Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra phát biểu trước quốc hội ngày 22/1. Ảnh: AFP |
BBC cho biết các nghị sĩ Thái Lan vừa bỏ phiếu (190 phiếu/219 nghị sĩ) để buộc tội cựu thủ tướng Yingluck về trách nhiệm của bà trong chương trình mua gạo từ người nông dân với giá cao hơn giá thị trường.
Đây là chương trình nổi bật trong chính phủ của bà Yingluck khi mới cầm quyền. Những ý kiến chỉ trích cho rằng chương trình gây lãng phí ngân sách rất lớn, khiến gạo dự trữ trong kho ngày càng nhiều nhưng không bán được, và làm cơ sở để lôi kéo sự ủng hộ của cử tri dành cho phe "áo đỏ".
Cùng với sự buộc tội từ quốc hội, bà Yingluck bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm. Bà Yingluck đã buộc phải rời khỏi chức thủ tướng vào tháng 5/2014, sau khi quân đội chiếm quyền lực với lý do lập lại trật tự ở Bangkok sau những cuộc biểu tình liên tiếp chống đối chính phủ của phe "áo vàng".
Trước đó, khi điều tần trước quốc hội, bà Yingluck phủ nhận mọi cáo buộc tham nhũng, đồng thời nhấn mạnh bà không còn giữ chức vụ nào trong chính phủ. "Tòa án hiến pháp đã cách chức thủ tướng của tôi trước đây, do vậy chẳng còn vị trí nào để loại bỏ tôi nữa", bà phát biểu ngày 22/1.
Cựu thủ tướng Thái Lan nói lệnh cấm hoạt động chính trị 5 năm "vi phạm những quyền cơ bản của tôi", cho rằng hành động này "hoàn toàn vì động cơ chính trị".
Một số nhà quan sát lo ngại sự buộc tội đối với bà Yingluck có thể khiến làn sóng biểu tình trở lại. Tuy nhiên, ông Jatuporn Prompan, một thủ lĩnh của phe "áo đỏ", đêm 22/1 đã lên truyền hình để kêu gọi người ủng hộ không xuống đường biểu tình, theo AFP. Từ khi tướng Prayuth Chan-ocha trở thành thủ tướng sau khi phát động đảo chính vào tháng 5/2014, ông đã cấm những nhóm chính trị tụ họp và ban bố lệnh giới nghiêm.