Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bế mạc vào ngày 22/10, với Ban Chấp hành Trung ương mới bao gồm 205 ủy viên chính thức và 171 ủy viên dự khuyết đã được bầu ra, theo Tân Hoa xã.
Trong ngày 23/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX sẽ tiến hành phiên họp toàn thể đầu tiên để bầu ra Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Bộ Chính trị mới. Sau đó, các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc sẽ ra mắt tại Đại lễ đường Nhân dân.
Các quyết định quan trọng nhất của Trung Quốc được đưa ra bởi Bộ Chính trị gồm 25 thành viên, với nòng cốt là Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 thành viên.
Bộ máy cấp cao nhất
Ban Thường vụ luôn bao gồm chủ tịch, thủ tướng và những người đứng đầu các cơ quan lập pháp hàng đầu. Các ghế trong Bộ Chính trị được dành cho những người đứng đầu các địa phương quan trọng nhất - như Bắc Kinh và Trùng Khánh - và các quan chức quyền lực nhất trong Quân ủy Trung ương.
Bốn trong số 7 thành viên của Ban thường vụ Bộ Chính trị khóa XIX không có tên trong danh sách Ban Chấp hành Trung ương khóa XX.
Bốn người trên bao gồm Thủ tướng Lý Khắc Cường (67 tuổi), ông Uông Dương (67 tuổi) - Chủ tịch Ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân (Chính hiệp) Trung Quốc, ông Lật Chiến Thư (72 tuổi) - Chủ tịch Ủy viên trưởng Ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc; và ông Hàn Chính (68 tuổi) - Phó thủ tướng thứ nhất.
Cơ cấu thành viên của Ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Đồ họa: Bloomberg. Việt hóa: Hồng Ngọc. |
Quá trình đề cử
Quá trình lựa chọn thành viên Bộ Chính trị phần lớn tuân theo các quy trình giống như tại đại hội đảng năm 2017, và dựa trên đề cử từ các cuộc họp trực tiếp trước đó.
Thông tin sẽ được công khai sau khi nhân sự mới của Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Bộ Chính trị được công bố, theo South China Morning Post.
Sau khi danh sách các ứng viên được hoàn thiện, thường có ít thay đổi khi được xem xét và thông qua bởi các cơ quan đảng khác nhau trong hệ thống.
Theo thông tin từ quá trình năm 2017, từ tháng 4 đến tháng 6/2017, ông Tập đã gặp 57 quan chức cấp cao đương nhiệm và đã nghỉ hưu để thu thập các đề cử của họ, trong khi các lãnh đạo cấp cao khác đã gặp 258 quan chức cấp bộ với mục đích tương tự, Tân Hoa xã đưa tin.
Hầu hết cuộc họp như vậy đều diễn ra bên trong khu phức hợp Trung Nam Hải tại Bắc Kinh, nơi các lãnh đạo cao nhất của đảng sinh sống và làm việc.
Các đề cử bao gồm ứng viên cho Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Ban Bí thư - hiện có 7 thành viên - cũng như các thành viên chủ chốt của Quốc vụ viện, thành viên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc đại diện cho đảng, Tân Hoa xã cho biết.
Các quy định về ứng viên
Đảng thường đặt ra các phạm vi rất cụ thể về độ tuổi và vị trí hiện tại cho những người được đề cử.
Để lọt vào một trong những cơ quan quyền lực nhất, người được đề cử phải là những người từng nắm giữ chức vụ tại các bộ trong chính phủ, đơn vị quân đội và chính quyền địa phương. Các vị trí lãnh đạo khu vực thường là bệ phóng tốt cho các chức vụ cao hơn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức khác tại lễ bế mạc Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 22/10. Ảnh: Reuters. |
Theo quy định không chính thức về tuổi nghỉ hưu có hiệu lực từ năm 2002, các ủy viên Ban Thường vụ từ 68 tuổi trở lên sẽ từ chức sau đại hội đảng. Điều đó có nghĩa là những người được đề cử phải ở độ tuổi đủ trẻ để đảm bảo nhiệm kỳ lâu dài.
Bộ Chính trị luôn có ít nhất một phụ nữ kể từ năm 2002.
Quá trình bổ nhiệm ở các đại hội trước đó
Quá trình bổ nhiệm năm nay sẽ giống với năm 2017 và rất khác so với hai lần trước đó, bắt đầu bằng việc hàng trăm quan chức hàng đầu bỏ phiếu tại một cuộc họp lớn. Kết quả bỏ phiếu là cơ sở để các Ủy viên Bộ Chính trị thảo luận thêm.
Khoảng 5 tháng trước đại hội đảng năm 2007, hơn 400 ủy viên chính thức và ủy viên dự khuyết của Ban Trung ương đã được triệu tập tại Bắc Kinh, mỗi người được phát một lá phiếu màu cam để đề cử các thành viên vào Bộ Chính trị.
Ông Hồ Cẩm Đào, khi đó là chủ tịch Trung Quốc và là người đứng đầu đảng, ca ngợi việc bỏ phiếu như vậy là "có ý nghĩa đối với tính dân chủ trong đảng".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường chuẩn bị rời đi khi kết thúc lễ bế mạc Đại hội XX tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 22/10. Ảnh: Reuters. |
Tại đại hội năm 2012, việc đề cử các thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị cũng được thực hiện thông qua bỏ phiếu. Tuy nhiên, đến năm 2017, cách thức bỏ phiếu này đã bị loại bỏ, thay thế bằng nhiều vòng họp kín và thông qua danh sách đã lên sẵn.
Nguyên nhân của lần thay đổi này là một vụ "gian lận nghiêm trọng" vào năm 2012, Tân Hoa xã đưa tin, nhắc lại ba lãnh đạo hàng đầu có liên quan đến vụ việc.
Họ là ông Chu Vĩnh Khang, từng là Bộ trưởng Công an và là thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị từ năm 2007 đến 2012; ông Tôn Chính Tài, Bí thư Trùng Khánh và là thành viên của Bộ Chính trị từ năm 2007 đến năm 2012; và ông Lệnh Kế Hoạch, Chánh văn phòng của ông Hồ Cẩm Đào từ năm 2007 và 2012.
Cả ba đều đã bị kết án tù vì tội tham nhũng và kéo bè kết phái nhằm phá hoại sự đoàn kết của ban lãnh đạo đảng.