Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 954 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân.
Theo Nghị quyết này, mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế được điều chỉnh từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ cho người phụ thuộc cũng được điều chỉnh tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng.
Nghị quyết hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.
Theo đó, các trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 được xác định lại số thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Nghị quyết này khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020.
Theo tính toán của Chính phủ, sẽ có khoảng 1 triệu người không phải nộp thuế thu nhập cá nhân khi việc điều chỉnh này có hiệu lực.
Hồi đầu tháng 3, trả lời câu hỏi của Zing tại buổi họp báo Chính phủ về việc nhiều quan điểm cho rằng mức giảm trừ này thay đổi chưa sát thực tế, chưa nuôi dưỡng nguồn thu, tính toán chưa sát mức tăng thu nhập, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết cơ quan này đã theo dõi chỉ số giá CPI biến động và tính toán ra mức giảm trừ gia cảnh mới khi CPI biến động trên 20%.
Theo bà Mai, mức điều chỉnh phù hợp biến động giá cả để áp dụng cho các kỳ điều chỉnh tiếp theo.
Bộ Tài chính lý giải việc nâng mức giảm trừ gia cảnh và người phụ thuộc sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013 (Luật thuế TNCN có hiệu lực).
Theo cách tính mới, mọi đối tượng nộp thuế sẽ được giảm một phần tiền thuế. Trong đó, mức độ giảm thuế của nhóm bậc thuế thấp sẽ cao hơn so với những người nộp thuế ở bậc cao.
Với việc áp dụng nâng mức giảm trừ gia cảnh này, số thu về từ thuế TNCN một năm sẽ giảm khoảng 10.300 tỷ (tương đương giảm 13% số thu ngân sách riêng từ thuế TNCN năm gần nhất).