Chiều 5/6, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung tiếp tục nhận được nhiều chất vấn của đại biểu liên quan đến vấn đề xâm hại trẻ em. Ngoài Bộ trưởng Dung, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao và Bộ trưởng Công an cũng trao đổi làm rõ ý kiến của đại biểu.
Khó điều tra
Phát biểu tại nghị trường, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định những vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em trong đó có cả xâm hại tình dục không gây khó khăn khi xét xử nhưng khó khăn trong quá trình điều tra, xác minh.
Theo ông Bình, phần lớn các vụ việc truy xét nhưng không có người làm chứng, thời gian xảy ra đến khi phát hiện thường quá xa; gia đình nạn nhân ngại khai báo. Thậm chí còn che giấu, từ chối giám định, không hợp tác với cơ quan điều tra.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng việc điều tra, xác minh những vụ việc xâm hại trẻ em gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Quochoi.vn. |
Theo thống kê 5 năm, từ 2013 đến 2017, tòa án đã giải quyết hơn 8.100 các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, bao gồm 5 tội danh khác nhau. Tòa án cũng trả hồ sơ 550 vụ, các vụ đúng người đúng tội là 73% tương đương hơn 7.600 vụ.
Viện trưởng Viện KSND tối cao, Lê Minh Trí nói rằng vấn đề xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em gây ra những bức xúc trong đời sống xã hội. Trong 6 tháng năm 2018, Viện đã khởi tố 753 vụ án với 805 đối tượng. Vấn đề xâm hại trẻ em đại biểu quan tâm ở nhiều kỳ họp trước.
Có 17 cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng người nhà các em bị xâm hại rất đơn độc
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng
Cả Chánh án và Viện trưởng đều cho rằng để giải quyết thực trạng này cần thực hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Ngoài ra, thời gian tới cần xây dựng kỹ năng cho trẻ em để ý thức được việc bị xâm hại. Khi phát hiện sẽ xử lý nghiêm minh trước pháp luật các đối tượng để tạo ra sự răn đe, giáo dục chung.
Cơ quan chức năng không tích cực vào cuộc
Đó là khẳng định của đại biểu Lê Thị Nga (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) về việc điều tra các vụ xâm hại trẻ em. Bà Nga dẫn chứng đến vụ cháu bé tự tử ở Cà Mau, phải đến khi Thủ tướng chỉ đạo, dư luận lên tiếng thì cơ quan chức năng mới vào cuộc. Hay vụ Nguyễn Khắc Thủy dâm ô trẻ em đến mức Chủ tịch nước chỉ đạo các cơ quan tư pháp phải vào cuộc làm rõ.
“Vậy những vụ dư luận không lên án, lãnh đạo Nhà nước không chỉ đạo thì sao, đề nghị cơ quan tư pháp làm rõ”, đại biểu Lê Thị Nga đặt câu hỏi.
Đại biểu Lê Thị Nga khẳng định có tình trạng cơ quan tư pháp không tích cực vào cuộc những vụ việc xâm hại trẻ em. Ảnh: Quân Minh. |
Tại nghị trường bà Nga cũng yêu cầu Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm rõ về con số 2.000 vụ bạo hành trẻ em. Bởi riêng các cơ quan tư pháp báo cáo xâm hại tình dục mỗi năm đã là 1.500 vụ rồi.
Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng vấn đề xâm hại trẻ em xảy ra quá nhiều, phức tạp. Một trong những nguyên nhân từ hơn 2.850 cơ sở trông giữ trẻ không phép. Phụ huynh các em nhỏ không có sự lựa chọn nơi gửi trẻ.
Ngoài ra, về vấn đề tư pháp thân thiện với trẻ em, chúng ta chưa quan tâm tháo gỡ kịp thời. Luật tư pháp cho người chưa thành niên, Bộ Tư pháp đã soạn từ 2016 đến nay vẫn chưa đưa được vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Còn đại biểu Lưu Bình Nhưỡng thì nhấn mạnh rằng “gia đình các em nhỏ bị xâm hại rất đơn độc”. Hiện nay, việc xâm hại tình dục trẻ em có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều câu chuyện buồn khi xảy ra rồi chúng ta mới tố cáo, điều tra.
Việt Nam có 17 cơ quan phụ trách vấn đề này chứ không riêng Bộ Lao động nhưng gia đình có các em nhỏ bị xâm hại lại rất đơn độc. Đại biểu Nhưỡng mong Bộ trưởng Lao động có thái độ kiên quyết hơn nữa cùng các cơ quan khác vào cuộc. Riêng vụ việc cháu bé tại Thủ Đức bị xâm hại, yêu cầu các cơ quan chức năng sớm xem xét điều tra làm rõ vụ việc vì có nhiều tình tiết mờ ám.
1 trong 4 bé gái bị xâm hại tình dục trước khi bước sang tuổi 18. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Trả lời các câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định hầu như những vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em, đặc biệt là những vụ nghiêm trọng Bộ đều chủ động ý kiến.
“Có những vụ việc cá nhân tôi chủ động trao đổi với các cấp lãnh đạo yêu cầu xử lý”, Bộ trưởng nói. Ông dẫn chứng vụ ông nguyễn Khắc Thủy, kết thúc phiên tòa, Bộ trưởng phải gọi điện thể hiện sự không đồng tình và đề nghị 2 cơ quan xem xét xử lý nghiêm minh vụ việc.
Được đề nghị trao đổi, làm rõ vấn đề, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết nếu so với cùng kỳ số lượng các vụ xâm hại trẻ em giảm 8% nhưng vẫn có nhiều diễn biến phức tạp. Không chỉ trẻ em gái mà cả bé trai cũng bị xâm hại tình dục.
"Không chỉ các đối tượng tại Việt Nam mà còn có cả các đối tượng nước ngoài vào Việt Nam thực hiện hành vi này. Thậm chí, còn lợi dụng quan hệ nuôi dưỡng, tập hợp trẻ em để thực hiện hành vi xâm hại", ông Tô Lâm nói.
Đưa ra nhiều nguyên nhân, Bộ trưởng Công an cho biết trong thời gian tới, Bộ cùng các lực lượng sẽ tăng cường các giải pháp để ngăn chặn tối đa tình trạng này, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để người dân chủ động bảo vệ các em nhỏ khỏi những hành vi xâm hại.
"Bộ phối hợp với Bộ Lao động, Bộ Giáo dục, Trung ương Đoàn, Hội liên hiệp phụ nữ… cùng các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện các biện pháp có hiệu quả ngăn ngừa những trường hợp có thể xảy ra", ông Tô Lâm nói.