Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết giá nhiên liệu đầu vào tăng cao từ đầu năm đến nay đang dẫn đến chi phí sản xuất và mua điện của doanh nghiệp tăng hơn 16.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, số liệu thống kê cho biết, trong riêng tháng 7 và 20 ngày đầu tháng 8, giá nhiên liệu đầu vào EVN phải thực hiện cao hơn rất nhiều so với giá bình quân đã thực hiện nửa đầu năm nay, đặc biệt là giá than.
Cụ thể, giá than nhập khẩu bình quân tháng 7 đã tăng 17,5% so với tháng liền trước và tăng 51,8% so với giá bình quân thực hiện nửa đầu năm. Thậm chí, nếu so với giá bình quân năm 2020, giá than nhập khẩu hiện tại đã cao hơn tới 250%.
Trong đó, giá than nhập khẩu bình quân 6 tháng đầu năm nay vào khoảng 98,8 USD/tấn, thì đến tháng 7 đã tăng lên 150 USD/tấn và ở mức 159,7 USD/tấn trong 10 ngày đầu tháng 8.
Tương tự, giá dầu HFSO bình quân tháng 7 cũng cao hơn 23% so với bình quân 6 tháng đầu năm và tăng 68,3% so với mức giá thực hiện năm 2020.
- Bảng giá một số nguyên liệu đầu vào sản xuất điện:
Loại hình | Đơn vị | Bình quân 2020 | Bình quân 6T2021 | Giá tháng 8/2021 | |
Than nhập | NewCastle | USD/tấn | 60,3 | 98,8 | 159,7 |
CoalFax | USD/tấn | 58,9 | 98,4 | 155,8 | |
Dầu | Dầu thô Brent | USD/thùng | 41,8 | 65 | 71,3 |
Dầu HSFO | USD/tấn | 249,5 | 374,4 | 419 | |
Dầu DO | VNĐ/kg | 13.182,8 | 14.981,5 | 17.508 |
Hiện tại, mỗi tấn dầu HSFO có giá 419 USD, trong khi bình quân năm 2020 chỉ là 249,5 USD/tấn và bình quân nửa đầu năm cũng mới là 374,4 USD/tấn.
Ngoài ra, nhiều sản phẩm dầu khác cũng ghi nhận mức tăng mạnh trong tháng 7-8 như giá dầu thô Brent hiện ở mức 71,3 USD/thùng, cao hơn 70% so với bình quân năm 2020; giá dầu DO hiện ở mức 17.508 đồng/kg, tăng 33%; giá dầu FO 3,5S hiện ở 14.109,1 đồng/kg, tăng 43%...
Theo số liệu vận hành hệ thống điện quốc gia, sản lượng phát của nhiệt điện than và dầu hiện chiếm 51% tổng số các loại hình nguồn phát.
Vì vậy, các thông số giá than nhập khẩu và dầu kể trên đã và đang tác động rất lớn đến chi phí mua điện của EVN đối với các nhà máy nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu và các nhà máy nhiệt điện khí có giá khí theo thị trường.
“Nếu so với cùng kỳ năm 2020, chi phí mua điện của EVN năm nay đã tăng tới 16.600 tỷ đồng”, đại diện EVN cho biết.
Theo tập đoàn này, hiện tại, diễn biến giá nhiên liệu thế giới vẫn ghi nhận xu hướng tăng và khó dự báo diễn biến giá trong các tháng cuối năm.
EVN cho biết chi phí mua điện của tập đoàn đã tăng 16.600 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm nay do giá nhiên liệu đầu vào tăng cao. Ảnh: EVN. |
Vì vậy, với tình hình biến động về giá nhiên liệu đầu vào hiện nay, chi phí sản xuất và mua điện của EVN đều phải tăng cao.
Bên cạnh đó, tình hình diễn biến thủy văn của các hồ thủy điện ở phía Bắc đến nay không thuận lợi, hiện đã là cuối tháng 8 (thời điểm cuối mùa lũ chính vụ) nhưng vẫn chưa có dấu hiệu lũ về các hồ thủy điện.
Do vậy, EVN dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn về tình hình tài chính trong năm nay.
Theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021 của EVN được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt, tập đoàn này dự kiến sản lượng điện sản xuất và mua cả năm nay vào khoảng 253,75 tỷ kWh.
Trong đó, sản lượng điện bán là 233,679 tỷ kWh và mang về 359.765 tỷ đồng tổng doanh thu, tối thiểu 1.600 tỷ lợi nhuận trước thuế. Lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập dự kiến cũng dự kiến đạt tối thiểu 1.280 tỷ đồng.
Còn theo kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021-2025, EVN dự kiến đảm bảo cung ứng điện với tăng trưởng điện thương phẩm bình quân 8,4-9,1%/năm, tương ứng sản lượng điện thương phẩm toàn quốc năm 2025 đạt 325-335,3 tỷ kWh.
Đến năm 2025, tổng doanh thu toàn tập đoàn sẽ đạt 680.000 tỷ đồng. Sản xuất kinh doanh hàng năm đảm bảo hiệu quả và có lãi với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu 3%/năm.