Hàng nghìn tỷ đồng này đến từ sự chung tay đóng góp, ủng hộ của 360.857 cá nhân và tổ chức trong, ngoài nước.
Đến nay, ban quản lý quỹ chỉ còn ghi nhận 19 đơn vị, tổ chức cam kết chi ủng hộ nhưng chưa chuyển tiền hoặc mới chuyển một phần. Tổng số tiền còn thiếu là 145,98 tỷ đồng.
Tính theo số ban quản lý công bố, tổng số tiền quỹ vaccine phòng chống Covid-19 được cam kết tài trợ, ủng hộ đã là gần 8.191 tỷ đồng. Như vậy, đã có hơn 98% số tiền các cá nhân, tổ chức cam kết tài trợ, ủng hộ quỹ vaccine Covid-19 được chuyển về tài khoản quỹ.
Bên cạnh đó, số đóng góp của các cá nhân qua tin nhắn tổng đài 1408 cũng đã ghi nhận trên 110,26 tỷ đồng, thông qua hơn 2,48 triệu tin nhắn.
Mới đây, Ban quản lý quỹ ra mắt thêm cổng thông tin điện tử của quỹ vaccine phòng chống Covid-19 (quyvacxincovid19.gov.vn) để kêu gọi nhiều hơn nữa các cá nhân, tổ chức tham gia ủng hộ.
Toàn bộ số tiền quỹ huy động được sẽ dùng để mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho người dân.
Theo tính toàn từ Bộ Y tế và Bộ Tài chính, để đạt miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần có khoảng 150 triệu liều vaccine Covid-19 để tiêm cho khoảng 75 triệu dân (mỗi người 2 liều). Ước tính, tổng kinh phí cần sử dụng để mua vaccine và tiêm là hơn 25.200 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách trung ương bảo đảm cho các đối tượng do trung ương quản lý và hỗ trợ các địa phương khó khăn khoảng 16.000 tỷ đồng, còn lại ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ.
Đến nay, sau gần một tháng kêu gọi cá nhân, tổ chức tham gia đóng góp quỹ vaccine phòng chống Covid-19, quỹ đã huy động được 89% số tiền cần huy động.
Thậm chí, mới đây, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước kiêm Giám đốc Ban quản lý quỹ vaccine phòng chống Covid-19, còn cho biết khả năng trong thời gian tới, tổng số tiền quỹ vaccine Covid-19 có thể huy động sẽ tới trên dưới 10.000 tỷ đồng.