Bên lề hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 4/9, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã thông tin về hướng xử lý việc đại biểu Phạm Phú Quốc (TP.HCM) có thêm quốc tịch Cyprus.
Phải xem xét theo quy trình bãi nhiệm
Tổng thư ký Quốc hội cho biết chương trình phiên họp tháng 9 (dự kiến bắt đầu từ chiều 10/9) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa có nội dung xem xét vấn đề của ông Phạm Phú Quốc, vì chưa nhận được báo cáo của các cơ quan chức năng.
Song, ông Phúc khẳng định việc đại biểu Quốc có 2 quốc tịch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và trình Quốc hội bãi nhiệm đại biểu với ông Quốc, không tiến hành quy trình miễn nhiệm thông thường (do Ủy ban Thường vụ Quốc hội miễn nhiệm).
"Ông Quốc biết đại biểu Quốc hội không được có quốc tịch nước khác mà vẫn vi phạm, vi phạm rồi không báo cáo, như thế là không trung thực", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Dẫn quy định trong Hiến pháp, Tổng thư ký Quốc hội giải thích Hiến pháp quy định đại biểu Quốc hội là công dân Việt Nam. Theo Luật Quốc tịch Việt Nam thì công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Hải Quân. |
Chia sẻ thêm với Zing về trường hợp này, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Phó trưởng ban Dân nguyện) khẳng định về nguyên tắc, nếu mang 2 quốc tịch, ông Phạm Phú Quốc không thể là đại biểu Quốc hội. Và với vi phạm này, dù ông Quốc có đơn xin thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, vẫn phải xem xét xử lý theo quy trình bãi nhiệm.
“Nếu đúng như ông Quốc nói rằng đã có quốc tịch Cyprus từ năm 2018, tức là đã 2 năm mang quốc tịch nước khác nhưng ông không khai báo, xét về tinh thần của người đại biểu và của đảng viên, ông Quốc đã vi phạm cả quy định của Đảng, cả quy định pháp luật của Nhà nước”, ông Nhưỡng nêu quan điểm.
Phó trưởng ban Dân nguyện cho rằng rất đáng tiếc khi sau câu chuyện nữ đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường, giờ lại có thêm trường hợp tương tự trong Quốc hội.
Theo ông Nhưỡng, các đại biểu Quốc hội như ông phải thực hiện kê khai tài sản, lý lịch, làm bản kiểm điểm, lên chương trình công tác hàng năm. Vì vậy, việc có quốc tịch nước khác 2 năm mà không báo cáo cho thấy ông Quốc không trung thực.
Phó trưởng ban Dân nguyện cho rằng các cơ quan liên quan nên nhanh chóng xem xét, đánh giá lại vụ việc. Sau xem xét, nếu thấy ông Quốc vi phạm, không còn xứng đáng là đại biểu thì xử lý theo Điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội.
Theo đó, đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị Quốc hội bãi nhiệm. Việc bãi nhiệm phải được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
Đây là một hình thức kỷ luật, buộc thôi giữ chức vụ do bầu cử trước khi hết nhiệm kỳ vì có vi phạm pháp luật, vi phạm về phẩm chất, đạo đức, không còn xứng đáng giữ chức vụ được giao.
Phạm vào điều cấm
Trước đó, chiều 1/9, TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch. Ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, cho hay khi cơ quan chức năng TP giới thiệu ông Phạm Phú Quốc tham gia ứng cử ĐBQH thì ông đáp ứng đầy đủ điều kiện.
Ông Quốc có quốc tịch thứ hai nhưng không khai báo là thể hiện việc không gương mẫu, không chấp hành quy định của Đảng. Sau đó, ông Quốc đã xin thôi đại biểu Quốc hội, thôi chức vụ Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận.
Ông Phạm Phú Quốc đã có đơn xin thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội sau khi bị phát hiện có thêm quốc tịch Cyprus. Ảnh: Quốc hội. |
Ngày 4/9, Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM và Thường trực UBND thành phố về việc thống nhất để ông Phạm Phú Quốc thôi việc theo nguyện vọng.
Về việc ông Quốc nộp đơn xin thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - ông Phan Nguyễn Như Khuê - cho biết theo quy định của luật thì ông Phạm Phú Quốc phải do Quốc hội xem xét bãi miễn chứ không giải quyết theo đơn đề nghị của cá nhân.
Nêu quan điểm về trường hợp này, tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp) khẳng định việc đại biểu Phạm Phú Quốc có quốc tịch Cyprus khi đang đương nhiệm là "không phải tranh cãi". Đại biểu này đã phạm điều cấm trong nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền.
Theo nguyên tắc này, công dân được làm những gì pháp luật không cấm, nhưng công chức, viên chức và cán bộ cơ quan Nhà nước chỉ được làm những điều pháp luật cho phép. Không có pháp luật nào cho phép đại biểu Quốc hội nhập quốc tịch khác.
Chưa kể, nếu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thì còn nhiều điều cấm. Trong khi đó, đại biểu Phạm Phú Quốc vừa là cán bộ công chức, vừa là đảng viên nên phải chịu sự điều chỉnh của các quy định này.
Ông Phạm Phú Quốc sinh năm 1968, quê huyện Triệu Hải, tỉnh Quảng Trị. Ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV khi đang là Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM.
Tháng 2/2018, ông Quốc được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Tháng 12/2019, ông Quốc được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).