Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quốc hội bắt đầu đợt họp tập trung, quyết định vấn đề nhân sự

Sau đợt họp trực tuyến, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV bước vào đợt họp tập trung kéo dài 10 ngày, xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, có nội dung về nhân sự.

Từ ngày 8 đến 18/6, các đại biểu Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Trong đợt này, Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét và thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung về nhân sự.

Cụ thể, Quốc hội sẽ miễn nhiệm chức Phó thủ tướng của ông Vương Đình Huệ. Ông Huệ đã được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Hà Nội từ tháng 2.

Ngoài ra, miễn nhiệm chức Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội của bà Nguyễn Thanh Hải - người vừa được phân công làm Bí thư Thái Nguyên.

Cùng với đó, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; phê chuẩn danh sách Phó chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia và bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quoc hoi quyet dinh van de nhan su anh 1

Quốc hội sẽ tiến hành quy trình miễn nhiệm chức Phó thủ tướng của ông Vương Đình Huệ do ông đã được phân công giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Đoàn Bắc.

Cũng trong đợt họp tập trung, Quốc hội sẽ dành 2 ngày thảo luận về Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước; dành nửa ngày thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Các nội dung này sẽ được truyền hình và phát thanh trực tiếp.

Một số luật sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận như Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đợt này Quốc hội cũng sẽ thông qua hàng loạt luật, nghị quyết quan trọng.

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của đợt họp tập trung, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA); Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Những ngày sau đó sẽ thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác cũng sẽ được đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua đợt này.

Hàng loạt dự án luật quan trọng cũng được Quốc hội thông qua, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra còn có Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Hơn 300 đại biểu Quốc hội muốn cấm dịch vụ đòi nợ thuê

Trong 409 phiếu được gửi đi lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về việc cấm hay không dịch vụ kinh doanh đòi nợ, hơn 300 đại biểu ủng hộ phương án cấm loại hình này.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm