Tại tọa đàm "Kinh tế số - Triển vọng và định hướng phát triển trên địa bàn thành phố" sáng 25/3, HIDS đã công bố ước tính giá trị kinh tế số của TP.HCM. Đơn vị này cũng lưu ý số liệu mang tính tham chiếu vì việc ước lượng quy mô nền kinh tế số hiện có nhiều phương pháp tiếp cận nên có thể dẫn đến các kết quả khác nhau.
Theo đó, HIDS đã vận dụng phương pháp ước lượng nội suy tuyến tính 2 chiều, với nguồn dữ liệu từ báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á các năm qua của Google, Temasek và Bain & Company, cùng với báo cáo doanh nghiệp năm 2019 và 2020 do Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp của 4 nhóm ngành: sản xuất phần cứng, phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin.
Với kết quả này, ước lượng tỷ trọng nền kinh tế số trong quy mô GRDP của TP.HCM năm 2021 vào khoảng 13,71% đến 15,72%. Năm qua, do tác động của đại dịch, kinh tế thành phố giảm 6,78% so với 2020. Nhiều ngành truyền thống giảm mạnh như thương mại dịch vụ (-5,5%), lưu trú - ăn uống (-54,93%) và kinh doanh bất động sản (-17,32%).
Các nền tảng đặt hàng qua mạng, dịch vụ giao nhận đóng góp đáng kể vào quy mô thị trường kinh tế số TP.HCM. Ảnh: Phương Lâm. |
Tuy nhiên, nhờ các mô hình kinh doanh trực tuyến, đặt hàng qua mạng, dịch vụ giao nhận, hội họp trực tuyến, dịch vụ Internet, viễn thông được tận dụng ở mức cao nên ngành thông tin truyền thông tăng 6,08%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ cũng có mức tăng 3,8%.
Cũng tại tọa đàm, HIDS đã công bố nhiều khuyến nghị về xây dựng chính sách phát triển kinh tế số tại TP.HCM nhằm giúp thành phố đạt mục tiêu kinh tế số chiếm 25% GRDP vào năm 2025 và 40% năm 2030.
Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế là đẩy mạnh chuyển đổi số, coi nó là một trong những động lực tăng trưởng mới cho TP.HCM sau đại dịch.
Tuy nhiên, kinh tế số là một phạm trù còn mới mẻ, trong đó các khái niệm, phạm vi cần có sự thống nhất; phương pháp đo lường và thống kê còn đang triển khai thử nghiệm; khung khổ pháp lý và chính sách tiếp tục định hình để đáp ứng nhu cầu quản lý và phát triển trên thực tế.
HIDS cho rằng, để kinh tế số thuận lợi phát triển cần tiếp tục hoàn thiện 3 điểm. Thứ nhất thống nhất về khái niệm và phạm vi kinh tế số để xây dựng chính sách và đo lường hiệu quả. Thứ hai là phát triển hệ sinh thái số, có thể tham khảo từ đề xuất của Nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới –TP.HCM (HWG) bao gồm 6 trụ cột: hạ tầng; dữ liệu; vốn con người; khu vực công; khu vực tư; văn hóa số, dựa trên nền tảng chính sách, quy định và chính quyền hiệu quả.
Cuối cùng là cần thêm những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của họ, từ doanh nghiệp hạ tầng, dịch vụ công nghệ số hay nội dung số.