Dnepr, tên lửa đẩy của ICBM SS-18 "Santa", vừa đưa 9 vệ tinh khác nhau vào quỹ đạo trái đất. Theo một quan chức của Lực lượng tên lửa chiến lược Nga: “Dnepr đưa các vệ tinh vào quỹ đạo trái đất từ căn cứ quân sự Yasny, thuộc tỉnh Orenburg của Nga. Tất cả các vệ tinh đều tách khỏi tên lửa vào quỹ đạo an toàn”.
Tên lửa đạn đạo SS-18 "Santa" rời bệ phóng. Ảnh: RIA Novosti. |
Vệ tinh lớn nhất là DubaiSat-2 của Các tiểu vương quốc Ả-Rập Thống nhất, trọng lượng 300 kg. Các vệ tinh còn lại có nhiều kích thước khác nhau, trong đó nhỏ nhất là STSAT-3 của Hàn Quốc.
Nga thực hiện hàng chục vụ phóng tên lửa không gian kể từ đầu năm 2013 nhưng đây là lần thứ 2 hệ thống đẩy của ICBM, có khả năng trang bị 10 đầu đạn hạt nhân, đưa các vệ tinh vào quỹ đạo. Lần phóng trước đó diễn ra vào tháng 8, khi Nga đưa vệ tinh KOMPSat-5 của Hàn Quốc vào không gian.
SS-18 “Santa” còn có tên khác là RS-20, Voyevoda hay “tên lửa quỷ Sa tăng” là ICBM đáng sợ nhất hành tinh. Sử dụng tên lửa đẩy Dnepr, SS-18 “Santa” có khả năng mang 10 đầu đạn hạt nhân, tấn công 10 mục tiêu riêng biệt. Tầm tấn công của tên lửa đạt 11.000 – 16.000 km tùy trọng lượng đầu đạn. SS-18 “Santa” có thời gian sử dụng lên tới 25 năm. Nó được phương Tây gọi là "tên lửa Quỷ sa tăng".
Liên Xô nghiên cứu, phát triển SS-18 “Santa” trong những năm 1970 và chính thức được đưa vào biên chế quân đội Nga năm 1988. Loại tên lửa này có rất nhiều biến thể nhằm hoàn thiện khả năng tấn công, tránh bị bắn hạ cũng như trang bị thêm cơ số đầu đạn hạt nhân.
SS-18 "Santa" lao đi trong không trung. Ảnh: RIA Novosti. |
Chính thức góp mặt trong biên chế quân đội Nga từ năm 25 năm trước, nhiều ICBM SS-18 “Santa” của quân đội Nga sắp hết hạn sử dụng. Loại tên lửa này sắp được thay thế bằng những tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ thứ 5 để đảm bảo an toàn và sự cân bằng đối trọng hạt nhân của Nga.
Do nhiên liệu của tên lửa đạn đạo tầm xa đều có tính ăn mòn cao nên thời hạn sử dụng của SS-18 “Santa” được đánh giá là cao kỷ lục. Đối với những tên lửa SS-18 “Santa” không còn đủ an toàn để trực chiến, chúng sẽ được biến đổi để phục vụ mục đích dân sự. Tính đến nay, tên lửa đẩy của SS-18 “Santa” đã đưa hàng chục vệ tinh các loại vào quỹ đạo.