Chiều 20/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15/1/2018.
Theo đó, với tỷ lệ 90,43% số đại biểu tham gia biểu quyết sửa đổi bổ sung một số điều của Luật TCTD sửa đổi, trong đó tỷ lệ tán thành đạt 88,8%.
Dự thảo luật vừa được thông qua tập trung vào 5 phương án để cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt. Trong đó bao gồm các phương án như phục hồi; sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; giải thể; chuyển giao bắt buộc và phá sản.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên xuất hiện phương án phá sản một TCTD để tái cấu trúc hệ thống.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Luật này khi TCTD đó lâm vào tình trạng phá sản.
Trong vòng 30 ngày kể từ ngày Chính phủ quyết định cho phép phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với TCTD được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt trình NHNN xem xét.
Luật TCTD sửa đổi cũng nêu rõ trong trường hợp xây dựng phương án phá sản quỹ tín dụng nhân dân, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thực hiện.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được phương án phá sản, NHNN có trách nhiệm xem xét, đánh giá tính khả thi của phương án, trình Chính phủ phê duyệt phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Cụ thể, với phương án phá sản TCTD gồm có các nội dung đánh giá thực trạng và quá trình xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt được quyết định chủ trương phá sản. Đánh giá tác động của việc thực hiện phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt đối với sự an toàn của hệ thống TCTD; Phương án chi trả tiền gửi của khách hàng là cá nhân; Lộ trình thực hiện và trách nhiệm triển khai phương án phá sản.
Về việc tổ chức phá sản, NHNN chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung tại phương án phá sản đã được phê duyệt, bao gồm cả việc yêu cầu TCTD được kiểm soát đặc biệt nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản. Trường hợp cần thiết, NHNN trình Chính phủ quyết định việc sửa đổi, bổ sung phương án phá sản.
Trước đó, trong phiên chất vấn Thống đốc NHNN mới đây, rất nhiều đại biểu Quốc hội đặt biệt quan tâm tới vấn đề tái cơ cấu các TCTD và tập trung xử lý nợ xấu thời gian qua.
Nhiều đại biểu đặt câu hỏi nếu cho phép phá sản ngân hàng thì tiền gửi của người dân trong ngân hàng sẽ ra sao khi 80% tiền trong ngân hàng là của người dân.
“Trên 80% vốn ngân hàng đều là tiền gửi của nhân dân, nếu đổ vỡ ngân hàng sẽ tạo hiệu ứng domino gây thiệt hại nặng nề”, đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt, đoàn Gia Lai cho biết. Ông Vượt cũng cho biết rất nhiều người dân đang bất an với việc mua lại bắt buộc ngân hàng 0 đồng và có thể là phá sản tổ chức tín dụng.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết trong bất cứ trường hợp nào, phương án xử lý tổ chức tín dụng đều đặt mục tiêu an toàn hệ thống, lòng tin người dân, đảm bảo quyền và lợi ích người gửi tiền…
Trường hợp cụ thể NHNN kiến nghị Quốc hội xem xét giải pháp đặc biệt nhưng vẫn thực hiện theo mục tiêu trên.