Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quyền năng kết nối của thơ ca

Trong bài diễn từ nhận giải thưởng Cikada, nhà thơ Mai Văn Phấn cho rằng, thơ ca bằng vẻ đẹp và có quyền năng gắn kết những tâm hồn đồng điệu.

Tối 1/12, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lễ trao giải thưởng văn học Cikada 2017 cho nhà thơ Mai Văn Phấn diễn ra trang trọng. Tham dự buổi lễ là Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Cikada, đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng đông đảo nhà thơ, nhà văn, bạn đọc tới tham dự.

Trong bài phát biểu nhận giải của mình, nhà thơ Mai Văn Phấn nhấn mạnh tính kết nối của thi ca. Zing.vn xin trích đăng một phần bài phát biểu này.

Cikada,  Thuy Dien,  Van Mieu anh 1
Nhà thơ Mai Văn Phấn (phải) nhận giấy chứng nhận và hoa từ ông Lars Vargo - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo giải thưởng Cikada.

Tôi vui mừng và cũng bất ngờ khi nhận được thư của nhà thơ - tiến sĩ Lars Vargö, Chủ tịch Ban Giám khảo giải thưởng Cikada báo tin tôi đoạt giải năm nay. Trước đó, tôi thật khó hình dung không gian thơ riêng biệt, thậm chí có phần dị biệt của tôi có thể chạm tới trái tim bạn đọc ở những địa tầng văn hóa, chính trị khác. Phải chăng thơ ca, với quyền năng và vẻ đẹp tinh khôi của nó luôn đủ sức dẫn dụ, gắn kết những tâm hồn đồng điệu dù ở bất kỳ đâu trên hành tinh này. 

Khoảng mười năm gần đây tôi ít khi xa nhà, hàng ngày hầu như chỉ qua lại với lối ngõ nhỏ và những cảnh quan quen thuộc của mình. Tôi kết nối được với thế giới và biết được từng cơn dư chấn bên ngoài chủ yếu thông qua chiếc máy tính cá nhân. Từng đợt sóng của những cơn dư chấn ấy đã dội vào tôi, thôi thúc tôi không ngừng sáng tạo. Bằng cảm xúc và năng lượng cá nhân, tôi biết nhìn những điều tưởng như đơn giản, lặp đi lặp lại, thậm chí vặt vãnh trong đời sống hàng ngày qua lăng kính của một đứa trẻ.

Chứng kiến những biến động khôn lường của đời sống xã hội, của môi trường sinh thái bị hủy hoại, của trật tự thế giới bị đảo lộn... Tôi khao khát một xã hội công bằng, bác ái, không có áp bức, con người được tôn trọng, được tự do, được hưởng hạnh phúc, được sống trong môi trường thiên nhiên trong sạch... 

Song hành với đời sống nhân loại, thơ ca ngày một hiện đại hơn trong cách thức biểu đạt và đa dạng hơn về quan niệm thẩm mỹ. Thơ đã góp phần quan trọng làm nên thế giới tinh thần đẹp đẽ của con người. Cõi thơ ấy cảm hóa, liên thông tâm hồn nhà thơ với bạn đọc. Và thơ chỉ trường tồn, sinh sôi với những người thủy chung, say đắm nó.

Ngược lại, với những ai đứng ngoài từ trường đặc biệt ấy, thơ không hề tồn tại. Nhà thơ có được tứ thơ hay, thực sự là một mối duyên. Càng hạnh phúc hơn khi mối duyên ấy được hòa đồng cùng khát vọng của con người tiến bộ, dũng cảm đấu tranh để bảo vệ đời sống con người, vì mọi người. 

Cikada,  Thuy Dien,  Van Mieu anh 2
Nhà thơ Mai Văn Phấn nhận kỷ niệm chương của giải thưởng, mang biểu tượng con ve sầu (trong tiếng Thụy Điển "Cikada" là con ve sầu).

Trong thông cáo báo chí của nhà thơ - tiến sĩ Lars Vargö, Chủ tịch Ban giám khảo có nêu: “Giải Cikada được trao cho các nhà thơ Đông Á, nơi cảm quan thơ ca của họ chỉ ra tính bất khả xâm phạm của đời sống. Tôi thực sự tâm đắc với nhận định này và rất hạnh phúc khi biết rằng, giải thưởng Cikada được sáng lập năm 2004 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Harry Martinson, nhà thơ đoạt giải Nobel Văn học năm 1974. 

Thơ H. Martinson cũng như thơ của các nhà thơ lớn của Thụy Điển như Karin Boye (1900-1941), Artur Lundkvist (1906-1991), Gunnar Ekelöf (1907-1968), Edith Södergran (1892-1923), gần đây nhất là Tomas Tranströmer (1931-2015) có sự hòa quyện giữa minh triết, sự chính xác của thơ phương Tây với thế giới tâm linh huyền hoặc, thẳm sâu của phương Đông. 

Nhân đây, tôi xin dẫn một đoạn thơ trong bài Cánh bướm của H. Martinson (Nguyễn Hoàng Diệu Thủy dịch) để minh chứng: 
“Trăng lên, xa lắc. Tôi không sợ hãi
Tôi nghe từng ánh trăng 
Đôi mắt tôi kéo màng bảo vệ
Hạt sương dán đôi cánh tôi dấp dính
Tôi đậu trên cây tầm ma”

Qua đoạn thơ trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy cách thiết lập không gian đa chiều cùng những thủ pháp đồng hóa các thi ảnh của H. Martinson khá gần gũi và có phần tương đồng với thi pháp của các nhà thơ châu Á như Sô Sakon (Nhật Bản), Bắc Đảo (Trung quốc), Ko Un và Shin Kyong-Rim (Hàn quốc), cũng như một số nhà thơ Việt Nam theo khuynh hướng cách tân hiện nay.

[...]

Nếu so sánh với những loại hình nghệ thuật khác, thơ luôn bị hạn chế và chịu sự ràng buộc bởi rào cản ngôn ngữ mỗi khi tìm đến một quốc gia khác. Dĩ nhiên, ngôn ngữ mỗi dân tộc đều tiềm ẩn những vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt, và cũng chính điều đó đã góp phần tạo nên thần thái, bản sắc độc đáo cho nền thơ của dân tộc đó. 

Giải Cikada được sáng lập năm 2004, được trao cho các nhà thơ Đông Á, nơi "cảm quan thơ ca của họ chỉ ra tính bất khả xâm phạm của đời sống". 

Giải thưởng được thành lập để tưởng niệm Harry Martinson - tác giả người Thụy Điển đoạt giải Nobel Văn học năm 1974. Tên giải thưởng lấy theo tên tập thơ Cikada của Harry Martinson. 

Mai Văn Phấn đạt giải thưởng Cikada 2017 của Thụy Điển

Nhà thơ Mai Văn Phấn là người Việt Nam thứ hai dành giải thưởng thơ của Thụy Điển có tên Cikada, nhận phần thưởng 54 triệu đồng.

Tần Tần

Bạn có thể quan tâm