Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu ASEAN

Đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực.

Tại hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN - cho biết năm 2021 EVN đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt.

Tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020. Trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 20.670MW (tăng 3.420MW so với năm 2020), chiếm tỉ trọng 27,0%.

Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.

EVN tong ket 2021 anh 1

Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của Tập đoàn điện lực Việt Nam. Ảnh: EVN.

Tỷ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao

Tuy nhiên, tỷ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong đó nhiều thời điểm công suất phát các nguồn điện năng lượng tái tạo lên tới 60% công suất phụ tải. Do đó, công tác vận hành hệ thống điện gặp nhiều khó khăn, xuất hiện tình trang quá tải lưới điện truyền tải liên kết các miền và quá tải cục bộ tại một số khu vực.

Năm 2022, EVN kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch điện VIII để có cơ sở triển khai thực hiện. Đồng thời chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ EVN và các đơn vị thành viên giải quyết các vướng mắc liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và bồi thường giải phóng mặt bằng để thúc đẩy tiến độ các công trình nguồn và lưới điện...

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, EVN đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, ông cho biết vẫn còn một số hạn chế mà tập đoàn cần khắc phục trong thời gian tới. Đó doanh thu chưa đạt so với mục tiêu đề ra từ đầu năm 2021 dù cao hơn năm 2020. "Giá trị giải ngân vốn đầu tư toàn Tập đoàn chỉ đạt 90,83% so với kế hoạch, trong đó giải ngân vốn đầu tư thuần đạt 84,8% kế hoạch", ông nhận xét.

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh trong năm 2022, EVN cần lưu ý đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn. Trong điều kiện chi phí nhiên liệu đầu vào (than, dầu, khí) tăng cao, tập đoàn cần làm tốt công tác điều hành hệ thống điện, thị trường điện để tối ưu chi phí mua điện cũng như thực hiện triệt để các giải pháp tiết kiệm chi phí.

"Bên cạnh đó, EVN cũng cần nghiên cứu xu hướng phát triển trên thế giới cũng như tại Việt Nam để từng bước triển khai các loại hình năng lượng mới, đón đầu các dịch vụ mới như hệ thống sạc pin cho xe điện…", ông đề nghị.

EVN tong ket 2021 anh 2

Tỷ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống và dẫn đến tình trạng “thừa nguồn”. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đồng thời triển khai các giải pháp phù hợp để đẩy nhanh thủ tục đầu tư, thu xếp vốn, đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình nguồn và lưới điện lớn, quan trọng. Đơn cử như Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III, các nhà máy thủy điện Hà Bình mở rộng, Ialy mở rộng, đường dây 500kV mạch 3…

"Trước mắt, phải tập trung tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án điện thuộc các chuỗi dự án khí - điện Lô B và Cá Voi Xanh", ông Hoàng Anh nhấn mạnh.

Cần liên kết lưới điện khu vực

Tại hội nghị, ông Phạm Quốc Bảo - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho biết lưới điện thông minh ở TP.HCM đã được đánh giá đứng thứ nhì ASEAN, chỉ xếp sau Singapore. Giai đoạn 2016-2020, đơn vị đã triển khai nhiều dự án trạm không người trực, đo xa, tự động hóa… Năm 2021, thời gian mất điện ở TP.HCM chỉ còn khoảng 41 phút.

"Mục tiêu đến năm 2023, TP.HCM sẽ hoàn thành lưới điện thông minh, đến năm 2025 sẽ xếp khoảng 30-35 trên thế giới, ngang bằng với điện lực Singapore", ông nói.

Ông cũng cho biết mức đầu tư cho lưới điện thông minh giai đoạn 2021-2023 chỉ chiếm khoảng 6% mức đầu tư xây dựng. Như vậy, việc đầu tư không lớn, nhưng hiệu quả rất cao.

Với vấn đề năng lượng tái tạo đã chiếm 27% tổng công suất điện nhưng có những đặc thù riêng, chỉ phát ở khung giờ nhất định, phân tán..., ông đề xuất liên kết với lưới điện khu vực để khai thác và tận dụng hết tiềm năng.

EVN tong ket 2021 anh 3

Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN. Ảnh: EVN.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty điện lực Hà Nội, đề xuất sớm xây dựng ban hành nghị định hướng dẫn tiếp nhận tài sản do tư nhân xây dựng. Ví dụ như trên địa bàn Hà Nội có các khu chung cư khi xây dựng xong muốn bàn giao cho đơn vị vận hành, nhưng không có hướng dẫn tiếp nhận.

"Tính đến ngày 30/11/2021, EVN Hà Nội đã tiếp nhận 19 công trình, trị giá 153 tỷ đồng đến hết năm 2021. Còn 7 công trình mong muốn được tiếp nhận nhưng chưa hoàn thành", ông nói.

"Đơn vị cũng đề xuất các cơ quan chức năng cần sớm có hướng dẫn thủ tục cấp điện, ngừng cấp điện cho những tòa chung cư chưa được quản lý vận hành, chưa cấp pháp quản lý phòng cháy chữa cháy", lãnh đạo EVN Hà Nội đề xuất.

Cuối cùng, ông đề xuất cho phép EVN Hà Nội tăng vốn lên 11.300 tỷ đồng từ mức 9.800 tỷ đồng như hiện nay.

Vay ưu đãi 70 triệu euro cho dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng

Ngày 10/11, EVN và AFD ký thỏa ước tín dụng cho khoản vay ưu đãi không bảo lãnh Chính phủ trị giá 70 triệu euro cho dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm