Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quốc hội đồng ý đầu tư hơn 122.000 tỷ đồng phát triển văn hóa

Sáng 27/11, Quốc hội thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Theo đó, Quốc hội quyết nghị tổng nguồn vốn thực hiện chương trình này trong giai đoạn 2025-2030 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng.

Quoc hoi anh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết. Ảnh: Quốc hội.

Vốn ngân sách trung ương chiếm 63% với 77.000 tỷ đồng (gồm 50.000 tỷ vốn đầu tư phát triển và 27.000 tỷ vốn sự nghiệp); vốn ngân sách địa phương chiếm 24,6% với 30.250 tỷ; còn lại 12,4% là nguồn vốn khác (khoảng 15.000 tỷ).

Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động phù hợp mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.

Quốc hội yêu cầu vốn ngân sách trung ương phân bổ cho Chương trình phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung vào các nội dung cần ưu tiên thực hiện trước nhằm tạo đột phá trong phát triển văn hóa.

Trước hết, đầu tư cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong bảo tồn, phát triển văn hóa, phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; các nhiệm vụ mà Nhà nước cần đầu tư để dẫn dắt, định hướng, chi phối, tạo nền tảng để thu hút toàn xã hội tham gia phát triển văn hóa.

Theo nghị quyết, việc đầu tư cần được phân cấp nhằm tạo quyền chủ động cho các cấp chính quyền địa phương.

Một trong những cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện chương trình là thực hiện đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết trước khi Quốc hội thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết có ý kiến băn khoăn khi tỷ lệ “nguồn vốn khác” chiếm 12,4% còn cao, thiếu tính khả thi đối với các địa phương còn khó khăn.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, “nguồn vốn khác” huy động thực hiện chương trình bao gồm nguồn vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án; vốn huy động thông qua chính sách thu hút đầu tư; nguồn đóng góp tự nguyện của người dân (tiền, hiện vật, ngày công lao động)…

Còn tỷ lệ 12,4% là tỷ lệ trung bình trong cả nước. Với những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đặc biệt là địa phương phát triển công nghiệp văn hóa, tỷ lệ sẽ đạt cao hơn. Với địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, có thể huy động sự đóng góp của người dân bằng ngày công, hiện vật…

Ông Vinh cũng cho hay, về dự kiến kế hoạch bố trí và tiến độ nguồn vốn, có ý kiến đề nghị rà soát, đánh giá khả năng bố trí ngân sách và giải ngân vốn năm 2025.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết theo báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, chương trình dự kiến bố trí vốn năm 2025 là 400 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 150 tỷ, còn lại là ngân sách địa phương. Số vốn này hoàn toàn nằm trong khả năng cân đối của ngân sách.

Về chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cho biết, nhiều ý kiến nhất trí với nội dung này nhưng cũng có quan điểm cho rằng cần bổ sung cơ chế thực hiện nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và tránh lãng phí.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực hiện chiến lược văn hóa đối ngoại và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội đưa nội dung này là một trong những cơ chế đặc thù trong thực hiện Chương trình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo, tiếp thu ý kiến của đại biểu, lựa chọn xây dựng trung tâm theo thứ tự ưu tiên; tiếp tục hoàn thiện cơ chế tổ chức, vận hành phù hợp với từng địa bàn, có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và tránh lãng phí.

Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Quốc hội họp về công tác nhân sự

Cùng với việc biểu quyết thông qua một số dự án luật, Quốc hội sẽ tiến hành họp riêng về công tác nhân sự theo thẩm quyền.

Giới thiệu 2 nhân sự bộ trưởng Tài chính, GTVT để Quốc hội phê chuẩn

Trung ương đã cho ý kiến về nhân sự để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội khoá XV phê chuẩn chức danh Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng GTVT; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Người trong cuộc nói về việc đòi tiền cúng dường cho nhà chùa

Ban Trị sự Phật giáo Thị xã Cai Lậy và các cơ quan chức năng, UB Mặt trận Tổ quốc Thị xã, chính quyền xã Tân Hội vừa có họp với trụ trì chùa Phước Quang và phật tử đòi lại tiền cúng dường.

https://vietnamnet.vn/quoc-hoi-dong-y-dau-tu-hon-122-000-ty-dong-phat-trien-van-hoa-trong-5-nam-toi-2346010.html

Thu Hằng/Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm