Ngày 15/4, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Phó thủ tướng cho rằng đây là một quy hoạch khó vì phải giải bài toán tổng hợp các yếu tố: Đặt nguồn điện ở đâu vừa tính toán lượng hao hụt khi truyền tải điện đi xa, vừa bảo đảm phụ tải và giá thành hợp lý. Đồng thời phải thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 "đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ lưu ý nhu cầu đăng ký của các doanh nghiệp, địa phương rất lớn. Đến năm 2030 đăng ký quy hoạch khoảng gần 520.000 MW, gấp khoảng 3,5 lần dự kiến tổng công suất đặt hệ thống điện quốc gia năm 2030.
Tuy nhiên, với tinh thần "đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết", bảo đảm an ninh năng lượng, khoa học, hiệu quả, ông khẳng định quy hoạch không thể đáp ứng được hết các yêu cầu của doanh nghiệp, địa phương với số lượng đăng ký lớn như vậy.
Quy hoạch điện VIII không thể đáp ứng được hết các yêu cầu của doanh nghiệp, địa phương. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng cần tạo điều kiện cho các địa phương phát triển, nhưng cũng tính đến tổng thể cả nước để bảo đảm hiệu quả, an ninh năng lượng, hạn chế truyền tải điện đi xa để giảm giá thành chung, vừa phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương.
"Trong quy hoạch, dự phòng nguồn điện cho khu vực miền Trung vẫn để ở mức lớn nhất vì lợi thế phát triển điện trong khu vực rất tốt (gồm điện gió, điện mặt trời) và các địa phương trong khu vực còn khó khăn nên cần ưu tiên", ông nói.
Nói về các đề xuất bổ sung nguồn của nhiều địa phương, Phó thủ tướng khẳng định phải "đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết". Mỗi địa phương phải xác định phát triển cho địa phương phải đồng thời phát triển cho đất nước, vì lợi ích nhân dân.
"Nếu phát triển điện cho địa phương nhưng phải vận chuyển điện đi xa thì giá thành sẽ cao, khi đó người dân lại phải gánh mức giá cao này", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ông yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương tiếp thu tối đa các ý kiến dựa trên nguyên tắc chung, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch Điện VIII để thông qua Hội đồng thẩm định quốc gia, trước khi trình Thủ tướng để xem xét, phê duyệt trong tháng 4.
Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII được Bộ Công Thương tính toán, vừa trình lại Chính phủ đầu tháng 4, tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 khoảng 146.000 MW, giảm khoảng 35.000 MW so với dự thảo trước. Công suất cực đại dự kiến vào năm 2030 vào khoảng 93.000 MW.
Do vậy, quy mô đầu tư theo quy hoạch giảm gần 2 triệu tỷ đồng, trong đó giảm đầu tư công suất nguồn khoảng 35.000 MW, giảm đầu tư hệ thống truyền tải gần 300.000 tỷ đồng. Nguồn điện được bố trí hài hòa, đảm bảo phát huy lợi thế từng vùng miền, tiết kiệm tối đa truyền dẫn.
Quy hoạch cũng đã đề ra lộ trình cắt giảm điện than mạnh mẽ để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí. Đến năm 2045, toàn hệ thống chỉ còn 9,6% điện than, trong khi điện gió, điện mặt trời chiếm 50,7%, đảm bảo các cam kết về chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường.