Lindsay Banks trét bùn lên cơ thể tê giác tại Woburn safari, Anh. Ảnh: Woburn |
Phần lớn tê giác được nuôi ở các sở thú ngày nay là tê giác trắng phương Nam. Theo Telegraph, vào cuối thế kỷ 19, các nhà khoa học cho biết số tê giác trắng chỉ còn khoảng 30 con. Tuy nhiên, nhờ những biện pháp bảo tồn hiệu quả mà số lượng loài này ngày nay có thể khoảng 17.000 con. Trong khi đó, tê giác trắng phương Bắc đang có nguy cơ tuyệt chủng, khi chỉ còn 4 cá thể còn sống ở châu Phi.
Chăm sóc tê giác ở Woburn Safari
Woburn Safari là vườn thú hoang dã ở vùng Bedforshire do Công tước thành lập năm 1970, là safari lâu đời thứ 2 ở nước Anh. Hiện nay, vườn thú không chỉ nổi tiếng là điểm tham quan tìm hiểu đời sống hoang dã của người dân Anh và các du khách, nó được quốc tế ghi nhận nhờ vào những đóng góp trong công tác bảo tồn các loài động vật bị đe doạ. Woburn safari đang nuôi một số con tê giác trắng phương Nam cả đực lẫn cái.
Về đêm, tê giác ở Woburn Safari được đưa vào một “khu nhà tê giác”. Công trình này được xây dựng vào năm 2009, với diện tích rộng rãi và cho phép tê giác có thể sống theo bầy giống như trong môi trường tự nhiên, diện tích khu chăn thả hơn 40 acres (hơn 16 hecta). “Đây có thể là cơ sở nuôi tê giác tốt nhất thế giới. Nó giống như ngôi nhà chung trong chương trình truyền hình thực tế Big Brother”, Tiến sĩ Jake Veasey, trưởng bộ phận quản lý động vật và bảo tồn ở Woburn Safari, nói trên tờ Telegraph.
Hai con tê giác cái do vườn thú Woburn nhập từ Nam Phi. Ảnh: Woburn |
4 khu vực của “nhà chung” được thiết kế sàn bằng những chất liệu khác nhau, như bê tông, cao su, gỗ dăm… Cơ sở còn có phòng thú y để sẵn sàng trong những tình huống cần thiết. Theo Tiến sĩ Veasey, công trình này được thiết kế đặc biệt để quản lý các con tê giác đực, một điểm quan trọng trong nỗ lực kích thích giao phối tự nhiên giữa loài tê giác. Những con đực có xu hướng cạnh tranh với nhau để thu hút sự chú ý từ con cái.
Cuối năm 2009, Woburn safari đã nhập thêm hai con tê giác trắng cái từ Nam Phi để tăng cường trong nỗ lực nhân giống tê giác. Hiện tại, vườn thú đang có một con đực tên Kai, 14 tuổi và được các nhà khoa học của Woburn kỳ vọng.
Cô Lindsay Banks là nhân viên chuyên chăm sóc tê giác tại Woburn safari hơn 10 năm. Banks cho biết, công việc hàng ngày của cô cùng đồng nghiệp là kiểm tra sức khoẻ tê giác, cho chúng ăn và theo dõi điều kiện môi trường sống hàng ngày, và đắp bùn lên cơ thể tê giác.
Bùn là yếu tố quan trọng để duy trì độ ẩm trên da tê giác. Tuy nhiên, khi chúng lặn xuống sâu và ngoi lên, bùn không bao phủ được phần cổ. Những lúc này, nhân viên vườn thú sẽ dùng bùn đắp lên người tê giác. Cô Banks cho biết, chắc chắn gương mặt sẽ lấm lem bùn sau một ngày làm việc, nhưng “mỗi ngày trôi qua đều là phần thưởng với tôi”.
Những quy tắc khi xây chuồng nuôi tê giác
Theo tài liệu của Hiệp hội sở thú và bể nuôi cá châu Âu (EAZA), đối với loài tê giác một sừng, thách thức lớn nhất trong xây dựng cơ sở nuôi là lựa chọn chất liệu lát nền và xây các hồ nước để đáp ứng nhu cầu ngụp lặn của chúng. Khó khăn tiếp theo là việc phối giống, do chúng thường hung hăng để cạnh tranh với nhau khi “ve vãn” đối tượng. Do vậy, việc thiết kế chuồng nuôi cần tránh những rủi ro tê giác bị chấn thương nghiêm trọng và có thể sinh sản thành công. Không phải con cái nào cũng chấp nhận ở quá gần một con cái khác. Tuy nhiên, một số sở thú có xu hướng nuôi nhiều hơn một con cái trong cùng một khu triển lãm.
Bề mặt chuồng là điều quan trọng nhất khi nuôi nhốt tê giác một sừng. Các sở thú cần chọn những chất liệu để tránh làm trầy da của con vật, đặc biệt nếu chúng thích dành phần lớn thời gian nằm trong chuồng. Kinh nghiệm tốt nhất là sử dụng nguyên liệu là gỗ dăm, nhưng không nên dùng gỗ từ cây thông hoặc những cây có tiết dầu etheric gây kích ứng da.
Kích cỡ chuồng nuôi phải được tính toán quan trọng dựa trên điều kiện khí hậu. Ở những vùng mà điều kiện thời tiết không cho phép con vật hoạt động ngoài trời quá lâu, chuồng nuôi phải đủ lớn để bảo đảm những hoạt động yêu thích của con vật có thể diễn ra ngay tại đây.
Thiết kế một chuồng nuôi tê giác. Ảnh: EAZA |
Bên cạnh đó, phần lớn sở thú đều có một chuồng nuôi riêng như khu vực cách ly. Đây sẽ là nơi mà con vật sinh con, hoặc dành cho những con thú mới đưa về, hay lúc con thú bị bệnh.
Bể chứa nước cần chứa một lượng đủ lớn. Nếu nhiều sở thú dự định để khách tham quan tê giác trong chuồng (tức phần lớn thời gian của con vật là ở trong nhà) thì bể chứa phải duy trì lượng nước 150-200 lít. Bể cần được thay nước định kỳ. Do tê giác đã tự uống nước từ khi còn nhỏ nên bể chứa không nên xây quá cao.
Không thể thiếu với loài tê giác chính là khu vực cho chúng ngụp lặn. Trong môi trường hoang dã, đặc biệt vào những mùa nóng, tê giác thường lặn sâu dưới hồ trong nhiều giờ liền. Các sở thú cần phải lưu ý đặc điểm này khi xây chuồng nuôi nhốt. Phần lớn tê giác ở sở thú xem việc ngâm mình là thời gian để nghỉ ngơi. Hồ nước trong sở thú thường nông hơn so với hồ thực bên ngoài tự nhiên. Nhiệt độ lý tưởng của nước là khoảng 22 độ C. Hồ cần có hệ thống lọc, do tê giác thường thải phân khi chúng ngâm mình.
Những quy tắc chăm sóc tê giác ở ngoài trời
Các quốc gia khác nhau có luật quy định rõ ràng về không gian mỗi khu trưng bày ngoài trời đối với động vật.
Cần tính toán chiều cao hợp lý của rào chắn tại các khu tê giác để bảo đảm an toàn cho du khách khi tham quan sở thú. Ảnh: EAZA |
Nếu hai con tê giác cái cùng sinh hoạt trong một khu vực tham quan, sở thú phải bảo đảm không gian đủ rộng và các địa hình đa dạng, như đồi cao, đảo giả, nơi để trốn, các khu cho ăn riêng… để thú vận động nhằm giảm stress.
Bãi ngâm bùn là nơi được yêu thích nhất đối với loài tê giác. Các sở thú khi xây dựng khu vực này cần đảm bảo nó không quá dính để tránh làm một con tê giác non kẹt lại. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm, tê giác sẽ tự đào một khu riêng để chúng ngâm bùn. Việc vệ sinh khu này là điều khó khăn, do tê giác thích tiểu tiện và thải phân mỗi lần ngâm mình. Do vậy, sở thú cần dọn vệ sinh định kỳ.
Cũng như các chuồng nuôi trong nhà, mỗi khu nhốt tê giác ngoài trời cần có các hồ nước sâu tối thiểu 90 cm. Độ sâu có thể nhiều hơn do tê giác thường thích lặn hoàn toàn dưới nước vào những ngày nóng. Vào mùa đông hoặc khi trời lạnh, tê giác sẽ không sử dụng các hồ nước này. Do vậy, nhân viên sở thú sẽ tát cạn nước trong hồ và lấp đầy bằng các vật liệu khác. Cũng như bãi ngâm bùn, hồ nước cần vệ sinh định kỳ để dọn sạch các chất thải của tê giác.