Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quy trình kỷ luật tiếp theo với ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long

Sau khi bị Trung ương khai trừ Đảng, ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh sẽ chịu hình thức kỷ luật về hành chính tương ứng. Thẩm quyền kỷ luật thuộc về Quốc hội và HĐND Hà Nội.

Tại kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương chiều 6/6, Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với 2 ủy viên Trung ương đương nhiệm, đó là ông Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Y tế) và ông Chu Ngọc Anh (Chủ tịch Hà Nội, nguyên Bộ trưởng KH&CN).

Đồng thời, với quyết định kỷ luật được ban hành, Trung ương yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính theo đúng quy định đối với cá nhân đã bị kỷ luật Đảng.

Quy trinh ky luat voi ong Chu Ngoc Anh va Nguyen Thanh Long anh 1

Ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế. Ảnh: Hoàng Hà.

Trường hợp của ông Nguyễn Thanh Long, hiện giữ chức Bộ trưởng Y tế, là đại biểu Quốc hội khóa XV - đều thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Với chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế mà ông Long đang nắm giữ, đây là chức vụ do Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng. Vì vậy, theo Luật Tổ chức Quốc hội, Thủ tướng sẽ trình Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm hoặc cách chức bộ trưởng đối với ông Nguyễn Thanh Long.

Về “vai” đại biểu Quốc hội, Điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 cũng nêu rõ đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.

Trình tự bãi nhiệm đại biểu Quốc hội được quy định tại Điều 41 Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 102/2015/QH13.

Theo đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội. Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội, sau đó Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Quốc hội sẽ thành lập Ban kiểm phiếu và tiến hành bãi nhiệm đại biểu Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bãi nhiệm.

Quy trinh ky luat voi ong Chu Ngoc Anh va Nguyen Thanh Long anh 2

Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Hà Nội, nguyên Bộ trưởng KH&CN. Ảnh: Hoàng Hà.

Đối với trường hợp của ông Chu Ngọc Anh, ông được HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI bầu giữ chức Chủ tịch UBND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026 tại kỳ họp thứ nhất, ngày 23/6/2021.

Do đó, theo thẩm quyền, HĐND thành phố Hà Nội sẽ tiến hành họp để miễn nhiệm chức vụ này. HĐND thành phố Hà Nội cũng đã thông báo tổ chức kỳ họp thứ 6 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, quyết định công tác nhân sự chiều 7/6.

Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch HĐND, phó chủ tịch HĐND, trưởng ban, phó trưởng ban của HĐND tỉnh, chánh văn phòng HĐND tỉnh.

HĐND địa phương cũng có thẩm quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND và các ủy viên UBND tỉnh; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm hội thẩm TAND tỉnh.

Theo kết luận của Bộ Chính trị tại cuộc họp hôm 4/6, vi phạm của ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước”.

Bộ Chính trị xác định ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương.

Vi phạm của hai ông còn ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Thanh Long sinh năm 1966, quê ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Ông hiện là Ủy viên Trung ương khóa XIII và đại biểu Quốc hội khóa XV.

Xuất phát điểm là một sinh viên Đại học Y Thái Bình, ông Long dần kinh qua và nắm giữ nhiều cương vị trong Bộ Y tế.

Trở thành Thứ trưởng Bộ Y tế vào năm 2011, ông Long có 7 năm giữ cương vị này, trước khi được điều động giữ chức Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương vào tháng 10/2018.

Đầu năm 2020, đúng giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Long quay trở lại giữ chức Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế. Sau đó, đến tháng 7/2020, ông chính thức được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Y tế và đảm nhận cương vị này đến nay.

Ông Chu Ngọc Anh sinh năm 1965, quê ở huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, là Ủy viên Trung ương 3 khóa (dự khuyết khóa XI và chính thức khóa XII, XIII).

Từ một nghiên cứu sinh, giảng viên tại Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh trở thành Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ vào năm 2010. Đến đầu năm 2011, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Từ đầu năm 2013 đến tháng 9/2015, ông giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sau đó được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ.

Tháng 9/2020, Bộ Chính trị điều động ông Chu Ngọc Anh làm Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, sau đó ông được bầu giữ chức Chủ tịch UBND thành phố và giữ cương vị này cho đến nay.

Vì sao kỷ luật ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh phải chờ T.Ư?

Ban Bí thư, Bộ Chính trị quyết định các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo ủy viên TW vi phạm; còn trường hợp cách chức, khai trừ thì báo cáo Trung ương xem xét, quyết định.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm