Xem xét việc đại biểu Phạm Phú Quốc mang quốc tịch Cyprus có vi phạm hay không phải căn cứ vào Luật Quốc tịch, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội.
Là người trực tiếp làm Luật Quốc tịch nên tôi hiểu rất rõ việc này.
Trước đây, Luật Quốc tịch của Việt Nam khi mới ra đời đã ban hành quy định rất cứng rằng công dân Việt Nam chỉ có một quốc tịch Việt Nam, không được có quốc tịch thứ hai. Ai muốn nhập quốc tịch khác phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam bởi vấn đề công dân có hai quốc tịch được công pháp và tư pháp quốc tế coi là hết sức phức tạp.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền. Ảnh: Quốc hội. |
Sau đó Bộ Chính trị có Nghị quyết 36 về Người Việt Nam ở nước ngoài, rồi Luật Quốc tịch được sửa đổi theo hướng vẫn quy định nguyên tắc “người Việt Nam có một quốc tịch”, nhưng mở ra một số trường hợp có thể có hai quốc tịch.
Đại biểu Quốc hội không thuộc diện này.
Theo quy định sửa đổi, những trường hợp có thể có hai quốc tịch chỉ được mở ra cho những người đấu tranh vì hoà bình, vì độc lập dân tộc, vì khoa học, vì đầu tư nước ngoài, vì đại đoàn kết toàn dân... Việc này nhằm kêu gọi Việt kiều, đã mang quốc tịch các nước, có thể về Việt Nam để làm khoa học và cống hiến.
Ông Phạm Phú Quốc giải thích có quốc tịch Cyprus do gia đình bảo lãnh. Theo tôi không thể nói như vậy. Quốc tịch là quyền luôn gắn với nhân thân của mỗi người, quyền này chỉ được thực hiện khi cá nhân đó thể hiện ý chí muốn hay không muốn.
Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội không quy định cụ thể về tiêu chuẩn nhưng Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội lại nêu rõ: “Công dân nước Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội”.
Như vậy có nghĩa người ứng cử đại biểu Quốc hội phải là công dân Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc nói ông có quốc tịch Cyprus, do gia đình bảo lãnh. Ảnh: Quốc hội. |
Thiếu sót ở đây là khái niệm công dân Việt Nam trong trường hợp ứng cử đại biểu Quốc hội chưa được giải thích trong một văn bản cụ thể nào, vì thế, còn gây nhiều tranh cãi.
Tiến sĩ Luật học Nguyễn Đình Quyền nguyên là Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp. Ông là đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII và có 30 năm kinh nghiệm làm công tác xây dựng luật.
Tuy nhiên, trong trường hợp của ông Phạm Phú Quốc thì không thể tranh cãi được. Đại biểu đã phạm điều cấm trong nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền.
Thứ nhất là về kê khai tài sản. Để vào quốc tịch Cyprus phải có số tiền rất lớn. Cần làm rõ ông Quốc có kê khai tài sản này không.
Thứ hai, cái quan trọng hơn của nguyên tắc pháp quyền, đó là công dân được làm những gì pháp luật không cấm, nhưng công chức, viên chức và cán bộ cơ quan Nhà nước chỉ được làm những điều pháp luật cho phép. Không có pháp luật nào cho phép đại biểu Quốc hội nhập quốc tịch khác. Chưa kể, nếu ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thì còn nhiều điều cấm.
Nhìn nhận ở một góc độ khác, phải thừa nhận rằng việc hoạch định chính sách của chúng ta có vấn đề. Chúng ta không có văn bản cụ thể nào giải thích về khái niệm công dân Việt Nam tham gia bầu cử và ứng cử đại biểu Quốc hội.
Lần này xảy ra với trường hợp ứng cử, nhưng còn vấn đề với rất nhiều kiều bào ở nước ngoài chưa thôi quốc tịch Việt Nam, khi họ muốn về nước bầu cử thì có được không?
Tới đây, cần phải có văn bản quy phạm pháp luật giải thích khái niệm “công dân Việt Nam” quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội.
Ông Phạm Phú Quốc sinh năm 1968, quê huyện Triệu Hải, tỉnh Quảng Trị. Ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV khi đang là Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM.
Tháng 2/2018, ông Quốc được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Tháng 12/2019, ông Quốc được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).