona trong một đám tang.

Sự việc xuất phát từ anh H.T.H. (du học sinh Mỹ, 26 tuổi, ngụ xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh), cũng chính là ca bệnh số 142. Ngày 10/3, anh H. đáp máy bay về Tân Sơn Nhất. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân đã đến thăm người nhà tại Bệnh viện Bình Dân, Lãnh sự quán Mỹ và đã tiếp xúc một số cán bộ làm công tác khai báo tạm trú tại xã Tân Túc, huyện Bình Chánh.

Ngày 23/3, ông nội của H. (cha của Phó khoa Khám bệnh Bệnh viện huyện Bình Chánh) qua đời nên cán bộ y tế của bệnh viện đã tới viếng. Thời điểm này, anh H. cũng có mặt và tiếp xúc gần với những người thân trong gia đình.

dich Covid-19 o TP.HCM anh 2

Bên cạnh đó, cũng như tình trạng dịch bệnh của cả nước, đa phần những bệnh nhân ở TP.HCM từ các chuyến bay ở nước ngoài trở về, trong đó phổ biến là Anh, Pháp. Hiện những người này được cách ly điều trị.

Ngoài ra, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh phân tích sự di chuyển dịch bệnh từ Bắc vào Nam cũng là nguy cơ lây nhiễm virus. Theo thông tin từ Chủ tịch Hà Nội về "ổ dịch" Bệnh viện Bạch Mai, trong 3 tuần qua đã có rất nhiều người có nguy cơ mang theo mầm bệnh sang nhiều tỉnh thành, trong đó có TP.HCM.

Hành động quyết liệt

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND TP.HCM đã ra chỉ đạo khẩn tạm đóng cửa các khu vui chơi giải trí, quán bia, nhà hàng (công suất phục vụ 30 người trở lên), câu lạc bộ bi-a, thể hình, cơ sở làm đẹp... từ 18h ngày 24/3 đến hết ngày 31/3. Hàng loạt nhà hàng, quán bia trên địa bàn TP.HCM đã chấp hành nghiêm chỉnh.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân ra chỉ thị từ ngày 27/3, người dân ra đường bắt buộc phải đeo khẩu trang. Người không thực hiện sẽ bị cưỡng chế đeo và lập biên bản xử phạt hành chính.

Ông nói hai nước đang kiểm soát dịch tốt nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản, trong khi tại Mỹ và châu Âu, dịch đang có chiều hướng ngày càng lan rộng hơn. Bí thư Thành ủy TP.HCM chỉ ra 2 điểm khác biệt chính trong chính sách phòng, chống dịch của các nước này.

Thứ nhất, châu Âu và Mỹ là các nước khá chậm trong ra lệnh hạn chế đi lại nhằm ngăn sự xâm nhập tình hình dịch bệnh từ bên ngoài. Ngược lại, Hàn Quốc và Nhật Bản thực hiện khá sớm.

Thứ hai, Mỹ và châu Âu có văn hóa không đeo khẩu trang khi ra đường, người đeo khẩu trang bị coi là nhiễm bệnh, trong khi Nhật và Hàn không như vậy.

Từ bài học trên, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mang khẩu trang và yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố có chỉ thị bắt buộc người dân, khách du lịch đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

dich Covid-19 o TP.HCM anh 3

Song song đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu tạm dừng các phương tiện vận tải hành khách như xe buýt, xe khách liên tỉnh trong thời gian 2 tuần. Các phương tiện vận tải công nghệ ngoại trừ các xe giao hàng cũng cần xem xét hạn chế hoạt động.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng đề nghị Sở GTVT kiến nghị Cảng vụ Hàng không và Bộ GTVT có biện pháp hạn chế hành khách quốc nội tới Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, số lượng du khách đến TP.HCM bằng đường sắt cũng cần kiểm soát chặt chẽ.

Ông Phong yêu cầu UBND các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn không để diễn ra tình trạng tụ tập đông người, tăng nguy cơ lây nhiễm chéo dịch Covid-19. Theo đó, những nhóm tụ tập trên 20 người nơi công cộng và 10 người tại trường học, công sở sẽ bị xử lý nghiêm.

Thành phố cũng khuyến cáo người dân hạn chế việc tập trung đông người tại các đám hiếu, hỷ, giỗ, liên hoan sinh nhật; khuyến khích người dân ở nhà, làm việc, học tập trực tuyến... Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự tạm ngưng các hoạt động có tập trung đông người.

Tại buổi họp giao ban trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 26/3, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhận định nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, không có thu nhập để trả lương, ảnh hưởng rất lớn đến người lao động.

Trước thực trạng đó, ông cho biết ngày 25/3, Thường vụ Thành ủy đã họp và thống nhất các cán bộ, công chức sẽ giảm một nửa phần thu nhập tăng thêm năm nay, dành phần đó hỗ trợ cho người lao động mất thu nhập.

"Có 600.000 người ở thành phố mất thu nhập do ảnh hưởng của dịch. Theo chúng tôi ước tính nếu lấy một nửa thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức sẽ đủ hỗ trợ 600.000 người lao động với mức 1 triệu/tháng", ông Nhân nói.

"Thời điểm này, mỗi người dân là một chiến sĩ trong cuộc chiến chống Covid-19. TP.HCM sẽ nỗ lực bằng mọi giá để số trường hợp dương tính dưới 150 người", Chủ tịch TP.HCM kêu gọi.

Phố phường ở TP.HCM và Hà Nội vắng vẻ sau 19h

19h, nhiều cửa hàng ở TP.HCM và Hà Nội đã khoá cửa, tắt đèn. Đường phố thưa thớt người tham gia giao thông, các tụ điểm ăn chơi không còn ai.

Hoài Thanh

Đồ họa: Nhân Lê

Bạn có thể quan tâm