Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quyết định rời EU gây chấn động với thế giới

Thông tin nước Anh chọn rời EU gây ra tình trạng bàng hoàng ở nhiều nơi và kéo theo nhiều phản ứng trái chiều.

Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Anh về việc rời khỏi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) cho thấy số người ủng hộ Anh ra đi chiếm 52% so với 48% số người muốn ở lại. Theo kết quả cuối cùng, số người ủng hộ Anh rời EU là 17,4 triệu, cao hơn 4% so với 16,1 triệu người chọn việc ở lại với khối. 

Thông tin nước Anh chọn rời EU kéo theo nhiều phản ứng trái chiều. Bà Marine Le Pen, thủ lĩnh đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Pháp, ca ngợi "chiến thắng của Brexit" và kêu gọi trưng cầu dân ý ở EU. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức nói rằng: "Hôm nay là một ngày buồn cho EU, cho nước Anh".

Anh roi EU anh 1
Người dân Anh bỏ phiếu rời EU sau 43 năm. Ảnh: New York Times

Thủ tướng Anh David Cameron hôm nay tuyên bố ông sẽ từ chức vào tháng 10 tới, sau quyết định Anh rời khỏi EU. 

"Tôi không nghĩ việc tôi là thuyền trưởng chèo lái đất nước đến đích tiếp theo sẽ là điều đúng đắn", Reuters dẫn lời ông Cameron khi trả lời phóng viên. 

Theo USA Today, Mỹ thận trọng đưa ra phản ứng trước quyết định Anh rời EU trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử. Trong thông cáo ngày 24/6, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Barack Obama đã được thông báo về kết quả của cuộc bỏ phiếu và đội ngũ cố vấn sẽ tiếp tục cập nhật tình hình.

"Chúng tôi hy vọng Tổng thống Obama sẽ có cơ hội trò chuyện với Thủ tướng Anh David Cameron về vấn đề này trong ngày mai. Chúng tôi sẽ đưa ra bình luận khi thích hợp", thông cáo viết. 

Trước đó, trong chuyến thăm London hồi tháng 4, ông Obama từng bày tỏ lo ngại rằng việc Anh rời khỏi EU có thể khiến phương Tây suy yếu. Theo tổng thống, các vấn đề như khủng bố, di cư và suy giảm kinh tế có thể được giải quyết thành công với sự tham gia của Anh trong EU. Ông đồng thời nhấn mạnh cuộc trưng cầu dân ý là mối quan tâm sâu sắc của Mỹ bởi "nó cũng ảnh hưởng đến tương lai của chúng tôi".

Trong khi đó, hãng tin Tass dẫn lời Thứ trưởng Tài chính Nga Alexei Moiseev cho biết việc người dân Anh bỏ phiếu rời EU không đặt ra các nguy cơ nghiêm trọng với Nga, nhưng nó sẽ làm giảm khả năng chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư. 

Phát biểu tại Scotland, ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hoà Donald Trump nói rằng kết quả bỏ phiếu rời EU của Anh "thật bất ngờ". "Đây là một cuộc bỏ phiếu không tưởng vì mọi người đều đang tức giận", Trump nói.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay cho biết Bắc Kinh tôn trọng lựa chọn này. Phát biểu trong buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh rằng một châu Âu thịnh vượng là mối quan tâm của tất cả các bên. Trung Quốc sẵn sàng duy trì hợp tác với Anh và hoàn toàn tin tưởng vào quan hệ Trung Quốc - EU. 

Theo kết quả bỏ phiếu, Anh đã "dứt tình" với Liên minh châu Âu sau 43 năm gắn bó. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhận định việc Anh quyết định rời khối là điều "không thể thay đổi". Ông cho rằng điều này sẽ thúc đẩy khối trong việc giải quyết bất đồng với các nước khác. 

Anh roi EU anh 2
Nhóm ủng hộ rời đi phấn khích sau khi biết kết quả trưng cầu dân ý. Ảnh: Reuters

"Sự không hài lòng mà bạn thấy ở Anh cũng hiện diện ở nhiều quốc gia khác, bao gồm cả Hà Lan. Đây sẽ là nhân tố thúc đẩy cải cách hơn nữa", ông nhấn mạnh. 

Theo Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni, việc Anh rời đi là cú hích để EU đưa ra những thay đổi nhằm thúc đẩy tương lai của khối. 

"Về phương diện chính trị, đây là khoảnh khắc chúng ta không thể đứng yên một chỗ. Quyết định của người dân Anh sẽ là một hồi chuông thức tỉnh", Ngoại trưởng Gentiloni nhận định. 

Tổng thống Pháp Francis Hollande đã thảo luận với Thủ tướng Đức Angela Markel và dự kiến sớm ra tuyên bố về vấn đề này. Thứ trưởng Tài chính các nước thuộc nhóm G7 sẽ tổ chức một cuộc thảo luận về cuộc bỏ phiếu của Anh vào lúc 11h giờ GMT (tức 18h giờ Hà Nội).

Trong khi đó, Thủ tướng Áo Christian Kern khẳng định không lo ngại về hiệu ứng domino sau khi Anh rời EU và sẽ không có cuộc trưng cầu dân ý nào tại quốc gia này.

Chủ tịch nghị viện châu Âu Martin Schulz hy vọng các cuộc thảo luận về việc Anh rời khỏi khối sẽ sớm bắt đầu. "Vương quốc Anh đã lựa chọn con đường đi cho riêng mình. Tôi nghĩ rằng dữ liệu kinh tế sáng nay cho thấy sẽ là một con đường khó khăn. Tôi hy vọng các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu nhanh chóng", ông nói. Theo AP, nghị viện châu Âu đã kêu gọi tổ chức phiên họp đặc biệt vào ngày 28/6.

Anh chọn rời EU: Kẻ cười, người khóc

Sau kết quả cuộc trưng cầu ngày 24/6, những người ủng hộ Anh ở lại EU thực sự thất vọng và hoang mang trước tương lai của đất nước, trong khi nhóm ủng hộ rời đi trở nên phấn khích.

 

Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm