Sáng 13/11, Quốc hội biểu quyết thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 với trên 89% đại biểu tán thành.
Theo đó, số thu ngân sách nhà nước là hơn 1,9 triệu tỷ đồng. Quốc hội đồng ý sử dụng 60.000 tỷ đồng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và 50.619 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.
Năm 2025 tổng số chi ngân sách nhà nước là trên 2,5 triệu tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 471.500 tỷ đồng tương đương 3,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Trong đó, bội chi ngân sách trung ương là 443.100 tỷ đồng tương đương 3,6% GDP; bội chi ngân sách địa phương là 28.400 tỷ đồng tương đương 0,2% GDP.
Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 835.965 tỷ đồng.
Về thực hiện chính sách tiền lương, một số chính sách xã hội, Quốc hội chốt chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025.
Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định.
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ cho phép từ 1/7/2024 được mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và tinh giản biên chế.
Quốc hội cũng cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành và tinh giản biên chế.
Các địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia thực hiện tại địa phương theo quy định của cấp có thẩm quyền trong trường hợp địa phương có nguồn dư lớn.
Các địa phương cũng phải cam kết bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành cho cả lộ trình đến năm 2030 và không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ.
Trước khi Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, một số ý kiến đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, nhất là những công trình trọng điểm quốc gia, cũng như những công trình trọng điểm ở địa phương, chuyển kinh phí tại các công trình triển khai chậm sang thực hiện các công trình, dự án có khả năng thực hiện, giải ngân cao.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đúng như đại biểu Quốc hội đã nêu, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 của một số Bộ, ngành, địa phương còn chậm. Trung bình cả nước mới chỉ đạt 47,3% dự toán Quốc hội giao, giảm cả về giá trị và tỷ lệ so với cùng kỳ; trong đó vốn ngoài nước chỉ đạt 24,33% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ (28,37%).
Vì vậy, trong những tháng cuối năm, với mục tiêu giải ngân 95% dự toán được giao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo sát sao, quyết liệt, chủ động có giải pháp khắc phục, nâng cao trách nhiệm, tính chủ động của các Bộ, ngành, địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, nhất là những công trình trọng điểm quốc gia, cũng như những công trình trọng điểm ở địa phương.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.