Cuộc bỏ phiếu của 170 nhà lập pháp nhằm thông qua nghị quyết yêu cầu chính phủ nước này hủy bỏ thỏa thuận an ninh với liên minh chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do Mỹ dẫn đầu. Dù các nhà lập pháp đã thông qua nhưng kết quả này vẫn chưa phải là “phán quyết cuối cùng” đối với sự hiện diện của bính lính Mỹ tại Iraq cho tới khi Thủ tướng Adel Abdul Mahdi ký thành luật.
Trước đó Thủ tướng Mahdi nói với Quốc hội rằng chính phủ nước này phải thiết lập lịch trình rút toàn bộ binh lính nước ngoài “vì lợi ích của chủ quyền quốc gia”.
Kiến nghị của ông Mahdi được đưa ra hôm 5/1, sau vụ không kích của Mỹ đã tiêu diệt tư lệnh lừng danh Qasem Soleimani, người đứng đầu lực lượng tinh nhuệ Quds của Vệ binh Cách mạnh Iran, cùng một lãnh đạo chủ chốt khác của lực lượng dân quân Iraq do Iran chống lưng.
“Việc xảy ra là một vụ ám sát chính trị”, ông Mahdi nói về vụ không kích của Mỹ hôm 3/1. “Iraq không thể chấp nhận điều này”.
Người ủng hộ tại lễ tang của tướng Qassem Soleimani ở thành phố Ahvaz, Iran, ngày 5/1. Ảnh: AP. |
Thi thể của tư lệnh Soleimani đã được đưa đến hai thành phố Najaf và Karbala của Iraq trước khi trở về Iran hôm 5/1 để tiến hành chôn cất - dự kiến diễn ra vào ngày 7/1 tại Kerman, quê hương của ông ở đông nam Iran, truyền thông nhà nước Iran đưa tin.
Theo IRIB, thi thể của tướng Soleimani được đưa đi bằng máy bay tới thành phố Ahvaz, phía tây nam Iran vào sáng sớm 5/1, vài ngày sau vụ không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Iraq.
IRIB đăng tải video cho thấy chiếc quan tài phủ cờ Iran được đưa ra khỏi một chiếc máy bay trên nền quân nhạc.
Hàng nghìn người ủng hộ trong trang phục màu đen tuần hành ở khắp Ahvaz, theo hình ảnh trực tiếp phát sóng trên truyền hình quốc gia.
Theo nhận định của AP, chính phủ Iraq vốn có mối quan hệ với cả Washington và Tehran. Giờ đây, họ sẽ chịu áp lực buộc phải trục xuất 5.200 lính Mỹ đang đóng quân tại Iraq. Số lính này đã được triển khai nhằm ngăn chặn sự trở lại của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Ông Renad Mansour, một nhà nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu Chatham House, London, cho biết: “Việc hạn chế số lượng hoặc trục xuất quân đội Mỹ ra khỏi Iraq là một lựa chọn có tác động ngay lập tức”.
“Tôi nghĩ rằng sẽ khó cho bất kỳ quan chức chính phủ Iraq nào muốn giữ lại quân đội Mỹ sau chuyện này”, ông Mansour nói với AP.
Điều này sẽ khiến Iraq, cùng với Syria và Lebanon, nghiêng về phía Iran nhiều hơn. Mục tiêu mà Soleimani đã theo đuổi kể từ khi Mỹ lãnh đạo cuộc tấn công Iraq năm 2003 sẽ được hoàn thành.
Tuy nhiên, kịch bản này được cho là còn khá lỏng lẻo.