Trước cáo buộc có tên trong danh sách mua hộ chiếu Cyprus (Cộng hòa Síp), đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (đoàn TP.HCM) đã lên tiếng trả lời. Trên báo Tuổi trẻ ngày 25/8, ông Quốc thừa nhận năm 2018, ông được gia đình thực hiện các thủ tục bảo lãnh xin cấp quốc tịch Cyprus để thuận tiện đi lại, chăm sóc gia đình. Song, không có chuyện ông mua quốc tịch Cyprus với giá 2,5 triệu USD.
Trao đổi với Zing, ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), nói: “Việc trả lời trên báo chí là quyền cá nhân của ông Quốc. Chúng tôi làm việc bằng hồ sơ, căn cứ vào hồ sơ và qua quy trình xác minh để đưa ra kết luận”.
Đại biểu Phạm Phú Quốc thừa nhận có quốc tịch Cyprus nhưng là do gia đình bảo lãnh. Ảnh: quochoi.vn. |
Giải thích rõ hơn, ông Túy cho biết trước hết Ban giao các đơn vị liên quan xác minh việc ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch Cyprus. Sau đó, các cơ quan của Quốc hội làm theo quy trình, báo cáo Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa ra quyết định cuối cùng.
“Ban Công tác đại biểu trong ngày 25/8 mới nắm được thông tin. Dự kiến ngày 26/8, chúng tôi làm việc với cá nhân đại biểu Phạm Phú Quốc và đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về vấn đề này”, ông Túy nói.
Trước câu hỏi “việc ông Phạm Phú Quốc mang quốc tịch Cyprus có kê khai trong hồ sơ đại biểu”, Trưởng ban Công tác đại biểu giải thích ông Quốc trúng cử Quốc hội năm 2016. Song, theo thông tin ông Quốc trả lời trên báo chí, đến 2018 ông mới có quốc tịch Cyprus nên việc này không được kê khai trong hồ sơ đại biểu.
“Tất nhiên chúng tôi sẽ xác minh thêm. Nếu xác định việc đại biểu Phạm Phú Quốc không báo cáo kịp thời thì đó là một tình tiết để cơ quan chức năng xem xét”, ông Túy phân tích.
Về băn khoăn đại biểu Quốc hội mang 2 quốc tịch có vi phạm pháp luật, Trưởng ban Công tác đại biểu nhấn mạnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được thông qua ngày 19/6 nêu rõ “đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”. Song, Luật này đến năm 2021 mới chính thức có hiệu lực.
Trong khi đó, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 không đề cập cụ thể quy định về quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội. Nhiều người vì thế có cách hiểu khác nhau.
"Đại biểu mang 2 quốc tịch như ông Phạm Phú Quốc có vi phạm hay không? Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giải thích rõ quy định và quyết định trường hợp này", Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy nói.
Dù quy định là vậy, thực tế từ năm 2016 khi Luật Tổ chức Quốc hội chưa được sửa đổi đã có tiền lệ trường hợp của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Bà Hường là nữ doanh nhân, trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV nhưng được phát hiện có thêm quốc tịch Malta.
Việc nhập quốc tịch Malta không được bà kê khai trong hồ sơ ứng cử. Các cơ quan chức năng xác định việc mang 2 quốc tịch đối với trường hợp bà Nguyệt Hường là sai quy định pháp luật và bà bị bác tư cách đại biểu Quốc hội sau đó.