Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến. Ảnh: TTXVN. |
Sách Điện Biên Phủ, 13/3-7/5/1954 của tiến sĩ Ivan Cadeau - nhà sử học chuyên nghiên cứu chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Đông Dương; Phó tổng biên tập Tạp chí lịch sử quân đội Pháp - là cuốn sách thứ 11 trong tuyển tập các tác phẩm về lịch sử các chiến dịch lớn trên thế giới của nhà xuất bản Tallandier, Pháp (Bản dịch tiếng Việt do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước thực hiện).
Thất bại không thể phủ nhận của quân đội Pháp
Cuốn sách viết về một giai đoạn lịch sử quan trọng của cuộc chiến tranh Đông Dương, đem đến cho người đọc những thông tin về bối cảnh, diễn biến các trận đánh từ ngày 13/3 đến 7/5/1954 tại Điện Biên Phủ dẫn đến việc các đơn vị Pháp phải rút khỏi Đông Dương.
Trong cuốn sách, với việc khai thác những tài liệu lưu trữ của Pháp chưa từng công bố tại Việt Nam và các thông tin, hồi ký từ nhiều nhân chứng lịch sử, gồm cả các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, chính khách, Ivan Cadeau không chỉ dựng lại hiện thực chiến dịch của những người ở bên kia chiến tuyến, mà còn chỉ ra thất bại không thể phủ nhận của quân đội Pháp trước một đối thủ dũng cảm, phải hi sinh rất nhiều xương máu để chiến thắng.
Theo Ivan Cadeau, có nhiều yếu tố làm nên chiến thắng của Việt Minh tại Điện Biên Phủ. Đầu tiên phải kể đến là sự tài tình của Chính phủ Việt Nam trong việc huy động mọi nguồn lực, sức mạnh của toàn dân và toàn quân. Tiếp đó là Bộ tham mưu của Việt Minh thực hiện các chiến lược và tổ chức các đợt tiến công rất linh hoạt khiến cho Pháp không thể đoán định được.
Một điểm nữa dù bị hạn chế về vũ khí, khí tài quân sự nhưng Việt Minh sử dụng chúng rất hiệu quả. Dưới sự chỉ đạo tài tình của tướng Giáp, Việt Minh còn có chiến lược rất thông minh, quyết định quốc tế hóa cuộc chiến tranh khi chuyển hướng tiến công sang Lai Châu và Lào. Việc làm này đã khiến lực lượng của Pháp bị phân tán đi nhiều địa điểm khác nhau.
Đặc biệt, theo Ivan Cadeau quyết định sáng suốt và khó khăn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” thành “đánh chắc, tiến chắc” (được và Bộ Tổng tham mưu Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh chấp thuận) là thành tố quyết định thắng lợi của Việt Minh tại Điện Biên Phủ.
Nhà sử học Pháp Ivan Cadeau. Ảnh: MC. |
Quyết định sáng suốt có ý nghĩa quyết định
Trong cuốn sách, Ivan Cadeau đã miêu tả bối cảnh dẫn đến hình thành thế trận giữa Pháp và Việt Nam tại Điện Biên Phủ, cũng như quá trình đi đến quyết định đầy trách nhiệm, cũng là “quyết định khó khăn nhất” trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông cho biết, ngay từ đầu tháng 10/1953, Tổng quân ủy Quân đội Việt Nam đã xác định chiến dịch chủ lực là Tây Bắc với các mục tiêu là Lai Châu, khu vực Trung và Hạ Lào.
Ngày 20/11/1953, Tướng Navarre cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và nhanh chóng biến vùng đất này thành một tập đoàn cứ điểm cực mạnh.
Ngày 03/12/1953, trước sự thay đổi tình hình, Tướng Navarre quyết định chấp nhận giao chiến ở Điện Biên Phủ.
Cuối tháng 1/1954, các đơn vị chính quy của Việt Minh đã xây dựng các công sự vững chắc trong các khu vực xung quanh tập đoàn cứ điểm sẵn sàng cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tác giả sách cũng cho biết, bằng những cố gắng phi thường, các lực lượng của Việt Minh đã kéo những khẩu pháo đại bác nòng cỡ 105 li lên các sườn núi đối diện với tập đoàn cứ điểm của Pháp, đào đất và ngụy trang chúng một cách hoàn hảo.
Từ giai đoạn này của chiến dịch, Ban tham mưu của Việt Minh với sự nhất trí các cố vấn Trung Quốc hiện diện tại đây đều ủng hộ cuộc tấn công bất ngờ vào tập đoàn cứ điểm. Để tất cả thấm nhuần quan điểm này, Bộ chỉ huy chiến dịch đã đưa mệnh lệnh cho các đơn vị: “Tấn công chớp nhoáng, chiến thắng nhanh chóng”. Ngày giờ tấn công được ấn định là lúc 17h ngày 25/1/1954.
Về phía Pháp, nhờ việc bắt giữ được một lính chiến đấu của Sư đoàn 312, cũng như giải mã các cuộc nghe lén, Ban chỉ huy biết rõ kế hoạch này. Ngay lập tức Tướng Giáp quyết định lùi một ngày tấn công.
Vào thời điểm này, tâm lý quân lính của cả hai bên đều rất lên cao và sẵn sàng kết thúc giai đoạn chờ đợi lâu. Tuy nhiên, ngày 26/01/1954, Tướng Giáp đột ngột hủy lệnh tấn công và thay đổi phương châm tác chiến, từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
Quyết định này là quyết định khó khăn nhất trong đời như chính Đại tướng thổ lộ sau này, theo Ivan Cadeau nó xuất phát từ hai lý do.
Thứ nhất, dường như Việt Minh đã đánh giá hơi thấp sức mạnh thực sự của cứ điểm, đồng thời nhận ra được nhược điểm và lỗ hổng trong việc chuẩn bị chiến dịch.
Lượng đầu đạn súng cối mà Việt Minh có được (nhất là những khẩu pháo 105 li) vào thời điểm này không cho phép yểm trợ lâu dài các đợt xung kích của bộ binh và rất nhanh chóng, các khẩu pháo được âm thầm rút ra do thiếu đạn dược.
Lý do thứ hai, Tướng Giáp tính đến khía cạnh của chính trị. Ông biết rằng ngày 25/01/1954, một hội nghị gồm Pháp, Mỹ, Anh và Liên Xô sẽ được mở ra ở Berlin, để xác định lại quy chế và vị trí của một nước Đức tương lai. Ông cũng biết rằng tại Pháp, xuất hiện một luồng dư luận mạnh mẽ ủng hộ hòa bình ở Đông Dương, ở Paris, một số lãnh đạo hy vọng việc giải quyết sẽ được thảo luận tại hội nghị này.
Lý giải thêm lý do thứ hai này, Ivan Cadeau đã dẫn thêm giả thuyết của tác giả Piere Rocelle, cho rằng Việt Minh hoãn sự tấn công vì sợ hứng chịu thất bại trước các cuộc thảo luận được mở ra, thất bại có thể gây ra những hậu quả tinh thần tâm lý ở Đông Dương cũng như trên thế giới.
Tuy nhiên, theo Ivan Cadeau với mệnh lệnh mới được đưa ra “đánh chắc tiến chắc”, trong giai đoạn đầu, Việt Minh đã chiếm lĩnh được những cao điểm ở phía Bắc, sau đó chiếm các quả đồi ở phía Đông khu Mường Thanh, đánh chiếm sân bay và bắt đầu hạn chế tiếp tế của Pháp, rồi đi đến toàn thắng. Trong cuốn sách, Ivan Cadeau đã mô tả chi tiết diễn biến của từng đợt tấn công của quân Việt Minh vào các cứ điểm, khiến quân đội Pháp nhiều lần khiếp sợ và hỗn loạn.
Tóm lại, qua góc nhìn khách quan của một nhà sử học người Pháp, chúng ta càng thấy sự lựa chọn phương án tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” thay thế cho phương án tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là quyết định sáng suốt, có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng