Đầu tháng 6, quỹ Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2020. Trong báo cáo, năm 2020, Việt Nam có 105 thương vụ đầu tư vào startup. Con số này đứng thứ 3 tại Đông Nam Á sau Singapore và Indonesia.
Như vậy, số thương vụ đầu tư vào startup tại Việt Nam đã giảm 17% so với năm 2019. Đồng thời, giá trị vốn đầu tư giảm đến 48%, còn 451 triệu USD, xếp thứ 5 khu vực. Nguyên nhân của sự sụt giảm cả về số lượng lẫn giá trị các thương vụ đầu tư được lý giải là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Các con số nói trên tuy không khả quan nhưng dưới con mắt của một nhà đầu tư mạo hiểm chuyên nghiệp, bà Lê Hoàng Uyên Vy nhận định đây là cơ hội "nghìn năm của các startup Việt".
Để làm rõ hơn nhận định này, Zing đã có buổi phỏng vấn với bà Uyên Vy vào một buổi sáng đầu tháng 6. Hiển nhiên, buổi phỏng vấn diễn ra trực tuyến, cũng bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Không loạn thế thì chẳng có anh hùng
Bà Lê Hoàng Uyên Vy, đồng sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures. |
Dịch Covid-19 khiến hoạt động đầu tư tại Việt Nam ảnh hưởng ra sao?
- Dựa trên số liệu của Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2020 mọi người sẽ dễ dàng nhận ra số lượng thương vụ chỉ giảm 17% nhưng tổng giá trị lại giảm đến 48%. Điều này cho thấy hầu hết thương vụ đều khá nhỏ. Trong quá trình đầu tư vào startup, quá trình thẩm định là rất quan trọng, đặc biệt là với các hợp đồng trị giá cao. Dịch Covid-19 phần nào cản trở việc di chuyển đến Việt Nam để thẩm định dự án của nhà đầu tư nước ngoài. Báo cáo của Do Ventures thể hiện rõ ý này khi số lượng thương vụ trị giá 10-50 triệu USD giảm mạnh, song số vụ đầu tư dưới 500.000 USD tăng 11%.
Các chỉ số đầu tư đều giảm, tại sao Do Ventures lại cho rằng đây là cơ hội "nghìn năm có một"?
- Tôi nói như vậy là bởi khi tình hình kinh tế thế giới bất ổn, các nhà đầu tư sẽ mang tâm lý thận trọng, chậm lại để quan sát, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhưng với Do Ventures, đây chính xác là cơ hội bởi nhìn vào lịch sử, mỗi khi có sự kiện biến động toàn cầu, những đổi mới sáng tạo vượt trội lại xuất hiện. Ví dụ tại Trung Quốc, năm 2002, dịch SARS bùng phát gây ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế toàn cầu. Thế nhưng, ngành thương mại điện tử của nước này lại có dịp tăng trưởng phi mã. Rất nhiều người lần đầu bán hàng qua hình thức online từ lúc ấy.
Đến năm 2008, kinh tế thế giới tiếp tục khủng hoảng, giới ngân hàng chao đảo. Đấy là lúc ra đời của nhiều mô hình kinh tế mới bao gồm tiền điện tử, các hình thức cho vay ngang hàng, và kinh tế chia sẻ.
Việt Nam chúng ta đang là một trong những nước đứng đầu trong việc phòng chống dịch và kinh tế đang phục hồi rất nhanh. Bên cạnh đó, dân số nước ta rất trẻ, tỷ lệ người dùng Internet cũng gần như dẫn đầu khu vực.
Điều tạo nên bất ngờ lớn nhất là GDP của Việt Nam trong năm 2020 tăng trưởng dương trong khi các quốc gia khác đa phần đều âm. Sau đại dịch, hành vi tiêu dùng của người dân cũng thay đổi nhiều. Vì vậy, nếu biết tận dụng quyết liệt mọi nguồn lực, chuyển đổi số và đưa ra giải pháp cho người dùng và doanh nghiệp kịp thời, các startup Việt sẽ lớn mạnh rất nhanh.
Các thành viên của Do Ventures tham gia xây dựng Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2020. |
Tuy vậy, cũng cần lưu ý, nếu các doanh nghiệp Việt không đổi mới để thích ứng nhanh với thời cuộc thì các công ty nước ngoài sẽ làm việc đó. Vì vậy, trong bối cảnh đại dịch, thay vì do dự, an toàn, Do Ventures đang đầu tư ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là với mảng công nghệ bởi hành vi tiêu dùng online tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng.
Việt Nam sẽ sớm có "ông lớn" công nghệ tầm khu vực
Với những tín hiệu tốt kể trên, Do Ventures dự đoán khi nào Việt Nam có một "ông lớn" công nghệ như các nước trong khu vực?
- Đây vừa là câu hỏi vừa là câu trả lời cho việc tại sao Do Ventures lại làm một bản báo cáo tình hình đầu tư trong nước. Một trong những lý do để các công ty trong khu vực lớn nhanh là ở nguồn vốn dồi dào. Đó cũng là trở ngại mà các startup trong nước đang gặp phải.
Dễ thấy khi so sánh mảng thương mại điện tử. Startup Việt và Indonesia cùng xuất phát từ năm 2010 và đến nay đều đã trở thành công ty nội địa dẫn đầu thị trường. Trong khi startup Việt gọi được 200 triệu USD, công ty khởi nghiệp từ Indonesia đã có 3 tỷ USD tiền vốn.
Nhiều ý kiến cho rằng việc này là bởi thị trường Việt Nam nhỏ hơn Indonesia. Đồng ý là thị trường Việt Nam có nhỏ hơn nhưng không đến mức như vậy. Dân số Indonesia khoảng 270 triệu người với 200 triệu người dùng Internet. Con số này của Việt Nam là gần 100 triệu người với 70 triệu người dùng Internet. Như vậy, thị trường Indonesia lớn gấp ba Việt Nam song lại được rót số vốn gấp 15 lần. Có một vết hằn khá sâu trong tư duy của các nhà đầu tư nước ngoài khi họ luôn xem Indonesia là lựa chọn hàng đầu khi muốn đầu tư vào thị trường Đông Nam Á. Đó là lý do mà Việt Nam chưa có một "ông lớn" công nghệ có tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Tuy vậy, 2018 được xem là năm bản lề khi thị trường Việt Nam xuất hiện nhiều tin tốt về khoản gọi vốn. VNPay trong 3 năm đã trở thành kỳ lân công nghệ thứ 2 tại Việt Nam nhờ họ có năng lực gọi vốn rất tốt. Bằng những hành động cụ thể như đổi mới chính sách, cải thiện nguồn nhân lực, tương lai về một "ông lớn" công nghệ mang dòng máu Việt sẽ không còn xa.
Chính phủ Việt Nam rất cấp tiến trong lĩnh vực startup
Do Ventures đánh giá các chính sách dành cho startup tại Việt Nam ra sao?
- Nhiều nhà đầu tư lần đầu tới Việt Nam có rất nhiều nỗi lo, đặc biệt là về pháp lý. Không rõ từ đâu họ lại có tư duy rằng đầu tư vào Việt Nam sẽ không thể thoái vốn khi cần thiết. Do Ventures khẳng định hoàn toàn không có chuyện đó như những lời đồn đại. Khung pháp lý về việc thoái vốn tại Việt Nam từ lâu đã rất minh bạch và hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư.
Về chính sách, Do Ventures ấn tượng nhất mô hình hỗ trợ startup của NIC. Khi tham gia vào NIC, startup sẽ được hỗ trợ về chỗ ngồi làm việc, giảm thiểu thủ tục hành chính, thuế ưu đãi, tránh đánh thuế hai lần... Đáng chú ý, Chính phủ cũng đang từng bước triển khai khung pháp lý thử nghiệm (sandbox), nơi các chính sách thí điểm dành cho những lĩnh vực đặc biệt, mới được áp dụng linh hoạt.
Ông Vũ Quốc Huy – Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia - NIC (trái). Do Ventures đánh giá cao mô hình hỗ trợ startup của NIC tại Việt Nam. |
Dù còn một số hạn chế nhưng nếu so với các quốc gia khác, Việt Nam vẫn là môi trường thân thiện với startup. Ví dụ như Hàn Quốc, người dân không thể gọi xe công nghệ được. Trong khi đó, tại Việt Nam, Grab, Gojek... vẫn đang phát triển rất mạnh. Do Ventures đánh giá Chính phủ Việt Nam đang rất cấp tiến so với các quốc gia khác.
Mỗi năm, Việt Nam cũng có những sự kiện về startup được phân chia chức năng cụ thể. Trong đó, sự kiện do NIC và NSSC tổ chức là nơi các startup được đối thoại những vấn đề chính sách trực tiếp với Chính phủ. Hiện nền kinh tế số tại Việt Nam đang chiếm 5% GDP. Với những chính sách hỗ trợ cụ thể, năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GDP là mục tiêu có tính khả thi.
Thương mại điện tử tại Việt Nam còn nhiều cơ hội
Trong lĩnh vực công nghệ, Do Ventures dự báo mảng nào sẽ phát triển mạnh nhất thời hậu Covid-19?
- Có 2 mảng phải phát triển trong và sau Covid-19 chính là thanh toán trực tuyến và thương mại điện tử. Ngoài ra, các mảng khác cũng đang được chúng tôi quan tâm là SaaS (doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số) và EdTech (công nghệ giáo dục). Do Ventures ghi nhận số lượng thương vụ đầu tư vào hai mảng này có tăng trưởng dù số tiền rót vào không quá nhiều. Nếu trong năm nay, mảng giáo dục và chuyển đổi số được quan tâm đầu tư đúng mức, chúng ta sẽ nhìn thấy sự bùng nổ từ các startup Việt trong năm sau.
Nếu trong năm nay, mảng giáo dục và chuyển đổi số được quan tâm đầu tư đúng mức, chúng ta sẽ nhìn thấy sự bùng nổ từ các startup Việt trong năm sau.
Nhiều ý kiến cho rằng thương mại điện tử tại Việt Nam chỉ đang ở giai đoạn đốt tiền, Do Ventures dự báo khi nào điều này chấm dứt?
- Các công ty hiện nay đang chi nhiều hơn thu bởi họ tin vào tiềm năng của thị trường. Tỷ trọng bán lẻ online trên kênh truyền thống tại Việt Nam còn khá thấp. Vì vậy, muốn trở thành người đi đầu, các công ty phải chi nhiều tiền hơn. Tuy vậy, liên tục chi nhiều hơn thu không phải là cách hay để đánh giá thành công của thương hiệu. Sea Group, tập đoàn sở hữu Shopee niêm yết tại Mỹ lần đầu năm 2017 với định giá 4 tỷ USD. Chỉ trong 4 năm, công ty đã được định giá 135 tỷ USD. Điều này cho thấy khi mô hình kinh doanh của Shopee tốt thật sự, nhà đầu tư sẽ không đánh giá thành công của họ qua việc lời hay lỗ.
- Sẽ ra sao nếu Amazon vào thị trường Việt Nam sau khi người dùng trong thay đổi hành vi mua sắm sang online nhiều hơn?
Rõ ràng là nếu thị trường không có cạnh tranh thì chứng tỏ nó không hấp dẫn. Cách đây 5 năm, Alibaba đã rất lớn mạnh, thế nhưng Pinduoduo vẫn vươn lên. Google từng thâu tóm thị trường quảng cáo nhưng vẫn có Facebook. YouTube thống trị mảng video online nhưng TikTok vẫn bùng nổ như mọi người thấy.
Điều này cho thấy sự phát triển sẽ không bao giờ dừng lại. Không có công ty nào chiếm lĩnh thị trường mãi được. Vì vậy, việc Amazon vào thị trường Việt Nam cũng là chuyện dễ hiểu. Thực tế họ đã vào rồi, nhưng chỉ mới dừng ở bước lập các trung tâm bán hàng, phân phối sản phẩm từ các nhà máy ở Việt Nam cho thị trường Mỹ và châu Âu.
Như đã nói, thương mại điện tử Việt trên tổng bán lẻ chỉ mới ở mức 5%. Tại Trung Quốc con số này tăng từ gần 35% lên 45% chỉ một năm sau dịch Covid-19. Trong khi đó, con số này trung bình tại các quốc gia là 15%. Như vậy, có thể nói thị trường thương mại điện tử Việt Nam còn nhiều cơ hội phát triển và dư địa cho tất cả người tham gia.
Minh bạch là yếu tố cần có nếu startup muốn gọi vốn
Những yếu tố nào khiến startup "được lòng" những nhà đầu tư như Do Ventures?
- Có 5 yếu tố ảnh hưởng quyết định đầu tư của Do Ventures vào các startup. Đầu tiên là thị trường. Công ty khởi nghiệp cần trả lời được các số liệu về độ lớn của thị trường, mức độ tăng trưởng, khả năng cạnh tranh của công ty họ. Tiếp đến, chúng tôi quan tâm những công nghệ vượt trội và sự bền vững của mô hình kinh doanh so với các đối thủ trên thị trường.
Trên thực tế, đa phần startup mới nổi các số liệu trên khá hạn chế. Vì vậy, Do Ventures dành sự quan tâm đặc biệt vào đội ngũ của họ. Nếu đội ngũ nhân sự phù hợp với mô hình kinh doanh, quỹ đầu tư chúng tôi sẽ xét đến yếu tố thứ tư là tác động xã hội. Mô hình kinh doanh cần có tác động tích cực đến môi trường và xã hội sẽ có tỉ lệ gọi vốn thành công cao hơn.
Cuối cùng là giá trị của thương vụ. Startup mong muốn giá trị quá cao, không phù hợp sẽ khiến họ khó gọi vốn hơn.
Sai lầm nào khiến nhà đầu tư từ chối ngay một startup?
- Đó là sự minh bạch của doanh nghiệp. Đầu tư mạo hiểm thật ra là chọn bạn làm chung. Nếu 2 người làm cùng nhưng không tin tưởng nhau, thất bại là điều không tránh khỏi. Những nhà đầu tư như Do Ventures thường thích những startup thẳng thắn trao đổi điểm chưa hoàn thiện. Trong khi đó, tâm lý startup hiện nay thường tô hồng lên mô hình kinh doanh của họ. Chắc chắn lớp màu này sẽ phải tan đi ở bước thẩm định của chủ đầu tư.
Nếu các doanh nghiệp Việt không đổi mới để thích ứng nhanh với thời cuộc thì các công ty nước ngoài sẽ làm việc đó.
Tôi nghĩ mọi người nên xem chuyện startup chưa hoàn hảo là chuyện bình thường. Việc thẳng thắn sẽ giúp startup được lòng nhà đầu tư ngay từ lần đầu gặp mặt.
Kết lại buổi phỏng vấn, người đứng đầu Do Ventures đã cho thấy bức tranh đầy lạc quan của thị trường Việt Nam qua những dẫn chứng thuyết phục. Tuy vậy, tôi xin được nhắc lại một lần nữa câu nói của bà Uyên Vy thay cho phần kết: "Nếu các doanh nghiệp Việt không đổi mới để thích ứng nhanh với thời cuộc thì các công ty nước ngoài sẽ làm việc đó".