Nga thử nghiệm ICBM mới thay thế tên lửa ‘quỷ Sa tăng’
Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga, một loại tên lửa liên lục địa tầm xa (ICBM) sử dụng nhiên liệu lỏng thế hệ mới sẽ được đưa vào thử nghiệm trong năm 2014, nhằm thay thế tên lửa SS-18 Santa đã lỗi thời.
Nguồn tin phía Nga xác nhận, thiết kế của ICBM mới đã được phê duyệt trong năm 2012. Theo đúng kế hoạch, nguyên mẫu đầu tiên của loại tên lửa này sẽ được đưa vào thử nghiệm trong năm 2014, nhằm tiến tới việc thay thế ICBM được mệnh danh là tên lửa của quỷ Sa tăng Voyevoda, hay còn gọi là SS-18 Santa trong năm 2018.
Tên lửa "quỷ Sa tăng" khai hỏa từ lòng đất. |
Đại tướng Sergei Karakayev, chỉ huy lực lượng tên lửa chiến lược Nga cho biết, ICBM sử dụng nhiên liệu lỏng thế hệ mới sẽ có khối lượng đạt 100 tấn. Tuy nhiên, tốc độ khởi phóng của tên lửa này vẫn cao hơn nhiều so với các loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn đang được Nga sử dụng. Không dừng lại ở đó, sức mạnh động cơ vượt trội cho phép tên lửa mới trang bị loại đầu đạn hạt nhân mạnh hơn, cùng với cơ số đầu đạn lớn hơn.
Ngoài ra, tên lửa mới còn được kết hợp hệ thống định vị tiên tiến, giúp nó tiêu diệt mục tiêu chính xác hơn. Phía Nga còn khẳng định, tên lửa mới có khả năng xuyên qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến hàng đầu thế giới. Cùng với đó, ICBM này có khả năng tấn công mọi mục tiêu, ở bất kể vị trí nào trên hành tinh.
Tuy thông tin chi tiết về loại ICBM mới chưa được công bố nhưng được chế tạo nhằm mục đích thay thế các tên lửa SS-18 Santa, nó phải vượt trội hơn nhiều so với người tiền bối. Được đưa vào biên chế quân đội Nga từ những năm cuối cùng của thập niên 1960, SS-18 Santa các phiên bản có khả năng mang đồng thời 10 đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn đạt 11.000 – 16.000km.
Tốc độ bay lớn cùng với độ bền hoàn hảo của lớp vỏ bọc cho phép SS-18 Santa có thời hạn sử dụng lên tới 25 năm, bất chấp sự ăn mòn khủng khiếp mà nhiên liệu tên lửa gây ra với lớp vỏ bọc. Ngoài ra, khả năng triển khai đồng thời 10 đầu đạn hạt nhân, nhằm vào 10 mục tiêu khác nhau của đối phương khiến SS-18 Santa được mệnh danh là tên lửa quỷ Sa tăng.
Không chỉ vượt trội hơn so với SS-18 Santa, ICBM mới còn được đánh giá ưu việt hơn hẳn so với loại tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn bắn từ tàu ngầm Bulava và từ mặt đất Topol-M, Yars. Ra đời sau và nắm giữ vị trí quan trọng trong lực lượng tên lửa chiến lược Nga, sức tàn phá của ICBM mới là điều không cần phải bàn cãi.
Trịnh Duy
Theo Infonet